Đây là một tỉnh ĐBSCL có ngư trường hơn 63.000km2, 200km bờ biển, 100 cửa sông, kênh, rạch

Thứ ba, ngày 12/03/2024 05:45 AM (GMT+7)
Kiên Giang có ngư trường rộng hơn 63.000km2 thuộc vùng biển Tây Nam, với gần 200km bờ biển; có hơn 100 cửa sông, kênh, rạch đổ ra biển. Toàn tỉnh có hơn 9.500 tàu cá, trong đó khoảng 3.700 tàu có chiều dài từ 15m trở lên khai thác ở vùng khơi, còn lại có công suất vừa và nhỏ khai thác chủ yếu ở vùng lộng...
Bình luận 0

Kiên Giang có vùng biển rộng cùng hệ sinh thái đa dạng giúp khai thác và phát triển các loài thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế. Những năm qua, do nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt nên tỉnh đang nỗ lực thực hiện các biện pháp tái tạo.

Kiên Giang có ngư trường rộng hơn 63.000km2 thuộc vùng biển Tây Nam, với gần 200km bờ biển; có hơn 100 cửa sông, kênh, rạch đổ ra biển. 

Toàn tỉnh có hơn 9.500 tàu cá, trong đó khoảng 3.700 tàu có chiều dài từ 15m trở lên khai thác ở vùng khơi, còn lại có công suất vừa và nhỏ khai thác chủ yếu ở vùng lộng, vùng bờ và các phương tiện công suất nhỏ khai thác ở vùng ven bờ…

Xây dựng nghề cá có trách nhiệm

Năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng của tỉnh Kiên Giang đạt hơn 798.300 tấn; riêng sản lượng khai thác ước đạt gần 437.200 tấn, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động. 

Mặc dù vậy, ngành này đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức; tình trạng khai thác quá mức dẫn đến ngư trường bị suy giảm nghiêm trọng, hiệu quả kinh tế của mỗi chuyến biển ngày càng giảm, tác động đến đời sống của ngư dân. 

Một số chủ tàu, thuyền trưởng vì áp lực tài chính, vay nợ ngân hàng nên đưa tàu đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, khi bị Ủy ban châu Âu áp cảnh báo thẻ vàng.

Đây là một tỉnh ĐBSCL có ngư trường hơn 63.000km2, 200km bờ biển, 100 cửa sông, kênh, rạch- Ảnh 1.

TP Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) thả cá, tôm, cua giống xuống đầm Đông Hồ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Hướng tới xây dựng nghề cá có trách nhiệm, tỉnh Kiên Giang tái cấu trúc ngành thủy sản theo hướng cắt giảm số lượng tàu cá, sắp xếp lại ngành khai thác phù hợp, bảo đảm sinh kế cho ngư dân gắn với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. 

UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt đề án Khảo sát, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp tái cấu trúc nghề khai thác thủy sản theo hướng bền vững, để từ đó khắc phục thực trạng tàu cá vi phạm ngư trường khai thác nước ngoài, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định, giải quyết những hạn chế tồn tại.

Những năm tới, tỉnh Kiên Giang chú trọng phát triển nghề lưới vây khơi, câu khơi, từng bước xóa bỏ các nghề khai thác ven bờ mang tính hủy diệt, sử dụng chất nổ, xung điện. 

Ðối với nghề lưới kéo, giai đoạn 2023-2030, tỉnh không cấp văn bản chấp thuận đóng mới và mua bán từ tỉnh khác về làm, hướng đến hết năm 2030 các tàu có chiều dài dưới 15m làm nghề lưới kéo chuyển đổi sang nghề lưới vây và nghề câu...

Ðể kiểm soát cường lực và ngư cụ khai thác của các tàu cá, bảo vệ nguồn lợi khai thác, tỉnh Kiên Giang tăng cường quản lý đội tàu, kiểm soát việc đóng mới, cải hoán, cấp phép. 

Ðặc biệt, đối với nhóm tàu không đăng ký, đăng kiểm, tỉnh tiến hành rà soát thống kê đầy đủ về loại nghề kết hợp tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang - Lê Hữu Toàn, để khôi phục nguồn lợi thủy sản, việc cắt giảm đội tàu khai thác, đặc biệt đối với các tàu khai thác ven bờ, là giải pháp hữu hiệu nhằm hướng tới xây dựng nghề cá bền vững. 

Cùng đó, tỉnh sẽ thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm sinh kế và đời sống ngư dân sau khi cắt giảm, chuyển đổi nghề khai thác kết hợp bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; đầu tư nâng cấp hạ tầng hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão phục vụ phát triển ngành thủy sản sau chuyển đổi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường, giám sát hoạt động tàu cá…

Bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản

Mới đây, Ðoàn kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác thủy sản trái phép trên đầm Ðông Hồ và vùng ven biển TP Hà Tiên tổ chức ra quân tháo dỡ các trụ đáy, lờ dây; đồng thời tuyên truyền, vận động 24 chủ phương tiện và người dân không đánh bắt, khai thác thủy sản bằng xiệp, lờ dây, đáy tại khu vực đầm Ðông Hồ và ven biển. 

Năm 2023, nhiều địa phương trong tỉnh Kiên Giang tổ chức thả con giống về tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, như huyện Tân Hiệp phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện tổ chức thả hơn 650kg cá giống xuống kênh Cái Sắn; huyện Hòn Ðất thả hàng trăm ngàn con cá giống xuống kênh Rạch Giá - Hà Tiên đoạn qua xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Ðất. 

Tại TP Hà Tiên, năm nào cũng vậy, lễ hội kỷ niệm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các đều tổ chức lễ thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên đầm Ðông Hồ.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tiên - Mai Quốc Thắng, những năm qua, nguồn lợi thủy sản tự nhiên suy giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động của con người, hoạt động trong sản xuất nông nghiệp, ô nhiễm môi trường. 

Ngoài ra, phần lớn ngư dân hiểu biết còn hạn chế về các quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản nên đã khai thác quá mức, sử dụng các biện pháp đánh bắt mang tính hủy diệt, làm mất dần hệ sinh thái.

Tái tạo nguồn lợi thủy sản là yêu cầu cấp bách nhằm bổ sung nguồn giống, giúp phục hồi, tạo cân bằng sinh thái môi trường; đồng thời giúp nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng và giá trị nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên. 

TP Hà Tiên sẽ duy trì hoạt động thả con giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên đầm Ðông Hồ hằng năm và mong nhân dân cùng chung tay giữ gìn, phát triển. 

Năm 2023, được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, trại sản xuất giống, nhà hảo tâm, thành phố Hà Tiên đã thả 2 triệu con tôm giống, 20.000 con cua giống, 25kg ghẹ mang trứng và 12.000 con cá giống các loại về môi trường tự nhiên. 

Giữa năm 2023, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định ngừng khai thác nghêu, lụa, sò lông, sò huyết, hến từ ngày 1-7 đến 31-12-2023. Mặc dù quy định trong ngắn hạn, nhưng đây là động thái quyết liệt nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Các đồn biên phòng tuyến biển, đảo và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang thời gian qua thường xuyên phát hiện, bắt giữ tàu ngư dân dùng xung điện đánh bắt cá, tôm, vi phạm pháp luật gây nguy hiểm đến tính mạng cho chính người sử dụng và làm tận diệt các loài thủy sản… 

Ðối với trường hợp vi phạm, các đơn vị đã xử phạt hành chính số tiền hàng trăm triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy hàng trăm bộ kích điện và hàng ngàn mét dây điện. 

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền đến các Tổ đoàn kết ngư dân trên biển không khai thác thủy sản bằng hình thức chích điện, dùng thuốc nổ, chất độc…; kêu gọi bà con vùng biển tăng cường nuôi trồng để tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Lê Vinh (Báo Kiên Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem