Chứng khoán Tân Việt lỗ gần 400 tỷ trong năm 2023
Theo kết quả điều tra, hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan gồm khoảng 1.000 công ty con, cả trong và ngoài nước. Các đơn vị này được phân loại thành 4 nhóm chính với mối quan hệ chặt chẽ. Trong số đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thuộc nhóm định chế tài chính của tập đoàn này tại Việt Nam, cùng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Trong năm 2023, doanh thu hoạt động của Chứng khoán Tân Việt giảm tới 92%, chỉ còn hơn 202 tỷ đồng. Các lĩnh vực như môi giới, lưu ký chứng khoán và tư vấn tài chính đều ghi nhận sự giảm sút. Công ty không còn thu nhập từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, cũng như từ nghiệp vụ bảo lãnh và đại lý phát hành chứng khoán.
Trái ngược với doanh thu, chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn tăng gấp đôi so với cùng kỳ, dẫn đến lỗ sau thuế lớn hơn 397 tỷ đồng. Kết quả này cao hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu (lỗ 570 triệu đồng) đề ra đầu năm.
Tại ngày 30/12/2023, tổng tài sản của Chứng khoán Tân Việt đạt hơn 1.841 tỷ đồng, trong đó có các loại tài sản như cổ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, quỹ đại chúng và trái phiếu chưa niêm yết. Đặc biệt, trái phiếu chưa niêm yết chiếm tỷ lệ lớn, với số lên đến 1.639 tỷ đồng, chiếm 89% trong danh mục tài sản tài chính.
Báo cáo kiểm toán nửa đầu năm 2023 của Chứng khoán Tân Việt, được công bố vào tháng 9/2023, đưa ra hai vấn đề chính liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và số tiền "kẹt" tại SCB. Theo đơn vị kiểm toán, TVSI đã mua trái phiếu doanh nghiệp từ các tổ chức và nhà đầu tư, sau đó mua bán lại nhiều lần. Tổng mệnh giá trái phiếu TVSI ký hợp đồng mua lại đến ngày 30/6/2023 là 18.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 4.870 tỷ đồng chưa thanh toán.
Kiểm toán cũng nhấn mạnh rằng từ ngày 2/11/2022, TVSI có hơn 1.609 tỷ đồng tiền gửi tại SCB đang bị phong tỏa, bao gồm tiền gửi nhà đầu tư phục vụ giao dịch chứng khoán và tiền gửi phục vụ các nghĩa vụ thanh toán khác cho khách hàng.
CTCP An Đông
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, một mắt xích nằm trong hệ sinh thái của Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát thuộc quản lý của tập đoàn bà Trương Mỹ Lan. Với số tiền huy động trên, đầu năm 2020, theo văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HXN), doanh nghiệp cho biết đã thanh toán gần 1.500 tỷ đồng tiền lãi cho nhà đầu tư trong năm 2019. Nửa đầu năm 2020, doanh nghiệp cũng đã trả gần 1.400 tỷ đồng tiền lãi.
Vấn đề đáng nói, với số tiền huy động trái phiếu không hề nhỏ trên, doanh nghiệp lại rơi vào cảnh làm ăn thất bát, thua lỗ. Năm 2018, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn 155 tỷ đồng; năm 2019, con số này chỉ còn 37 tỷ đồng và đến sáu tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp thua lỗ gần 23 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp trong năm 2018 là 9.474 tỷ đồng, đến giữa năm 2020, giảm nhẹ còn 9.110 tỷ đồng. Theo đó, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu doanh nghiệp năm 2018 là 2.81 thì đến ngày 30/6/2020 đã là 4.05. Chỉ số ROE vì vậy cũng từ 1,64% năm 2018, xuống mức âm 0,25% giữa năm 2020.
CTCP Đầu tư Quang Thuận
Cùng với An Đông, Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận cũng là đối tượng có liên quan tới vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan. Theo nhà chức trách, An Đông, Quang Thuận và một số doanh nghiệp khác liên quan Vạn Thịnh Phát đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật tạo lập 25 gói trái phiếu để bán cho người mua, huy động tiền và chiếm đoạt.
Trong nửa năm 2023, Quang Thuận báo lỗ kỷ lục 641 tỷ đồng trong khi năm 2022 báo lỗ 4,3 tỷ đồng; năm 2021 báo lãi 412 triệu đồng; năm 2020 báo lãi 1 tỷ đồng và năm 2019 báo lãi 5,4 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu giảm từ 3.022 tỷ đồng xuống còn 1.249 tỷ đồng. Nợ phải trả gấp gần 10 lần vốn chủ sở hữu tương đương nợ phải trả ở thời điểm hiện tại là 12.490 tỷ đồng; trong đó dư nợ trái phiếu 10.953 tỷ đồng.
CTCP Bông Sen
Một doanh nghiệp khác cũng được cơ quan điều tra xếp vào nhóm có hoạt động kinh doanh, tạo doanh thu cho Vạn Thịnh Phát là Công ty cổ phần Bông Sen.
Về tình hình kinh doanh, trong nửa đầu năm 2023, Bông Sen báo lỗ sau thuế 280 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu cuối quý II là 0,94 lần, cùng kỳ năm ngoái là 0,79 lần. Như vậy, nợ phải trả tại ngày 30/6/2023 tương ứng là khoảng 6.555 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm ngoái.
Trước đó, năm 2021, Bông Sen thua lỗ gần 186 tỷ đồng và năm 2022 nặng hơn khi lên tới gần 443 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, vốn chủ sở hữu của Bông Sen giảm 9,5% so cùng kỳ, về còn 6.973 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả gấp 0,94 lần vốn chủ sở hữu, tương ứng 6.555 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ so cùng kỳ.
Riêng dư nợ trái phiếu chiếm 4.811 tỷ đồng. Đây là hai lô trái phiếu Bông Sen phát hành năm 2021 với tổng giá trị 4.800 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng.
Đây đều là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền với lãi suất cố định ở mức 11%/năm và có bảo đảm bằng tài sản là cổ phần trong CTCP Daeha và trong chính Bông Sen. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo còn có quyền sử dụng đất/tài sản gắn liền trên đất của các lô đất nằm tại các quận trung tâm của TPHCM.