Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan khăng khăng chối tội

Chinh Hoàng - Gia Bình Thứ ba, ngày 12/03/2024 08:12 AM (GMT+7)
Trong phiên xét hỏi ngày hôm qua (11/3), Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan khăng khăng chối tội, bà Lan nói rằng “chỉ sở hữu 5% cổ phần SCB, xin HĐXX đừng dùng cụm từ thâu tóm SCB được không, nghe cụm từ này tim tôi...”.
Bình luận 0

Dân Việt xin được điểm lại những vấn đề chính, nổi bật trong phiên xét xử ngày hôm qua (11/3), có những điểm mâu thuẫn đáng nói như khi hầu hết các thuộc cấp, những người liên quan đến Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan đã thừa nhận tội như cáo trạng quy kết. Riêng Trương Mỹ Lan cho rằng cáo trạng không đúng, cho hay: "Tôi cả một đời bị vu oan" nên đặt tên tập đoàn mới chuyên làm từ thiện của mình là Quan Âm Thị Kính.

Trương Mỹ Lan phản bác cáo trạng, bật khóc… kêu oan

Đứng trước bục khai báo, HĐXX hỏi Trương Mỹ Lan hành vi của bị cáo có đúng như cáo trạng nêu, bị cáo Lan nói to, rõ: "Không đúng". Chủ tọa tiếp tục câu hỏi về việc Trương Mỹ Lan thâu tóm cổ phần SCB nhưng người phụ nữ này khóc, nói: "Hội đồng đừng dùng từ thâu tóm được không, nghe câu đó tim tôi…".

Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan khăng khăng chối tội- Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khăng khăng chối tội. Ảnh: Lê Giang

Theo cáo trạng, giai đoạn 2012 - 2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn, hơn 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, từ năm 2012 - 2017, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau. Đến nay còn dư nợ hơn 132.247 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan khăng khăng chối tội- Ảnh 2.

Các bị cáo trong vụ Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Lê Giang

Từ năm 2018 đến 2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.096 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 129.372 tỷ đồng. Bị cáo Lan bị cáo buộc để che giấu hành vi phạm tội, năm 2017 - 2018 đã 4 lần hối lộ tổng số 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn, khi đó là Cục trưởng của Ngân hàng Nhà nước.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan khăng khăng chối tội- Ảnh 3.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Lê Giang

Ngoài ra, bị cáo Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại 677.000 tỷ đồng, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát nói mình bị buộc tội không đúng, và cho hay "tôi cả một đời bị vu oan" nên đặt tên tập đoàn mới chuyên làm từ thiện của mình là Quan Âm Thị Kính. Hầu hết, bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bác bỏ lời khai của các bị cáo khác trong phần xét hỏi tuần trước (từ 5 – 8/3).

Trước đó, nhóm Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc SCB; Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch SCB; Nguyễn Phương Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Peninsula… cho rằng Trương Mỹ Lan là bà chủ của SCB, đã chỉ đạo rút tiền của nhà băng này. Đáp lại, bị cáo Lan khẳng định "không đúng", vì không có vai trò gì ở Ngân hàng SCB, suốt 11 năm chỉ có cho mượn tài sản. Ngoài ra, như bị cáo Văn nói, cả năm chỉ gặp bà Lan khoảng 2 – 3 lần.

Về hành vi bà Lan yêu cầu Văn hối lộ Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước 5,2 triệu USD, bà Lan cũng bác bỏ. Bị cáo Trương Mỹ Lan cho hay chính Văn còn nhờ bà gặp bị cáo Nhàn, "nói giúp" 2 nội dung, gồm đề nghị kết thúc thanh tra sớm để đối tác nước ngoài đầu tư vào SCB; tiếp tục hỗ trợ việc cho mượn tài sản.

Chủ tọa cho rằng bị cáo Nhàn khai được Văn nhờ gặp Lan, để nói giúp và "lời khai nào đúng, HĐXX sẽ đánh giá". Câu hỏi tiếp theo tòa hỏi: Bà Lan có phải là Chủ tịch Vạn Thịnh Phát và phần lớn công ty trong hệ thống?

Trương Mỹ Lan cho hay, Vạn Thịnh Phát có khoảng 5 – 6 công ty con và một tập đoàn đang xin giấy phép kinh doanh tên Quan Âm Thị Kính, chuyên về làm từ thiện, vì: "Tôi suốt cuộc đời bị vu oan". Bà nói, tay vung liên tục.

Chủ tọa cho hay: "Oan quá đặt tên tập đoàn như vậy phải không, oan hay không hội đồng sẽ xem xét". Chủ tọa cũng yêu cầu thêm rằng bị cáo Lan không được vung tay, và: "Chú ý ngôn ngữ tại tòa, không phải ra tòa công khai, thích nói gì thì nói".

Trước cáo buộc bản thân tuyển chọn nhân sự, bố trí người thân, sử dụng công ty ma vay vốn, hoặc cấu kết các đối tượng là chủ công ty để rút tiền SCB, bà Lan cũng cho rằng nội dung này "không đúng". Với nhóm các chủ doanh nghiệp như Phương Đông, Tường Việt, Trương Mỹ Lan cho hay họ giúp SCB cơ cấu ngân hàng với tài sản của Vạn Thịnh Phát cho mượn, không có quan hệ vay mượn.

Như với bị cáo Dương Tấn Trước, đang bị cáo buộc đồng phạm với bà Lan chiếm đoạt 4.752 tỷ đồng của SCB, bà Lan khai ông Trước không tham ô như vậy, và: "Cậu ấy giỏi, vay ai một nghìn cũng trả. Tôi không biết Trước bị bắt không, khi tôi nghe bị bắt, tôi không phải người phụ nữ nhiều nước mắt, nhưng…". Bà Lan bật khóc và được chủ tọa yêu cầu giữ bình tĩnh…

Nguyễn Cao Trí nêu lý do chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng vì nghĩ cho bà Trương Mỹ Lan

Trong vụ án, Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Công ty đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella, là người duy nhất bị cáo buộc "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Do vậy, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, hầu tòa với tư cách bị cáo trong các hành vi đưa hối lộ, tham ô tài sản, vi phạm cho vay, nhưng cũng với tư cách bị hại trong hành vi của Nguyễn Cao Trí.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan khăng khăng chối tội- Ảnh 5.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí. Ảnh: Lê Giang

Cáo trạng thể hiện, bị cáo Trí từng nhận 1.000 tỷ đồng của Trương Mỹ Lan để bán cho người này cổ phần tại Công ty Cao su Công nghiệp; chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty Sài Gòn Đại Ninh và đầu tư dự án tại huyện Hải Hà (Quảng Ninh).

Tháng 10/2022, thấy bà Trương Mỹ Lan bị bắt, Nguyễn Cao Trí lập các văn bản ghi lùi ngày lập, thể hiện đã thanh lý các hợp đồng mua bán, làm ăn. Qua đây, ông ta bỏ nghĩa vụ của mình, nhằm chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng.

Tại tòa, Nguyễn Cao Trí khai biết bà Lan từ năm 2017 và đã nhận 800 tỷ đồng để thực hiện các giao dịch trên. Tháng 1/2021, hai người gặp nhau, bà Lan cho rằng còn một số chi phí khác nên thống nhất làm tròn công nợ thành 1.000 tỷ đồng.

Bị cáo này cho hay, ngoài 3 hợp đồng nói trên, còn ký với Trương Mỹ Lan một hợp đồng khác nên khi bà này bị bắt đã: "Đứng trước hoàn cảnh bối rối… Có thể làm tăng gấp đôi số tiền bị cáo thực nhận của chị Lan".

Mặc khác, bị cáo Trí khi đó còn "đắn đo quyền lợi của Lan trong giao dịch" vì người phụ nữ để trung gian (Hồ Quốc Minh) đứng tên hợp đồng thay mình. "Bối cảnh đó, bị cáo cân nhắc nên công khai quan hệ trực tiếp với chị Lan hay chỉ công khai trên chứng từ để có lợi cho chị Lan, với tư cách doanh nhân, bị cáo nghĩ như vậy", Nguyễn Cao Trí phân trần.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan khăng khăng chối tội- Ảnh 7.

Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó tổng SCB nói: "Đã sai, khi tin tưởng Trương Mỹ Lan...". Ảnh: H.H

Nguyên nhân thứ 3 việc lập hồ sơ khống được bị cáo Trí nêu ra là cần "nỗ lực giải quyết khủng hoảng" bởi khi bà Lan bị bắt, có thông tin lan truyền thể hiện hệ thống doanh nghiệp của Trí quan hệ làm ăn với hệ thống của Trương Mỹ Lan. Thông tin này mang tính rủi do nên bị cáo Trí muốn có hồ sơ, thể hiện hai bên không liên quan.

Theo bị cáo Trí, vì muốn giải quyết khủng hoảng và "nghĩ cho chị Lan" nên ông ta lập hồ sơ thể hiện thanh lý hợp đồng với người phụ nữ nhưng không có ý muốn chiếm đoạt tiền.

Bị cáo Trí khai sau khi hủy hợp đồng lại nhận thấy với các chứng từ chuyển tiền, sẽ không thể chối bỏ việc đã nhận 1.000 tỷ đồng của Trương Mỹ Lan nên liên hệ cơ quan điều tra, xin trả lại nhưng không được.

Ông ta đã thành khẩn khai báo, đề nghị gia đình nộp hơn 700 tỷ đồng tiền mặt và cho tài sản vào kê biên. Vị này đề nghị cho gia đình mình được nộp tiền mặt số còn thiếu, thay vì để kê biên bất động sản và được tòa chấp thuận, hướng dẫn gặp luật sư để viết đơn.

Đáng chú ý, Nguyễn Cao Trí cho hay khi "đứng ở đây", có khoảng 400 người, tổ chức vẫn nợ ông ta hơn 1.500 tỷ đồng, đề nghị tòa án hỗ trợ. Chủ tọa cho hay, Nguyễn Cao Trí còn phải tham gia tố tụng trong vụ án khác nên có thể đề nghị cơ quan điều tra, viện kiểm sát tại giai đoạn đó giúp thu hồi.

Về những người liên quan hành vi chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng, Nguyễn Cao Trí cho hay nhóm Nguyễn Cao Đức (em trai Trí), Bùi Anh Tuấn (trợ lý của Trí)… không biết việc này, họ ký văn bản khi được yêu cầu.

Riêng Hồ Quốc Minh, bị cáo Trí khẳng định người này "chắc chắn là biết" vì bị cáo đã "trả tiền để anh ấy ký". Cuối cùng, Nguyễn Cao Trí xin tòa cho được áp dụng chính sách hình sự đặc biệt và nói: "Cảm ơn chị Lan có đề nghị xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, chúc chị nhiều sức khỏe, chị yên tâm là toàn bộ số tiền sẽ được khắc phục".

Trương Mỹ Lan được gọi lên bục khai báo của bị hại, chủ tọa hỏi: "Chị Lan có ý kiến gì về lời khai của Nguyễn Minh Trí?". Người phụ nữ cho hay, bị cáo Trí nói đúng và đánh giá người này "không muốn chiếm đoạt tiền", lại thêm đã khắc phục hậu quả nên xin tòa giảm nhẹ hình phạt.

Nữ Phó tổng SCB thất vọng khi đã tin lời bị cáo Trương Mỹ Lan

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Trần Thị Mỹ Dung bị xác định giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB, đã giúp Trương Mỹ Lan hợp thức 617 khoản vay, chiếm đoạt 200.690 tỷ đồng của nhà băng này trong giai đoạn 2017 - 2022.

Tổng cộng giai đoạn 2012 - 2022, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát rút hơn 1 triệu tỷ đồng ra khỏi SCB, gây thiệt hại hơn 677.000 tỷ đồng. Tại tòa, người phụ nữ cho rằng chính nhóm lãnh đạo SCB đã mượn tài sản của Vạn Thịnh Phát để thế chấp, rồi rút tiền của ngân hàng, không phải bà Lan làm việc này.

Viện kiểm sát yêu cầu Trần Thị Mỹ Dung đánh giá lời khai trên và bị cáo này bật khóc, phải dừng lại trước khi trả lời.

Bà Dung cho hay: "Sau khi vụ án xảy ra 17 tháng, bị cáo gặp lại anh em đồng nghiệp, người tóc đã bạc, người gầy, người đen, rất đau lòng. Sáng nay, nghe chị Lan khai báo…". Nói đến đây, bị cáo tiếp tục khóc. Bị cáo Dung cho rằng, ai nấy đều nhận tội, riêng bà Lan thì không…, cảm thấy đã tin tưởng sai người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem