Vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng, như Báo Dân Việt đã đưa, 11 năm trước, trong thẻ tín dụng ngân hàng Eximbank đứng tên ông P.H.A (trú tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh) phát sinh nợ hơn 8,5 triệu đồng nhưng đến nay người này bị ngân hàng đòi hơn 8,8 tỷ đồng cả lãi vay.
Theo Eximbank, về phương thức tính lãi, phí là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/3/2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng (quy định về phí, lãi được quy định rõ trong Biểu phí phát hành, sử dụng thẻ đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank).
Thông tin nợ 8,5 triệu tính lãnh thành 8,8 tỷ đồng sau 11 năm thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là những người đang sử dụng thẻ tín dụng. Vậy mức lãi suất mà Eximbank áp dụng với khách hàng P.H.A là bao nhiêu và công thức tính thế nào để ra con số hơn 8,8 tỷ đồng?
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, trên cơ sở quy định tại Điều 466, 468 BLDS 2015 và quy định tại Điều 91 Luật các TCTD 2010 và kế thừa quy định về lãi suất cho vay tại Thông tư 12/2010/TT-NHNN, Thông tư 08/2014/TT-NHNN, quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã quy định về lãi suất cho vay như sau:
Thứ nhất, tổ chức tín dụng (TCTD) và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp áp dụng mức lãi suất tối đa đối với cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với 05 lĩnh vực ưu tiên do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.
Thứ hai, Thông tư 39/2016/TT-NHNN bổ sung quy định về nghĩa vụ trả lãi cho tiền lãi chậm trả, cụ thể: Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do TCTD và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Thứ ba, Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng quy định trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên phần dư nợ gốc quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả; lãi suất áp dụng do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
Đối với thẻ tín dụng, đây là giải pháp tài chính được phía ngân hàng cung cấp cho khách hàng, chi tiêu trước, trả tiền sau. Số tiền chi tiêu tối đa nằm trong hạn mức thẻ tín dụng chủ thẻ được hưởng thời gian miễn lãi trung bình từ 45-55 ngày. Qua thời gian trên, khoản thanh toán của khách hàng khi phát sinh dư nợ quá hạn gồm: Dự nợ, tiền lãi và phí phạt trả chậm.
Thông thường lãi suất vay tiêu dùng dao động từ 20%- 45%/năm (tương ứng khoảng 1,67%/tháng – 3,75%/tháng). Phí phạt trả chậm hiện nhiều ngân hàng đang áp dụng ở mức 5%/năm.
Ngoài lãi suất, phí phạt trả chậm, còn có phí thường niên;…, thường vài trăm nghìn – vài triệu đồng/tháng, tùy loại thẻ.
Tìm hiểu qua công cụ hỗ trợ khách hàng của Eximbank, lãi suất tài chính của thẻ tín dụng của ngân hàng hiện là 33%/năm. Lãi quá hạn không được ngân hàng công bố. Ngoài ra, trường hợp khách thanh toán trễ hạn sẽ phát sinh thêm phí trễ hạn là: 5%/số tiền thanh toán tối thiểu (tối thiểu 100.000 VNĐ). Cộng thức tính dư nợ tối thiểu sẽ là 5% x tổng dư nợ của kỳ sao kê. Thẻ tín dụng sao kê hàng tháng, do đó nếu không trả nợ đúng hạn ngoài lãi suất thẻ tín dụng sẽ thêm các khoản phí, lãi phạt khác cộng dồn theo tháng, và dồn hàng năm sẽ lên con số rất lớn.
Chia sẻ với Dân Việt, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, cách tính lãi thẻ tín dụng Eximbank và các ngân hàng hiện nay không vi phạm quy định của pháp luật. Với công thức tính hiện tại, khách hàng sẽ được lợi nếu thực hiện thanh toán đúng hạn trong thời gian miễn lãi 45-55 ngày. Bởi khi đó, ngân hàng đang cho khách hàng vay với lãi suất 0%, trong khi đó nếu chúng ta để tiền nhàn rỗi trong tài khoản ngân hàng (không kỳ hạn) ngân hàng vẫn phải chi trả tiền lãi phát sinh, dù không nhiều.
Tuy nhiên, nếu để nợ quá hạn, dư nợ cộng dồn (dư nợ gốc, phí trả chậm, lãi phát sinh,…), sẽ dẫn tới việc lãi chồng lên lãi và cuối cùng khoản thanh toán của khách hàng sẽ đội lên rất lớn.
"Mặc dù chưa thể nói chắc chắn rằng dư nợ 8,5 triệu đồng, sau 11 năm khách hàng phải thanh toán đến 8,8 tỷ đồng như trường hợp khách hàng của Eximbank, con số này có chính xác không, nhưng theo ước tính của cá nhân con số tiền tỷ là chắc chắn", vị này nói.
Còn cách tính (chạy hàm lãi kép) từ khối chuyên gia ngân hàng, lãi suất bình quân (bao gồm cả lãi trả chậm, phí phạt và các loại chi phí khác bao gồm cả phí thường niên,...) trong vụ nợ 8,5 triệu tính lãnh thành 8,8 tỷ đồng vào khoảng 5,57% - 5,58%/tháng, tương ứng gần 67%/năm.
Liên quan đến vụ việc giữa Eximbank và khách hàng P.H.A, thông tin mới nhất từ khách hàng này khi trả lời Báo Dân Việt, ông P.H.A khẳng định bản thân không tiêu 8,5 triệu đồng trong thẻ tín dụng, và cũng không được ngân hàng gửi thông báo sớm khi bị nợ xấu. Thậm chí, ông cho biết chưa hề nhận được thẻ tín dụng này dù đã ký hồ sơ mở thẻ.
Phía Eximbank cho biết đang tiếp tục làm việc, phối hợp với khách hàng để có phương án hỗ trợ khách hàng xử lý nợ. Tính đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, người dùng thẻ tín dụng đọc kỹ lãi suất, cách tính lãi ghi trong hợp đồng phát hành thẻ trước khi ký hợp đồng. Eximbank không phải ngân hàng đầu tiên xảy ra sự việc như vậy.
Từ vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng, giới tài chính - ngân hàng khuyến nghị, để tránh phải trả tiền phạt phát sinh, người dân cần nhớ kỳ hạn trả để trả đầy đủ, bởi lãi suất thẻ tín dụng và phí trả châm rất cao do loại hình cho vay này rủi ro lớn đối với các tổ chức tín dụng. Thời gian qua cũng đã có không ít vụ vay thẻ tín dụng tiêu dùng và "quên trả", nhiều khách hàng tự dưng "ôm" một cục nợ lớn theo cấp số nhân.
Trong quá trình mở thẻ tín dụng, khách hàng cần đọc thật kỹ các điều khoản nhất là điều khoản về lãi suất, về mức phí phạt trả chậm, lãi suất quá hạn,... và chỉ ký khi đã nắm rõ các điều khoản để tránh rủi ro.
Liên quan đến vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng sau gần 11 năm ở Quảng Ninh, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Quảng Ninh vừa yêu cầu Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) chi nhánh Quảng Ninh có văn bản báo cáo.