Lò Thị Dung sinh ra ở xã Mường Kim, huyện Than Uyên (Lai Châu). Ở một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, cô may mắn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa khi được đi học và có bằng trung cấp nông nghiệp.
Lò Thị Dung, xã Mường Kim, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) - Giám đốc HTX Thanh niên Thẩm Phé. Ảnh: Bình Minh
Hơn 5 năm trước, Dung trở về quê và lập gia đình với một chàng trai cùng xã người dân tộc Khơ Mú. Cũng từ đây, cô quyết định lập nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương - nơi có Thủy điện Bản Chát với lòng hồ rộng lớn và đầy thơ mộng.
Nhìn thấy cơ hội "trời cho" từ mảnh đất quê nhà, Dung đã đứng ra huy động thanh niên trong bản góp vốn và vay thêm vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội và Trung ương Đoàn để bắt đầu hành trình bằng mô hình nuôi cá lồng của mình.
Với kiến thức được học trong trường, Dung không quá khó khăn trong việc áp dụng kỹ thuật nuôi cá lồng trên lòng hồ. Cô cho biết, sau một năm nuôi, lồng cá đầu tiên đã cho hiệu quả, vì thế việc vận động thanh niên mới dễ dàng hơn. Đến nay, Hợp tác xã đã huy động được hơn 20 thành viên tham gia, với 60 lồng nuôi tập trung.
"Tất cả các thành viên của HTX đều đồng lòng phát triển nuôi cá theo hướng an toàn, chất lượng, thân thiện với môi trường để khai thác lâu dài thế mạnh mặt nước hồ thủy điện. Mục tiêu đặt ra là thu nhập của các thành viên sẽ tăng theo cấp số cộng qua từng năm chứ không dừng lại ở mức hơn 3 triệu đồng/tháng như hiện tại”, Dung nói.
Cô cũng tâm sự: "Khi ngăn đập xây dựng Thủy điện Bản Chát, nước dâng lên cả trăm mét so với trước, những quả núi đứng trơ trọi được bao quanh bởi nước nhìn như một ốc đảo thu nhỏ. Nhiều người còn ví như Hạ Long trên cạn".
Chỉ tay về phía những chậu hoa đang bung nở trên bè cá của mình, Dung nói: "Em không chỉ đơn thuần là nuôi cá mà còn hướng đến làm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nữa".
Nắng chiều Tây Bắc rọi xuống hồ nước mênh mông lóng lánh như dát vàng, dưới nước những chú cá lăng chấm, cá chiên đen sì, đứng im như chiếc "tàu ngầm". Trên bè mùi rượu ngô say nồng như níu kéo những vị khách phương xa. Vừa tiễn một đoàn khách ra về, ông Hoàng Văn Tiến (bố chồng Dung) lại gần chúng tôi mời uống vài ly rượu, thưởng thức thịt trâu sấy của nhà tự làm.
Ông bảo, cả gia đình rất ủng hộ con dâu. Khi nào đông khách, ông lại ra phụ bếp, đưa khách đi thăm quan lòng hồ...
"Khách du lịch sau khi khám phá vẻ đẹp tự nhiên thường có nhu cầu nghỉ ngơi, thưởng thức những món ăn được chế biến từ cá bắt trực tiếp dưới lồng nuôi. Điều này cũng giúp HTX gia tăng nguồn thu từ các dịch vụ đi kèm như: cho thuê tàu du lịch, trải nghiệm câu cá, bán các loại đặc sản, sản phẩm độc đáo làm quà lưu niệm…", ông Tiến chia sẻ.
Dung cho biết, với kinh nghiệm nuôi cá lồng hiệu quả, năm 2022, HTX đã được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên lựa chọn là mô hình tham gia dự án "Xây dựng mô hình nuôi cá rô phi đảm bảo an toàn thực phẩm bằng lồng trên sông và hồ chứa" của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Lường Văn Chùm – Giám đốc hợp tác xã thanh niên Ta Gia, huyện Than Uyên đã thành công trong việc xây dựng dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện và đã trở thành tấm gương sáng của thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn.
Nhớ lại thời điểm cách đây gần chục năm, anh Chùm kể, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Phú Thọ năm 2013, anh bắt đầu tìm kiếm công việc, đi làm thuê ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa tìm được hướng đi bền vững cho tương lai.
Năm 2016, anh Chùm quyết định về quê bắt đầu con đường khởi nghiệp của mình. Tham gia buổi đối thoại thanh niên chưa có việc làm với Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, anh được gợi mở hướng phát triển kinh tế ngay tại quê hương.
Giám đốc Trung tâm KNQG Lê Quốc Thanh trò chuyện với các thành viên của HTX Thanh niên Thẩm Phé năm 2022. Ảnh: Bình Minh
Nhận thấy địa phương có lợi thế từ lòng hồ Thủy điện Huội Quảng, anh Chùm cùng một số thanh niên góp vốn, xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ với khởi điểm 10 lồng cá. Năm 2017, anh Lường Văn Chùm thành lập Hợp tác xã Thanh niên Ta Gia với 7 thành viên tham gia.
Anh Chùm chia sẻ, khi bắt tay vào thực hiện mô hình, số vốn tích góp có rất ít, được sự hỗ trợ của Huyện đoàn, anh đã vay được 220 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đầu tư. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, cá bị chết và phát triển kém, đầu ra cũng khó tìm.
Với quyết tâm của tuổi trẻ và sự nỗ lực chăm chỉ của mình, anh Chùm tìm tòi, tích cực nghiên cứu áp dụng khoa học - kỹ thuật, học tập từ các mô hình trong và ngoài tỉnh, trau dồi kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng bệnh cho đàn cá.
Ngay cả những loại thức ăn của cá như cỏ voi, cây chuối, lá sắn hay ngô, gạo, đậu tương… cũng được anh Chùm tìm và chế biến một cách tỷ mỷ. Nhờ cách nuôi cá theo phương pháp truyền thống, sạch, an toàn nên chất lượng thịt cá ngọt, săn chắc, được thị thường đón nhận.
Từ 10 lồng cá khởi nghiệp, đến nay, anh Chùm phát triển lên 20 lồng, cho thu nhập ổn định. Với giá bán từ 40.000 đồng/kg cá rô phi, 45.000 đồng/kg cá chép, 80.000 - 100.000 đồng/kg cá lăng, năm 2023, anh Chùm xuất bán gần 20 tấn cá, thu nhập hơn 1 tỷ đồng, lãi hơn 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Chùm còn tạo việc làm thời vụ cho 2 - 3 lao động địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng cho đoàn viên thanh niên và người dân trong bản, xã. Hiện, trên địa bàn xã Ta Gia có 2 mô hình khởi nghiệp thành công nhờ sự hướng dẫn của anh Chùm.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên cho biết, năm 2023, toàn huyện duy trì diện tích ao, hồ nuôi trồng thủy sản hơn 193ha. Số lồng nuôi cá trong lòng hồ thủy điện 977 lồng (số lồng làm mới là 155 lồng), chủ yếu nuôi các loại cá như trắm, chép, trôi, lăng, chiên, rô phi...
Tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt cả năm đạt 893 tấn (tăng 49 tấn so với cùng kỳ năm trước). Trên cơ sở đó, năm 2024, huyện tiếp tục duy trì diện tích nuôi ao, hồ hơn 193ha; số lượng lồng cá hơn 1.000 lồng; sản lượng đánh bắt và nuôi trồng ước đạt 915 tấn.