Theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện nay cả nước có tổng cộng 4,9 triệu hộ nuôi chó, mèo với tổng cộng 7,6 triệu con; trong đó nhiều nhất là Hà Nội (trên 425.000 con), Nghệ An (trên 355.000 con), Thanh Hóa (trên 322.000 con).
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương, tình trạng nuôi chó, mèo thả rông còn phổ biến, nhiều chủ hộ nuôi cũng không nắm rõ số lượng chó, dẫn đến việc thống kê ở nhiều nơi chỉ chính xác trung bình khoảng 80%. Số hộ nuôi và số chó, mèo thực tế cao hơn nhiều.
Trong khi đó, theo báo cáo của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE/WOAH), từ 01/01/2021 - 22/03/2024 thế giới ghi nhận 1.411 ổ dịch Dại động vật xảy ra ở 156 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Từ đầu năm 2023 đến 22/03/2024, WOAH đã ghi nhận khoảng 316 ổ dịch Dại động vật tại 116 quốc gia thuộc 05 châu lục Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Đại dương và Châu Âu.
Tại Việt Nam, năm 2023, cả nước xảy ra 347 ca bệnh Dại trên động vật (tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022) tại 202 xã thuộc 106 huyện của 31 tỉnh, thành phố (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Số ca bệnh Dại trên động vật được phát hiện nhiều nhất tại tỉnh Phú Thọ (54 ca), Quảng Ninh (38 ca) và Cà Mau (41 ca).
Từ ngày 01/01 - 25/3/2024, cả nước ghi nhận 56 ổ dịch tại 25 tỉnh, thành phố; số chó, mèo mắc bệnh 86 con; số chó, mèo chết và tiêu hủy 192 con.
Từ đầu năm 2024 đến ngày 24/03/2024, cả nước đã xảy ra 27 ca tử vong trên người do bệnh Dại ở 15 tỉnh, thành phố (tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2023), số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh Dại đã trên 100.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).
Năm 2023, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại trung bình trên cả nước là 58% tổng đàn chó, mèo; trong đó 22 tỉnh, thành phố (chiếm 34,92%) có tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn; 20 tỉnh, thành phố (chiếm 31,74%) có tỷ lệ tiêm phòng thấp hơn 70% và cao hơn 50% tổng đàn; 21 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm phòng dưới 50% tổng đàn; đáng chú ý có 7 tỉnh Bình Định, Cà Mau, Cao Bằng, Gia Lai, Hà Giang, Hậu Giang, Quảng Nam có tỷ lệ tiêm phòng dưới 20%.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, qua kiểm tra thực tế tại các địa phương cho thấy, nhiều địa phương chậm, chưa tổ chức triển khai đúng, đủ các quy định và các văn bản chỉ đạo.
Mặc dù ban hành rất nhiều văn bản, nhưng quan trọng nhất là cần phải tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt phải do UBND cấp xã, cấp thôn thực hiện; phải kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện; thậm chí phải xử lý trách nhiệm địa phương cấp xã không, chậm triển khai.
Nhiều địa phương chỉ bố trí kinh phí tiêm khoảng 50% tổng đàn chó, chưa đúng quy định, chưa đạt yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Nhiều huyện không có kế hoạch, các huyện ban hành ở các thời điểm khác nhau nên không thống nhất trong triển khai thực hiện trong phạm vi tỉnh.
Công tác thông tin, tuyên truyền chưa có, rất yếu và thiếu; chưa thường xuyên, liên tục, chưa sát thực tế, chưa hiệu quả; chưa dễ hiểu, phù hợp với người dân, nhất là dân tộc thiểu số. Nhiều địa phương không quản lý được đàn chó, thống kê không chính xác số lượng đàn chó. Nhiều nơi lấy mẫu cho kết quả dương tính tỷ lệ rất cao. Hệ thống thú y rất yếu hoặc không có thú y xã; không nắm rõ, thiếu trách nhiệm trong tham mưu chỉ đạo, đôn đốc, giám sát tổ chức thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Long cho rằng, trước mắt, để khống chế, khoanh vùng các ca bệnh dại trên động vật, hạn chế đến mức thấp nhất các ca tử vong vì bệnh dại, cần chỉ đạo cấp thôn, ấp họp với người dân; họp cấp huyện với toàn huyện; họp cấp tỉnh với tất cả các huyện để quán triệt, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định, chỉ đạo, khắc phục các điểm yếu về thông tin tuyên truyền; quản lý đàn chó và và tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024.
Cần phải kiểm tra, đôn đốc, thậm chí xử lý trách của người đứng đầu chính quyền xã, huyện và cả cấp tỉnh chủ quan, lơ là, thiếu quan tâm chỉ đạo, chậm hoặc thiếu bố trí kinh phí tiêm phòng vaccine; xử lý chủ nuôi chó nhưng không nhốt, không tiêm vắc xin cho đàn chó.
Các tỉnh cần tham mưu để Sở NNPTNT/Chi cục Thú y, chăn nuôi tổ chức mua, cấp vaccine dại và tổ chức tiêm vaccine dại cho đàn chó, bởi nếu chia nhỏ cho các huyện có thể không tiêm hoặc tiêm không đồng bộ.
Thực tế cho thấy, việc đứt gãy hệ thống thú y, nhất là ở cơ sở đã để lại nhiều hệ lụy trong phát hiện, giám sát, tổ chức phòng, chống dịch bệnh. Do vậy, các địa phương cần có kế hoạch nâng cao năng lực, củng cố lại hệ thống thú y cơ sở bởi chính họ là cánh tay nối dài trong việc phát hiện, giám sát dịch bệnh.