64 người tử vong do bệnh Dại, kiến nghị tăng xử phạt chủ nuôi để chó chạy rông cắn người

Minh Ngọc Thứ bảy, ngày 30/09/2023 06:01 AM (GMT+7)
9 tháng năm 2023, cả nước phát hiện hơn 270 con chó, mèo mắc bệnh dại, tăng gấp đôi so với năm 2022; 64 người chết do bệnh dại, tăng 18% so với năm 2022. Do đó, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Văn Long kiến nghị tăng xử phạt chủ nuôi để chó chạy rông cắn người.
Bình luận 0

Kiến nghị này được ông Long nêu tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngày 29/9. Theo ông Long, 9 tháng năm 2023, cả nước phát hiện hơn 270 con chó, mèo mắc bệnh Dại, tăng gấp đôi so với năm 2022; 64 người chết do bệnh Dại, tăng 18% so với năm 2022. Riêng tỉnh Gia Lai có 11 người chết do bệnh Dại, nhiều nhất cả nước.

Theo ông Long, tỷ lệ tiêm phòng dại của đàn chó trên cả nước chỉ đạt hơn 46%. Trong đó, Gia Lai là tỉnh có tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó thấp nhất cả nước.

Cả nước chỉ có 12 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo theo quy định. Ông Long cho hay, có nhiều nguyên nhân khiến việc tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo chưa đạt. Trong đó, nguyên nhân chính là do nhận thức của các cấp chính quyền trong việc phòng, chống bệnh Dại chưa được nâng cao dẫn đến việc không quản lý được đàn chó.

64 người tử vong do bệnh dại, kiến nghị tăng xử phạt chủ nuôi để chó chạy rông cắn người - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long kiến nghị tăng xử phạt chủ nuôi để chó chạy rông cắn người.

Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại với chủ đề "Tất cả vì Một, Một Sức khỏe cho tất cả" vừa được tổ chức ngày 28/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá Việt Nam mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong 10 năm qua, thế nhưng mỗi năm vẫn ghi nhận có từ 70 đến 100 trường hợp tử vong do bệnh Dại.

WTO cũng cho biết, số ca tử vong do bệnh Dại ở một số tỉnh đã giảm đáng kể, chỉ số này vẫn tăng ở 20 tỉnh trong giai đoạn 5 năm (2017-2021), so với giai đoạn 2011-2016.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, cần thiết có một cam kết mạnh mẽ và hướng mục tiêu vào các lĩnh vực ưu tiên nhằm loại bỏ tử vong do bệnh Dại vào năm 2030.

"Chúng ta phải đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng với các dịch vụ y tế quan trọng, bao gồm điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm bệnh Dại cho những cộng đồng chưa được cung cấp đầy đủ các dịch vụ này. Điều này sẽ giúp cứu sống các bệnh nhân", đại diện WHO nhấn mạnh.

Theo bà Angela Pratt, hiện đã có đủ các loại vắc xin, thuốc, công cụ và công nghệ để phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn của một trong những căn bệnh tồn tại lâu đời nhất.

64 người tử vong do bệnh dại, kiến nghị tăng xử phạt chủ nuôi để chó chạy rông cắn người - Ảnh 2.

9 tháng năm 2023 cả nước phát hiện hơn 270 con chó, mèo mắc bệnh Dại, tăng gấp đôi so với năm 2022; 64 người chết do bệnh Dại, tăng 18% so với năm 2022.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cũng cho biết, thực tế hiện nay lực lượng thú y rất mỏng nên việc tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo phải có sự vào cuộc của nhiều đơn vị. 

Để khắc phục dịch bệnh Dại thì việc quan trọng nhất là phải quản lý được đàn chó trên cả nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cần nghiên cứu vắc xin phòng bệnh Dại theo cách cho ăn sẽ thuận tiện hơn, thay vì phải tiêm phòng như hiện nay.

Ông Long cũng đưa ra kiến nghị cần sửa đổi nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi cũng như thú y.

Cụ thể, trường hợp nuôi chó thả rông để chó cắn người, cắn chết người phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Với quy định hiện nay, người nuôi để chó cắn người chỉ bị xử phạt hành chính từ 1 - 2 triệu đồng thì không đủ sức răn đe.

Bệnh Dại là bệnh gây ra bởi virus dại (Rabies virus). Đây là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương, lây truyền bởi chất tiết, thông thường do vết cắn, vết liếm của động vật mắc dại. Nước dãi của động vật bị dại cũng có thể truyền bệnh dại với người nếu tiếp xúc với mắt, miệng hoặc mũi. Chó là động vật bị dại phổ biến nhất. Hơn 99% các trường hợp mắc bệnh dại thường là do chó cắn.

Thời gian từ khi mắc bệnh và bắt đầu xuất hiện các triệu chứng thường là 10 ngày đến 3 tháng, hy hữu có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào khoảng cách virus từ vết cắn di chuyển dọc theo dây thần kinh ngoại biên để đến hệ thần kinh trung ương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem