43 người tử vong vì bệnh Dại, Cục Thú y xây dựng phần mềm quản lý thông tin đàn chó

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 03/10/2022 19:04 PM (GMT+7)
Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT) để quản lý chặt đàn chó, tiến tới mục tiêu không còn người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) sẽ xây dựng phần mềm để quản lý chặt chẽ đàn chó.
Bình luận 0

Bến Tre có tỷ lệ người tử vong bị bệnh Dại cao nhất

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), trong 9 tháng năm 2022, cả nước ghi nhận 43 người tử vong do bệnh Dại tại 17 tỉnh/thành phố, trong đó tỉnh Bến Tre có số ca tử vong do bệnh Dại cao nhất là 12 người. 

Theo ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh đã kêu gọi chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ phòng trào chung tay phòng, chống và loại trừ bệnh Dại, quyết liệt bằng các hành động thiết thực. 

"Tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2022, tỷ lệ tiêm vaccine trên đàn chó, mèo đạt từ 80% và duy trì bền vững. 100% số người bị chó mèo cắn đều được tiêm phòng đúng quy định, hướng tới mục tiêu không còn ca tử vong vì bệnh dại vào năm 2030" - ông Nguyễn Minh Cảnh cho biết.

Bệnh Dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. 

Trong giai đoạn 2015 - 2020, số ca tử vong trên người đã giảm đáng kể (năm 2020 giảm 581 ca, tương đương 47%, so với năm 2015). Trong đó, số ca tử vong ghi nhận nhiều nhất ở Trung Quốc (chiếm 69% tổng số ca tử vong trong khu vực), tiếp đến là Philippines (24%) và là Việt Nam (7%).

Xây dựng phần mềm quản lý đàn chó  - Ảnh 1.

Tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó ở huyện Vũ Thư, Thái Bình. Ảnh: T.L

Bệnh dại đã ghi nhận ở hơn 150 quốc gia, lãnh thổ và khu vực với 3,3 tỷ dân sống tại các vùng dịch lưu hành, chủ yếu thuộc khu vực các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh. Theo thống kê của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong vì bệnh Dại và 15 triệu người phơi nhiễm với bệnh Dại và phải đi điều trị dự phòng gây tổn thất kinh tế ước tính khoảng 8,6 tỷ USD/ năm.

Tại Việt Nam, theo số liệu của ngành y tế, từ năm 2010 đến tháng 9/2022, tổng cộng có 1.066 người (trung bình 82 người/năm) tử vong vì bệnh Dại và hơn 5,5 triệu lượt người buộc phải điều trị dự phòng sau phơi nhiễm; gây tổn thất khoảng trên 15.000 tỷ đồng.

Để thực hiện tốt, hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống bệnh Dại, hướng đến mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra là đến năm 2030 phấn đấu không còn người chết do bị chó dại cắn, Bộ NNPTNT cùng với Bộ Y tế cùng phối hợp để cải thiện công tác giám sát và báo cáo dịch bệnh, hợp tác có hiệu quả với bốn giải pháp chính để loại trừ bệnh Dại trên người. 

Tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hành vi phòng, chống bệnh Dại; quản lý chó nuôi và tiêm phòng vaccine Dại cho đàn chó, mèo; tăng cường năng lực và chủ động giám sát, phát hiện kịp thời và cảnh báo, xử lý các trường hợp chó mắc bệnh Dại, nghi mắc bệnh Dại.

Chủ động, tích cực và điều trị sớm cho các trường hợp người không may bị chó nghi Dại cắn để cùng chung tay đẩy lùi bệnh dại tiến tới mục tiêu không còn người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030.

Xây dựng phần mềm quản lý đàn chó

Trong 6 tháng đầu năm đầu năm 2022, công tác quản lý đàn chó được triển khai thực hiện tại 63/63 tỉnh, thành phố; có 53/63 (chiếm 84%) tỉnh, thành phố có báo cáo danh sách hộ nuôi chó; tổng đàn chó cả nước là trên gần 7 triệu con, được nuôi tại trên 3,2 triệu hộ gia đình. Tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm phòng vaccine Dại trên phạm vi cả nước đạt hơn 39% (cao hơn gần 2% so với trung bình của giai đoạn 2012 - 2016).

Theo ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y, Cục đã xây dựng được phần mềm quản lý thông tin về đàn chó và phòng chống bệnh Dại, đã được tích hợp vào Hệ thống báo cáo dịch bệnh trực tuyến (VAHIS: https://vahis.vn/home/login.aspx); đồng thời, xây dựng được bản đồ phân bố đàn chó trên phạm vi cả nước và bản đồ dịch tễ bệnh Dại; đưa vào sử dụng chính thức Hệ thống quản lý thông tin tình hình dịch bệnh động vật (VAHIS), trong đó, có hợp phần riêng biệt cho công tác quản lý bệnh Dại ở động vật. Tính đến nay, cả nước đã xây dựng được 17 vùng an toàn dịch bệnh Dại.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Bệnh Dại hoàn toàn có thể phòng bằng được bằng sự chung tay đồng lòng của cộng đồng, đặc biệt là chủ nuôi chó, mèo; bắt đầu bằng từ việc quản lý tốt đàn chó và nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dại đạt trên 80%. Bên cạnh đó, chủ động, tích cực điều trị sớm các trường hợp người không may bị chó nghi Dại cắn với phương châm: "Bệnh Dại: một sức khỏe, không người tử vong".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem