Mô hình nuôi lươn không bùn kết hợp trồng rau thủy canh thuộc dự án “Ứng dụng quy trình kỹ thuật công nghệ aquaponic trong nuôi lươn kết hợp với trồng rau thủy canh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”.
Mô hình do Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Long Hồ, Sở KH-CN tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ triển khai thực hiện từ tháng 9/2021-1/2024.
Dự án gồm 10 hộ và Công ty TNHH MTV Nông Trang Island tham gia dự án. Trong 10 mô hình trình diễn (2.500 con lươn kết hợp với 15m2 rau/mô hình), riêng quy mô của công ty tham gia với diện tích 12.500 con lươn và 100m2 rau.
Mục tiêu tổng thể của dự án sản xuất thử nghiệm nhằm nâng cao khả năng ứng dụng kỹ thuật công nghệ aquaponic trong nuôi lươn kết hợp với trồng rau thủy canh, đánh giá năng suất và hiệu quả kinh tế của từng mô hình, hoàn thiện quy trình kỹ thuật công nghệ aquaponic trong nuôi lươn kết hợp với trồng rau thủy canh có giá trị kinh tế.
Sau thời gian triển khai, mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực, thu nhập khá cho các hộ nuôi. Tham gia mô hình, anh Nguyễn Ngọc Tân (TT Long Hồ, huyện Long Hồ) cho biết: “Trước đây tôi nuôi lươn theo cách truyền thống, phải thay nước hàng ngày, vừa tốn công vừa tốn chi phí, lươn lại hao hụt nhiều. Sau khi áp dụng nuôi theo phương pháp kết hợp trồng rau thủy canh, đã ít tốn thời gian, tỷ lệ lươn sống cao, đạt khoảng 95%, chi phí tiêu thụ nước giảm 50%.
Ban đầu tôi nuôi 5.000 con lươn, sau 10-12 tháng nuôi thì xuất bán, trừ chi phí còn lợi nhuận khá, còn rau thủy canh chủ yếu phục vụ nhu cầu cho gia đình. Tôi cũng đang tiếp tục duy trì mô hình này và tăng số lượng lươn lên 5.500 con và hướng tới trồng rau thủy canh để bán ra thị trường”.
Mô hình nuôi lươn kết hợp trồng rau thủy canh đang thực hiện ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đem lại nhiều lợi ích, có thể sản xuất cùng lúc 2 sản phẩm nông nghiệp.
Theo anh Tân, mô hình này hoạt động theo nguyên tắc nước thải từ nuôi lươn sẽ được vi khuẩn chuyển hóa thành nitrate và đưa đến bể trồng rau. Lúc này, bể trồng rau sẽ hoạt động như một hệ thống lọc sinh học, rau sẽ hấp thu nitrate và giúp môi trường nước sạch trở lại để nuôi lươn.
Việc đảm bảo cân bằng giữa mật độ hay sinh khối thủy sản và rau màu là vấn đề rất quan trọng đối với mô hình aquaponic bởi vì từ sự cân bằng này sẽ đảm bảo đủ lượng dinh dưỡng cung cấp cho rau và sự cân bằng hệ vi sinh vật hữu ích cho mô hình.
Theo PGS.TS Hứa Thái Nhân (Trường Thủy sản- ĐH Cần Thơ), chủ nhiệm đề tài, mô hình nuôi lươn kết hợp thủy canh theo quy trình aquaponic thực hiện ở tỉnh Vĩnh Long đã mang lại nhiều kết quả tích cực về mặt bảo vệ môi trường, ít sử dụng công lao động để thay nước lươn hàng ngày.
Cụ thể, về năng suất của lươn, đạt yêu cầu như tỷ lệ sống của lươn trung bình đạt 84,3%, sản lượng đạt 1.060 kg/bể, năng suất đạt 84,8 kg/m3 và hệ số thức ăn trung bình 1.26. Bên cạnh đó, về tăng trưởng và sinh khối của rau như khối lượng đạt trung bình 2,4 g/cây, chiều dài trung bình 47 cm/cây, sản lượng đạt 405 kg/bể/4 vụ kết quả năng suất rau đạt yêu cầu.
Bên cạnh đó, dự án được đánh giá khá cao về hiệu quả mang lại đặc biệt về môi trường, tìm cách giảm chi phí đầu tư ban đầu, bổ sung vi sinh vào trực tiếp giá thể hay vào thức ăn giúp lươn và rau hấp thu hiệu quả hơn.
Qua thời gian thực hiện, đến nay mô hình đã hình thành tổ hợp tác nuôi lươn kết hợp trồng rau thủy canh tại ấp An Phú A (xã Long An, huyện Long Hồ) và được chứng nhận VietGAP với diện tích mặt nước nuôi là 228m2, tổng sản lượng dự kiến khoảng 12 tấn/năm.
Theo ông Nguyễn Hữu Dùng-Trưởng Phòng Nghiên cứu ứng dụng (Sở KH-CN) tỉnh, dự án là hướng đi tương lai cho ngành nuôi lươn, đặc biệt là mô hình nông nghiệp đô thị vì với Nghị quyết số 05/HĐND tỉnh ban hành quy định đến năm 2025, khu vực nội thành của thành phố, thị xã, khu dân cư không được phép chăn nuôi, thì dự án nuôi lươn kết hợp với trồng rau thủy canh sẽ đáp ứng các yêu cầu về mặt bảo vệ môi trường trong khu vực đô thị.
Theo PGS.TS Hứa Thái Nhân- Trường Thủy sản- ĐH Cần Thơ, aquaponic là hệ thống nuôi thủy sản kết hợp trồng rau thủy canh trong hệ thống tuần hoàn mà không cần đất, đây được xem là mô hình nuôi thủy sản thân thiện, bền vững đã và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới mang lại nhiều lợi ích về sự sử dụng nước hợp lý, hạn chế nước thải, có thể sản xuất cùng lúc 2 sản phẩm nông nghiệp.