Chưa đến đầu hè - cao điểm nắng nóng, nhiều thông tin và nỗi lo thiếu điện miền Bắc đã được đưa ra gây lo ngại cho dư luận. Mới nhất, ngày 26/3, tại cuộc họp của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) với Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), đơn vị này dự báo các tháng hè năm 2024, có tới 5/27 địa phương có mức tăng trưởng Pmax (phụ tải cực đại - sản lượng điện) từ 15% trở lên; 10 địa phương có mức tăng trưởng từ 10-15%; 12 địa phương có mức tăng trưởng dưới 10%.
Dự báo vào các tháng cao điểm hè năm 2024, Pmax của EVNNPC đạt 17.343 MW- 17.915 MW tương ứng kịch bản thấp – cao); tăng trưởng tương ứng 9,6% - 13.2% so với Pmax năm 2023 (15.819 MW).
So với nguồn khả dụng các tháng còn lại của năm 2024 theo công bố của Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), nguồn điện cho 3 tháng hè có thể gây ra nhiều thách thức trong việc cân bằng công suất tại một số giờ cao điểm trong kịch bản kiểm tra.
Nguy cơ thiếu điện hiện hữu, điều này cũng được cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ lo ngại mới đây. Cụ thể, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2024 (VBF 2024) diễn ra ngày 19/3 cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, Hàn Quốc và châu Âu tại Việt Nam bày tỏ lo lắng và việc ảnh hưởng của thiếu hụt điện cục bộ đến sản xuất, kinh doanh.
Đơn cử, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết trong thời gian từ tháng 6-7/2023, nhiều khu vực ở miền Bắc Việt Nam (Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc v.v…) xảy ra tình trạng bị cắt điện do thiếu điện và ở một số khu công nghiệp cũng đã tiến hành cắt điện có báo trước với tần suất khoảng 1-2 lần/tuần.
Đại diện KoCham cho rằng, các DN Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt các DN công nghệ cao như bán dẫn. Tuy nhiên, hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư. Lập trường của các doanh nghiệp toàn cầu khác trong lĩnh vực công nghiệp cao mà Chính phủ Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư cũng tương tự.
"Các công ty Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến các ngành sử dụng nhiều công nghệ, phù hợp với xu hướng thân thiện môi trường như điện mặt trời áp mái, tuy nhiên họ đang ngần ngại việc tiến đầu tư do việc cung cấp điện không ổn định và các quy định pháp luật liên quan chưa rõ ràng", Chủ tịch KoCham thông tin.
Thực tế, lo ngại của giới doanh nghiệp và chuyên gia về thiếu hụt điện hoàn toàn có cơ sở bởi kỳ vọng lớn nhất hiện để khắc phục tình trạng thiếu hụt điện là đường dây 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên phải hoàn thành trước mùa khô (tháng 6/2024) theo đúng chỉ đạo và hối thúc của Thủ tướng.
Tuy nhiên, tại hội nghị mới đây của Cục Điều tiết Điện lực với EVNNPC, những khó khăn đã phát sinh và ngành điện đang phải đề xuất với Bộ Công Thương, để đề xuất nhiều giải pháp. Cụ thể, theo ông Vũ Anh Phương - Phó Tổng giám đốc EVNNPC, hiện có một số khó khăn là đường dây 500kV mạch 3 đang thi công với 466 điểm giao cắt với lưới điện cao áp 110kV (50 điểm), 281 điểm lưới điện trung thế, và lưới điện 135 điểm. "Trường hợp nếu cắt điện để thi công sẽ ảnh hưởng tới việc cấp điện tại nhiều địa phương miền Bắc kể cả trong trường hợp không thiếu nguồn", ông Phương nói.
Để giải quyết những khó khăn trên, lãnh đạo EVNNPC cho biết đã thành lập Tiểu ban chỉ đạo phối hợp thực hiện dự án đường dây 500kV mạch 3. Lập phương án cấp điện trong thời gian thi công đường dây 500kV mạch 3 giao chéo với lưới điện 110kV với các giải pháp cụ thể.
Về giải pháp khác như nguồn điện tại chỗ, thực tế để vận hành điện ổn định, phải có nguồn điện nền (ngoài thủy điện), chúng ta chỉ có điện LNG và một số dự án nhỏ điện sinh khối. Tuy nhiên, để đầu tư, hoàn thành và nối lưới các dự án điện LNG hiện nay là rất thách thức bởi quá trình đàm phán giá ít nhất mất 2-3 năm, chưa nói thời gian đầu tư từ 7-10 năm/ dự án.
Trong khi đó, nguồn điện bổ sung mới cho miền Bắc trong vài năm tới là không có. Nhiều dự án nhiệt điện trong Quy hoạch điện VII, VII điều chỉnh và VIII vẫn đang lỡ hẹn so với quy hoạch, chậm tiến độ.
Phải kể đến các dự án chậm tiến độ như dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II 110MW ở Lạng Sơn của TKV được triển khai từ năm 2015 đến nay vẫn chậm tiến độ; dự án Nhiệt điện Công Thanh (1x600 MW) tại Thanh Hóa (dự kiến vận hành năm 2020 nhưng nay mới xong đền bù, giải phóng mặt bằng và triển khai thi công; dự án Thủy điện Hồi Xuân (102 MW), Thanh Hóa 13 năm triển khai nhưng vẫn chưa xong, ngoài ra một số dự án đang triển khai nhưng tín hiệu không mấy tích cực như dự án khác như Dự án BOT Nam Định 1, Nhiệt điện An Khánh, Bắc Giang…
Theo giới chuyên gia, tình trạng thiếu điện miền Bắc năm 2023 cần chính sách và tầm nhìn lớn, dài hạn bởi đây là thực trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh.
Theo đó, ngoài việc kêu gọi người dân tiết kiệm điện chưa thực sự hiệu quả, ngành điện cần có cơ chế để bắt buộc hộ dùng điện càng nhiều phải trả thêm nhiều tiền điện. Đặc biệt, cần xóa bỏ cơ chế bù chéo giá điện tiêu dùng cho điện sản xuất vốn tồn tại lâu năm, hệ lụy là khiến nền sản xuất Việt Nam thâm dụng điện nặng nề.
Bên cạnh đó đòi hỏi cấp bách của ngành điện hiện nay cần có đột phá về chính sách phát triển nguồn điện, cởi bỏ các nút thắt liên quan đến điện tái tạo hiện nay; có chiến lược dài hạn phát triển điện LNG và cân nhắc khả năng phát triển điện hạt nhân nhằm bổ sung thiếu hụt năng lượng. Ngoài ra, việc tư nhân hóa truyền tải điện, đưa ngành điện sang trạng thái thị trường cạnh tranh hoàn toàn thông qua việc thị trường hóa thị trường bán lẻ điện cần được thực hiện sớm.
Thực tế, thời điểm miền Bắc Việt Nam cách đây 7-10 năm, các địa phương có khu công nghiệp, nhà máy lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương… Tuy nhiên, hiện nay miền Bắc đang bước vào giai đoạn thay đổi có tính chất bước ngoặt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa nhanh chóng, nhiều tỉnh công nghiệp, nhiều khu đô thị - đại đô thị mới xuất hiện, nhu cầu điện sản xuất, tiêu dùng tăng hai con số, trong khi nguồn điện phát triển chậm, thiếu điện trong thời điểm nào đó là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, dù được cảnh báo song tình trạng thâm dụng điện năng trong sản xuất, tiêu dùng ngày càng lớn. Chính sách bù chéo giá cho điện sản xuất vô tình tạo cơ hôi cho doanh nghiệp dùng công nghệ cũ, tiêu hao điện năng, chậm chuyển đổi, gây tiêu hao năng lượng lớn cho phát triển.
Dẫn một nghiên cứu, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, từ năm 2017 đến 2019, tỷ lệ tăng trưởng sản lượng điện trên tăng trưởng GDP của Việt Nam là 1,25-1,3%. Tỷ lệ này đã giảm xuống gần 1,1% vào năm 2020 và bình quân là 1,15% vào năm hai năm Covid 2021-2022.
Trong nửa đầu năm 2023, tỷ lệ này giảm xuống dưới 0,5%, hiện tại, mức tiêu thụ điện bình quân đầu người của Việt Nam là 2.800 kWh. Nền kinh tế Việt Nam có cường độ sử dụng điện cao hơn cả Trung Quốc và cao gấp đôi Thái Lan.
"Nếu không giảm được cường độ sử dụng điện hay chỉ giảm ít thì nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ tăng 7%/năm từ 2024 đến 2030. Theo kịch bản này, tiêu thụ điện bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 4.500 kWh, bằng với mức tiêu thụ hiện nay ở Anh hiện nay", ông Thành nêu.
Ông Thành cho biết, Trung Quốc hiện tiêu thụ gần 6.000 kWh/người, nhưng có GDP bình quân đầu người gấp ba lần mức hiện tại của Việt Nam, Vương quốc Anh là hơn 10 lần. Tuy nhiên, ở kịch bản tăng trưởng lạc quan, GDP/người của Việt Nam đạt 7.000 USD năm 2030, xấp xỉ một nửa mức GDP bình quân đầu người hiện tại của Trung Quốc, mức tiêu thụ điện tương ứng 4.500 kWh/người là quá lớn.
Trao đổi với Dân Việt, GS, TS Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, chủ trương đầu tư đường dây 500kV kéo điện từ Quảng Bình - Hưng Yên rất đúng của Chính phủ để khắc phục tình trạng thiếu điện. Đây là vấn đề cấp bách, chiến lược cho nền kinh tế.
"Chính phủ đã thúc mạnh các cơ quan chủ trì đầu tư xây dựng tuyến đường dây này, kỳ vọng sẽ về đích đúng hạn", ông Long nói.
Theo GS Long: Đường dây 500kV mạch 3 giúp tải điện từ miền Trung ra miền Bắc. Điều này hợp lý thôi bởi điện tái tạo từ miền Trung, phía Nam có điều kiện và lý tưởng hơn, cần đường truyền tải để bổ sung kịp thời khi thiếu điện. Đồng thời, đường truyền tải này cũng phục vụ quy hoạch phát triển mạng lưới điện mặt trời, điện gió thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Long cho rằng thiếu điện miền Bắc là bức tranh chỉ ra cho chúng ta hai lựa chọn. Một là ứng phó tức thì và hai là suy nghĩ lớn, làm chiến lược. Vấn đề tức thì là chúng ta kêu gọi dân tiết kiệm, doanh nghiệp tiết kiệm, chuyển đổi công nghệ, hạn chế thâm dụng… "Cơ chế bù chéo giá điện sinh hoạt cho giá điện sản xuất đang khiến doanh nghiệp thiếu động lực đổi mới để hiệu quả. Duy trì chính sách này lâu, sẽ bất lợi cho nền kinh tế", GS Long nói.
GS Long nhấn mạnh: "Vấn đề lớn, chiến lược là phải thay đổi chính sách, làm sao càng dùng nhiều điện, càng bị đánh giá cao, phải thải loại. Sau cùng là chiến lược nguồn điện cần như nào để vừa cung ứng điện trước mắt vừa phải mục tiêu "net zero" vào năm 2050. Nếu không có chiến lược, thiếu điện của thủy điện phải chạy hết tốc lực điện than, thì bao giờ mới thực hiện được mục tiêu chiến lược, cam kết dài hạn".