Sát thời điểm tăng giá điện: Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực lên tiếng về việc tăng giá điện 3 tháng/lần

An Linh Thứ sáu, ngày 22/03/2024 13:15 PM (GMT+7)
Đại diện Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương đã lên tiếng về đề xuất điều chỉnh giá điện tăng 3 tháng/lần trước thời điểm được dự đoán giá điện bán lẻ sẽ được điều chỉnh tại thời điểm cuối quý I, đầu quý II/2024.
Bình luận 0

Ngay sau khi Dự thảo Quyết định về cơ chế biểu giá bán lẻ điện được đưa ra, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương đã thông tin về việc Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế để rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện 2 lần/năm lên 4 lần/năm, tương đương từ 6 tháng/lần xuống còn 3 tháng/lần.

Tăng giá điện 3 tháng/lần khi nào?

Liên quan đến việc đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện bán lẻ tối thiểu từ 6 tháng xuống 3 tháng, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa cho hay, Quyết định 24 quy định giá điện được xem xét điều chỉnh theo biến động thông số đầu vào ở thời điểm tính toán so với thông số sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Sát thời điểm tăng giá điện: Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực lên tiếng về việc tăng giá điện 3 tháng/lần- Ảnh 1.

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương (Ảnh: Bộ Công Thương).

Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua cho thấy, để giảm thiểu ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và sản xuất của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân, mức điều chỉnh thực tế có thể thấp hơn so với phương án đề xuất của EVN. Kết hợp với đó là, phải so với kết quả rà soát, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hiện, chu kỳ điều chỉnh giá điện quy định tại Quyết định 24 là tối thiểu 06 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất. Trong quá trình xem xét đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN năm 2022 và 2023, Thường trực Chính phủ có ý kiến về việc nghiên cứu điều chỉnh giá điện theo lộ trình, có thể điều chỉnh giá điện nhiều lần trong năm để tránh gây tác động lớn đến kinh tế vĩ mô, đồng thời đảm bảo phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tới giá điện.

"Giá điện cần điều chỉnh theo lộ trình để giảm thiểu tác động, cần xem xét tới việc rút ngắn chu kỳ tối thiểu điều chỉnh giá điện để vừa đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều. Việc dồn tích này có thể gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN. Bên cạnh đó cũng dần đưa giá điện thích ứng với sự biến động của các thông số đầu vào theo thị trường", ông Hòa đánh giá.

Ông Hòa cho rằng, Dự thảo Quyết định đề xuất rút ngắn thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng không có nghĩa là cứ 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần.

"Còn tùy thuộc vào đánh giá tác động tới kinh tế vĩ mô, cũng như tùy thuộc vào kết quả tính toán cập nhật giá điện đã đủ mức để được xem xét điều chỉnh theo quy định hay chưa", đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Theo ông Hòa, Bộ Công Thương vẫn giữ vai trò chính trong điều hành giá điện.Tuy nhiên, vừa qua nhiều ý kiến cho rằng việc đề cập đến trách nhiệm của Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê,… là chưa hợp lý vì quy định đã có.

Sát thời điểm tăng giá điện: Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực lên tiếng về việc tăng giá điện 3 tháng/lần- Ảnh 2.

Đại điện Bộ Công Thương nói gì về việc tăng giá điện 3 tháng/lần (Ảnh: EVN).

Ông Hòa cho rằng, với vai trò là Bộ quản lý ngành, Bộ Công Thương vẫn giữ vai trò, trách nhiệm chính trong quá trình kiểm tra, rà soát phương án giá điện do EVN xây dựng và trong quá trình kiểm tra, điều chỉnh giá điện, cũng như là tham mưu Thủ tướng Chính phủ trong điều hành giá điện.

"Ở Dự thảo mới, chúng tôi chỉ làm rõ hơn (chứ không phải bổ sung) vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính có ý kiến tham gia với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giá; Tổng cục Thống kê sẽ có trách nhiệm đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến kinh tế vĩ mô; các Bộ, cơ quan liên quan (trong đó có Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) có ý kiến tham gia đối với các nội dung liên quan trong phạm vi được phân công quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật", Cục trưởng Hòa nói.

Tại Dự thảo Quyết định, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất giữ nguyên thẩm quyền quyết định điều chỉnh giá điện như tại Quyết định 24, theo đó nếu giá điện cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh, từ 5% đến dưới 10% thì EVN báo cáo Bộ Công Thương chấp thuận trước khi thực hiện, từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô thì Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Công thức tính toán giá bán điện bình quân tiếp tục được áp dụng tương tự Quyết định 24, trong đó ngoài chi phí sản xuất kinh doanh điện dự kiến phát sinh trong năm của các khâu trong chuỗi sản xuất - cung ứng điện giá bán điện bình quân có tính đến các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện, đây là các khoản chi phí được phép tính nhưng chưa được tính vào giá điện ở những lần điều chỉnh trước.

Trong năm 2023, giá điện bán lẻ tăng 2 lần 3% vào tháng 5/2023 và mức 4,5% vào tháng 11/2023. Tổng hai lần tăng giá trong năm 2023, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh và giá điện bình quân tăng từ mức 1.920,3 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Dự kiến, giá điện bán lẻ có thể sẽ được điều chỉnh trong thời điểm tháng 3 hoặc đầu quý II/2024, một số nguồn tin cho biết EVN đang đề xuất Bộ Công Thương mức tăng giá trong khung giá từ 3%-5%, điều này giúp EVN chủ động trong việc tăng giá điện bán lẻ thay vì mức tăng cao hơn sẽ phải xin ý kiến của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem