Theo Politico, lời khuyên được đưa ra khi giao tranh ngày càng gia tăng trong bối cảnh Nga gần đây liên tục giành được lợi ích trên các chiến trường quan trọng và sự chú ý của quốc tế vào cuộc xung đột ở Ukraine đang giảm dần.
Cụ thể, James Rubin, lãnh đạo Trung tâm Tương tác Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ - cơ quan chịu trách nhiệm chống lại thông tin sai lệch và tuyên truyền của các quốc gia thù địch cũng như các tác nhân khác nhắm vào Mỹ cùng đồng minh của nước này trên khắp thế giới - tuyên bố rằng, Ukraine cần công khai những sự thật phũ phàng trên chiến trường.
Trao đổi với Politico, nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ cho rằng: “Đôi khi chính phủ Ukraine có thể chống lại loại quyền tự do thông tin vốn là điều bình thường đối với chúng tôi. Có những ngày, các phóng viên chiến trường có thể đưa tin về những điều không có lợi cho Ukraine và Tổng thống Volodymyr Zelensky. Nhưng trong một nền dân chủ mà chúng tôi hy vọng và ngày càng thấy Ukraine xây dựng được… họ nên hiểu rằng việc các phóng viên chiến trường đưa tin về chiến tranh, ngay cả khi thỉnh thoảng có tin xấu, tốt hơn nhiều so với môi trường bị kiểm soát giống như Nga".
Các nhà báo Ukraine và phương Tây đã liên tục gây áp lực với Kiev để được tiếp cận tiền tuyến Ukraine nhiều hơn nhưng chính quyền ở Kiev vẫn hạn chế đưa tin từ các khu vực nhạy cảm trong cuộc xung đột với lý do các hạn chế này nhằm mục đích ngăn chặn các chiến dịch thông tin sai lệch của Nga.
Tuy nhiên, ông Rubin cho rằng khả năng tiếp cận thông tin tốt và chân thực hơn của các nhà báo sẽ giúp củng cố yêu cầu khẩn cấp của Ukraine để được các đồng minh giúp đỡ nhiều hơn.
Ông nói thêm rằng mặc dù đất nước đang “đi đúng hướng” trong tiến trình dân chủ nhưng Ukraine vẫn chưa phải là “một nền dân chủ hoàn chỉnh” - khi kiểm soát những luồng thông tin có khả năng gây ra hậu quả bất lợi.