Kiev từ lâu đã kêu gọi Berlin cung cấp tên lửa Taurus KEPD-350 - một trong những hệ thống vũ khí hiện đại nhất của quân đội Đức - để sử dụng trong cuộc chiến chống lại Nga.
Nặng 1,4 tấn, Taurus được máy bay chiến đấu bắn từ trên không. Nó có thể di chuyển với tốc độ hơn 1.126km/h và bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách hơn 500km.
Các quan chức Ukraine muốn tên lửa Taurus để có thể tấn công các kho đạn của Nga phía sau chiến tuyến và tấn công các tuyến đường tiếp tế, như cầu Kerch nối giữa Crimea và đất liền Nga.
Nhưng Thủ tướng Đức Scholz đã nhiều lần bày tỏ sự phản đối việc cung cấp vũ khí cho Kiev, đưa ra nhiều lý do khác nhau, từ lo ngại việc này sẽ lôi kéo Đức vào cuộc xung đột cho đến việc nó đi ngược lại nỗ lực của các thành viên NATO nhằm ngăn chặn cuộc chiến ở Ukraine. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba mới đây cho biết trong tuần này rằng ông đã nhận được "phản hồi khó chịu" từ Berlin khi Kiev yêu cầu nước này cung cấp tên lửa Taurus.
Ông Scholz đã nhắc lại sự phản đối của mình đối với động thái này trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Đức Märkische Allgemeine, trong đó ông thừa nhận đã không nói chuyện với Tổng thống Putin kể từ tháng 12 năm 2022.
“Là người đứng đầu chính phủ, tôi phải đảm nhận trách nhiệm của mình trong các vấn đề chiến tranh và hòa bình cũng như an ninh ở châu Âu - và điều đó cũng áp dụng cho vấn đề cung cấp tên lửa Taurus. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn sự leo thang của chiến tranh, tức là một cuộc chiến giữa Nga và NATO. Với mỗi lần cung cấp vũ khí, chúng tôi sẽ xem xét cẩn thận ý nghĩa của nó trong bối cảnh này. Đó là lý do tại sao tôi quyết định theo cách tôi đã chọn", ông Scholz nhấn mạnh.
Gustav Gressel, thành viên chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) chỉ trích quyết định của Scholz về việc từ chối yêu cầu của Ukraine là "nực cười" và lập trường của ông là "nuôi dưỡng nỗi sợ hãi".
Theo ông Gressel, Anh và Pháp đã chuyển giao những loại vũ khí rất giống Taurus cho Ukraine nhưng không xảy ra Thế chiến thứ 3. Ông Gressel nhận định, Nga không thể chấp nhận một cuộc chiến với NATO vào giai đoạn này, vì quân đội của họ đang sa lầy ở Ukraine và họ đã bắn hầu hết số đạn dược mà họ sẽ cần phải chiến đấu với NATO.
Theo ông Gressel, lý do thực sự dẫn đến quyết định của Thủ tướng Scholz là, người Đức lo ngại rằng kho dự trữ của Đức sẽ cạn kiệt và nếu người Nga bắt được tên lửa Taurus hoạt động ở Ukraine, họ sẽ hiểu rõ hơn về các biện pháp đối phó cũng như đặc điểm tàng hình của loại tên lửa này.