Trong các chuyến công tác nước ngoài, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông Dân Việt Nam, thường xuyên mang theo những "hạt vàng" của Việt Nam như điều, tiêu, cà phê đi giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Nhưng khi thưởng thức xong, nhiều bạn bè thường bảo gu cà phê Việt đậm quá, hoặc trà Việt uống xong dễ mất ngủ. Trong khi, gu của khách hàng thế giới khác trong nước. Họ có thể uống trà, cà phê cả ngày mà không mất ngủ, hoặc không quá. Đó là vấn đề thị hiếu mà ngành cà phê cần nghiên cứu để mở rộng thị trường.
Để nâng cao chất ượng cà phê, tại hội thảo Giải pháp để xuất khẩu cà phê đạt 5 tỷ USD do báo Người Lao Động tổ chức tại TP.HCM, ngày 30/3, ông Nguyễn Xuân Định nhấn mạnh đến việc nâng cao trình độ canh tác của nông dân. Nhưng hỗ trợ như thế nào cho thiết thực vì nông dân cần rất nhiều thứ.
Ông Định cho biết đã có các chương trình đào tạo, tập huấn sản xuất tốt của các doanh nghiệp, của các nhà khoa học. Nhưng các chương trình này chưa nhiều, tập huấn xong thì về, nông dân phải tự học thêm.
Ông đề nghị cần tăng cường các nội dung đào tạo này, từ nhà khoa học, doanh nghiệp cho đến các nông dân giỏi. Việc đào tạo, tập huấn cũng nên triển khai ngay trên vườn ruộng của nông dân thay vì trong hội trường, trong phòng nghiên cứu. Khi đó, nông dân dễ tiếp cận và tính lan tỏa sẽ cao hơn.
Một vấn đề quan trọng nữa là khâu liên kết sản xuất phải đảm bảo bền vững. Trong nước đã có một số mô hình xong chưa nhiều. Ở nhiều nước; doanh nghiệp, tập đoàn hoạt động ngay trong tổ chức của HTX, hoặc của Hội Nông dân. Nghĩa là các khâu gắn kết trong cùng 1 hệ thống.
Trong nước, nhiều chuỗi liên kết vẫn đang tìm hướng: Doanh nghiệp ký kết với HTX, rồi HTX liên kết nông dân. "Từng khâu vẫn còn rời rạc chứ chưa thành 1 khối", ông Định chia sẻ.
Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cho biết cả nước có chưa tới 1.000 HTX cà phê trong số hơn 900.000 HTX. Tuy nhiên, nhiều HTX cà phê đang loay hoay trong khâu tiêu thụ. Vì HTX phải đảm đương quá nhiều phần việc khác nhau, và không biết đi cùng ai.
Bà Vân mong muốn có nhiều hội thảo, diễn đàn hơn nữa cho HTX, nông dân trồng cà phê. Các doanh nghiệp cần trực tiếp nghe HTX và những người trực tiếp sản xuất nói. Các bộ ngành cũng cần nghe nông dân, HTX nói để ban hành chính sách phù hợp.
Giá 1 kg cà phê hiện nay cao gấp 2-3 lần 1 kg gạo. Bà Vân cũng đề nghị các tỉnh có diện tích cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ cần xây dựng HTX để xây dựng thương hiệu quốc gia.
Các chuyên gia trong ngành cà phê cũng cho rằng, cần thúc đẩy các khâu từ sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu đến phát triển thị trường mới tăng được giá trị, bảo đảm phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam.
Ông Gruber Alexander Lukas, đại diện thương hiệu Alambe' Finest Vietnamese Coffee, cho rằng Việt Nam nên "cá nhân hóa" nó mặt hàng cà phê. Cà phê Việt Nam nổi tiếng với số lượng lớn, giá thấp. Hương vị cà phê Việt đang được thế giới ưa chuộng.
Do đó, Việt Nam cần đầu tư xây dựng thương hiệu, tạo nên chất lượng độc đáo, phân loại cà phê thành các phân khúc khác nhau để xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk, thì cho rằng, chất lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới, vì nhiều nguyên nhân.
Việt Nam cần thúc đẩy các khâu từ sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường mới có thể cải thiện được giá trị cũng như bảo đảm phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam, ông Dương nói.
Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cần chiến lược bài bản về phát triển cà phê chất lượng cao.
Việt Nam là có đến 1 triệu hộ tham gia sản xuất trên 660.000ha cà phê, nhưng sự kết nối giữa các chủ thể trồng cà phê còn rời rạc.
Nhiều năm qua, Việt Nam đã thay đổi công tác giống, sản xuất, giữ được chất lượng cà phê. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Cà phê Việt phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, trồng trên đất không phá rừng… theo yêu cầu trong nước và thế giới.
Theo ông Tùng, giải pháp sắp tới không chỉ là vấn đề kỹ thuật, tìm kiếm thị trường, hay tăng cường chế biến.
"Giải pháp phải giúp người sản xuất và xuất khẩu đạt được sự hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia; thúc đẩy chuỗi giá trị cho hạt cà phê. Và, bài học của cà phê không chỉ cho cây cà phê mà cho nhiều cây trồng khác", ông Tùng chia sẻ.