Hai năm sau lần gặp trước, tôi trở lại thăm ông Ba Sang. Lần này thấy ông ít hứng khởi hơn với nghề nuôi cá kiểng sinh sản. Thậm chí, ông còn định giải nghệ cái nghề từng giúp ông đổi đời.
Hốp vội ngụm trà, ông Ba Sang mơ màng nhớ lại cái thời nghèo khổ rồi "lên hương" với cái nghề nuôi cá kiểng sinh sản học lỏm kỹ thuậ từ những trại cá kiểng ở Q.8 (TP HCM).
Theo ông Ba Sang, khoảng 40 năm trước, nhờ nghề làm thợ hồ, ông đi xây hồ nuôi cá cho những chủ trại cá kiểng mà ông Ba Sang học lỏm được kỹ thuật nuôi cá kiểng sinh sản.
"Lúc bấy giờ, kỹ thuật nuôi cá kiểng sinh sản là sống còn của trại cá, nên các chủ trại nuôi cá kiểng không bao giờ tiết lộ cho người ngoài", ông Ba Sang thổ lộ.
Có được chút kiến thức nuôi cá kiểng sinh sản, về nhà ông Ba Sang lấy lu làm hồ, rồi mua cá kiểng giống về cho sinh sản thử.
Đầu tiên, ông cho cá xiêm (xiêm đá, đuôi cụt) và cá ba đuôi sinh sản. Thấy người ta bỏ lục bình vào hồ cho cá sinh sản ông Ba Sang bắt chước làm theo. Thả cặp cá kiểng bố mẹ vào cho sinh sản thấy chưa chắc ăn, ông Ba Sang thả thêm 1 con cá trống tơ nữa để "dí mái cho chắc".
Quyết tâm học nghề, ông Ba Sang cũng dần hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật nuôi cá kiểng sinh sản, mặc dù cũng nếm trải nhiều lần thương đau.
Cá kiểng ông Ba Sang làm ra được bà xã đưa đi bán cho học sinh tại các trường học trong thành phố.
"Mỗi sáng, bà xã tôi xách cái kệ và thau cá ba đuôi, cá xiêm ngồi cạnh trường bán cho học sinh tiểu học để chơi trò đá cá.
Thời điểm đó số lượng cá kiểng bán ra khá ít, nhưng giá cá kiểng rất cao, sống được lắm", ông Ba Sang bộc bạch.
Ông Ba Sang cho biết thêm, những năm 90, giá một con cá xiêm từ 300 đồng tăng dần lên 1.200 đồng. Một cặp cá 3 đuôi to cỡ cái trứng gà giá bằng nửa chỉ vàng. Chỉ cần bán một đợt cá xiêm 10.000 con, kinh tế gia đình ông Ba Sang vươn lên khác hẳn. Vậy mà, mỗi năm ông Ba Sang bán 4 đợt cá xiêm.
"Nhờ nuôi cá kiểng sinh sản mà tôi đổi đời, gia đình khá giả", ông Ba Sang chia sẻ.
Từ những đồng lời bán cá kiểng, vợ chồng ông Ba Sang cho con ăn học thành tài, mua đất mở rộng quy mô nuôi cá kiểng sinh sản cho đến hôm nay.
Trong làng nuôi cá kiểng ở TP.HCM, những nông dân nuôi cá kiểng gạo cội, thành danh giờ người đã mất như ông Tống Châu, giải nghệ như ông Sáu Trang và sắp bỏ nghề như ông Ba Sang.
Ông Ba Sang (Nguyễn Văn Minh, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM) trầm tư bên hồ nuôi cá kiểng sinh sản. Ảnh: T.Đ
Từ chỗ nuôi cá xiêm với chục ngàn hũ, giờ ông Ba Sang đang thu hẹp dần số lượng cá nuôi chỉ còn bằng một nửa trước đây. Số lượng cá ba đuôi hiện nay cũng không còn nhiều mà ông Ba Sang tập trung nuôi cá bảy màu.
Theo ông Ba Sang, trước đây cá xiêm chỉ nuôi 3 tuần là bán, giờ phải nuôi 4 – 5 tuần cho cá lớn hơn thương lái mới chịu thu mua. Hiện, tại trại cá của ông Ba Sang, giá cá xiêm (đuôi dài) bán ra là 8.000 đồng/con.
"Nếu kéo dài thời gian nuôi cá xiêm thêm nửa tháng thì chi phí đầu tư sẽ nhiều hơn, trong khi giá bán gần như không thay đổi", ông Ba Sang thổ lộ.
Ông Ba Sang chia sẻ, trước đây nuôi cá kiểng sinh sản tự ông đi kiếm mồi cho cá ăn nên không tốn tiền thức ăn cho cá.
"Tại khu vực cầu Nhị Thiên Đường có trùn chỉ rất nhiều. Chỉ cần bó ra 1 tiếng đãi trùn đã thu được 20 – 30 lon trùn chỉ. Còn trứng nước cứ xuống ao nuôi cá tra bỏ hoang tha hồ xúc. Chỉ cần xách vợt đi một lát là đám cá kiểng ở nhà tha hồ ăn", ông Ba Sang thổ lộ.
Nhưng, giờ trùn chỉ, trứng nước trong thiên nhiên gần như biến mất. Giá trùn chỉ bán trên thị trường là 35.000 đồng/lon, giá trứng nước là 10.000 đồng/lon.
"Nuôi cá kiểng bây giờ thật sự khó khăn. Yếu tay nghề, thiếu tính toán là phá sản", ông Ba Sang chia sẻ.
Theo ông Ba Sang, thời tiết bây giờ không thuận lợi để nuôi cá kiểng. Biến đổi khí hậu khiến thời tiết mưa – nắng thất thường, hoặc quá nóng làm cá kiểng nuôi chết rất nhiều. Mà nuôi cá trong mái che, trong nhà thì cá lớn chậm so với ngoài trời.
"Thức ăn của cá kiểng chủ yếu là lăng quăng, bọ gậy, bobo, artermia, trùn chỉ… và thức ăn viên đóng bịch. Do giá thức ăn ngày càng tăng cao, và môi trường, thời tiết bất ổn nên giờ nghề nuôi cá kiểng sinh sản rủi ro cao, trong khi lợi nhuận ngày càng ít.
Biết vậy, nên tôi không cho con cái theo nghề. Bản thân tôi cũng muốn giải nghệ cái nghề này bởi thấy khó khăn quá", ông Ba Sang bộc bạch.