Nuôi thành công con dơi là động vật hoang dã biết bay, trồng xoài keo, nông dân An Giang hốt bạc
Một ông nông dân An Giang hốt bạc nhờ trồng thứ xoài đặc sản, nuôi loài thú biết bay
Thứ sáu, ngày 22/03/2024 12:50 PM (GMT+7)
Mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh La Văn Bản (ngụ ấp Vạt Lài, xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) đã mạnh dạn phát triển mô hình trồng xoài keo-xoài đặc sản, nuôi dơi lấy phân, giúp gia đình có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Những năm 2000, nhờ sinh sống gần biên giới Campuchia, anh La Văn Bản tiếp cận với nhiều loại cây trồng mới, trong đó có xoài keo.
Nhận thấy loại trái cây này được ưa chuộng tại thị trường Campuchia, có thể ăn lúc sống lẫn chín, năm sau, anh Bản mua cây giống, cải tạo khoảng 6 công của gia đình để phát triển mô hình trồng xoài keo.
Thời gian đầu, chưa có kinh nghiệm nên việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Không từ bỏ, anh Bản học hỏi thêm kiến thức canh tác xoài từ những người đi trước, trên sách báo và trên mạng Internet…
Nhờ tích cực học hỏi, việc canh tác của anh Bản dần thuận lợi. Quá trình đợi cây xoài phát triển, cho trái, anh còn trồng xen canh thêm các loại rau màu nhằm lấy ngắn nuôi dài, giúp gia đình có thu nhập, trang trải cuộc sống.
Hơn 20 năm kinh nghiệm canh tác giống xoài có nguồn gốc từ Campuchia, anh Bản cho biết, đây là cây dễ trồng, không cần chăm sóc kỹ như một số loại xoài địa phương khác. Chất lượng xoài keo cũng khá cao, phù hợp nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Mô hình trồng xoài keo-xoài đặc sản của anh La Văn Bản, nông dân ấp Vạt Lài, xã Khánh Bình, huyện An Phú, (tỉnh An Giang) mang lại hiệu quả kinh tế khả quan.
“Nếu canh tác hợp lý, chỉ sau 2,5 - 3 năm xoài keo có thể cho thu hoạch. Năng suất mỗi vụ đạt từ 3 - 4 tấn/công.
Giá xoài keo biến động theo thị trường. Có thời điểm giá xuống thấp, khoảng 5.000 đồng/kg. Với mức giá này thì nông dân không có lời. Tuy nhiên, có thời điểm giá xoài lên đến 15.000 đồng/kg. Tính bình quân, giá xoài khoảng 10.000 đồng/kg là nông dân sống được” - anh Bản chia sẻ.
Thấy được hiệu quả từ cây xoài keo, anh Bản thuê thêm đất, mở rộng diện tích trồng xoài lên 4ha. Bình quân mỗi năm, anh thu về lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.
Hốt bạc từ phân dơi
Ngoài trồng xoài keo, anh La Văn Bản còn phát triển thêm mô hình nuôi dơi lấy phân cách đây hơn 20 năm. Đây là nghề truyền thống từ gia đình, được bà của anh truyền lại. Anh Bản cho biết, nuôi dơi không mất thời gian chăm sóc.
Dơi tự đi kiếm ăn nên đỡ tốn chi phí thức ăn. Dơi được nuôi lấy phân là dơi muỗi, chuyên ăn các loại côn trùng trên đồng ruộng, phân thải ra rất tốt cho cây trồng.
Tuy nhiên, quá trình nuôi dơi cần chăm chút cho “ngôi nhà” của chúng sạch sẽ. Đồng thời, xịt thuốc để ngăn ngừa dịch bệnh có trong môi trường hoang dã, để đàn dơi khỏe, ăn nhiều, thải phân nhiều.
Cũng theo anh Bản, cần phải làm chuồng cao, từ 7 - 10m. Chuồng được đặt ở nơi mát mẻ, thoáng đãng, đặc biệt là cách xa nhà dân để hạn chế mùi hôi.
Trong quá trình chăm sóc, phải quan tâm đến việc bảo vệ dơi khỏi các loại động vật gây hại như rắn, chim cú…
Hiện nay, với 2 nhà nuôi dơi, diện tích 12m2, mỗi ngày, anh Bản thu 8 - 10kg phân/nhà.
Giá bán phân dơi ở mức khá cao nên gia đình anh Bản vô cùng phấn khởi.
“Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đang đẩy mạnh phát triển vườn cây ăn trái, nên nhu cầu sử dụng phân dơi để bón cho công trồng là rất lớn.
Điều này kéo theo giá phân dơi ở mức cao, khoảng 65.000 đồng/kg. Dù giá cao, nhưng thương lái vẫn thu mua số lượng lớn, sản lượng không đủ cung ứng cho khách hàng” - anh Bản thông tin.
Anh Bản cho biết thêm, chi phí ban đầu từ xây dựng chuồng trại, mua lá thốt nốt… khá cao, khoảng 50 triệu đồng/nhà nuôi.
Tuy nhiên, với cách làm như hiện nay thì chuồng nuôi dơi có thể sử dụng trong nhiều năm. Theo mức giá bán phân hiện nay, chỉ sau nửa năm là người chăn nuôi có thể thu hồi vốn.
Ngoài phát triển mô hình nuôi dơi, anh La Văn Bản còn tích cực hỗ trợ, chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi dơi cho thanh niên, người dân trong và ngoài địa phương khi có nhu cầu.
Đặc biệt, anh Bản còn hỗ trợ xây dựng nhà nuôi dơi, tiêu thụ sản phẩm phân dơi, giúp nông dân an tâm về đầu ra…
Có được những kết quả trên là sự kiên trì, nỗ lực không mệt mỏi của anh La Văn Bản. Anh là điển hình cho thanh niên mang ý chí làm giàu trên mảnh đất mình đã gắn bó. Những nỗ lực của anh Bản góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nông thôn mới ở xã Khánh Bình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.