Ở Bà Rịa–Vũng Tàu, dân "hốt bạc" nhờ trồng cây hẹ làm rau, giàu vitamin K, tăng cường sinh lý
Chị nông dân Bà Rịa–Vũng Tàu "hốt bạc" nhờ loại rau trồng 1 lần bán 10 năm, giàu vitamin K, tăng cường sinh lý
Trần Đáng
Thứ sáu, ngày 03/11/2023 05:26 AM (GMT+7)
Chỉ trồng hẹ với gần 3.000m2, chị Vũ Thị Huê (phường Kim Dinh, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu) đã thu lời hơn 250 triệu đồng mỗi năm. Cây hẹ là một loại rau bổ dưỡng, ăn tốt cho sức khỏe, rau hẹ giàu vitamin K, giúp hỗ trợ tăng cường sinh lý đàn ông...
Lâu nay, bà con nông dân phường Kim Dinh chủ yếu sống bằng nghề trồng rau và trồng hoa Tết. Khoảng 20 năm trước, một số hộ nông dân ở làng nghề này đã chuyển sang trồng hẹ. Loại rau này cho lợi nhuận khá cao.
Kỹ thuật trồng hẹ 1 lần ăn 10 năm
4g sáng, khi sương chưa tan, đã thấy lố nhố một số bà con nông dân lúi húi cắt hẹ trên ruộng hẹ xanh mướt trải dài. Ở một góc ruộng hẹ, chị Huê đang liên tay dùng liềm cắt từng nắm hẹ rồi xếp lại ngay ngắn.
Chị Huê cho biết, nông dân trồng hẹ phải cắt hẹ sớm để kịp giao thương lái đưa hẹ đến chợ cho các tiểu thương bán trong ngày.
Theo chị Huê, trước khi đến với nghề trồng hẹ, chị đã kinh qua các loại rau màu. Tuy nhiên, không có loại rau màu nào dễ trồng, ít công chăm sóc, nhẹ chi phí đầu tư và nhất là giá cả ổn định và tốt hơn cây hẹ.
"Tôi cam đoan là không có câu rau màu nào cho hiệu quả kinh tế tốt hơn cây hẹ", chị Huê nói chắc nịch.
Chị Huê chia sẻ, về kỹ thuật trồng hẹ, cây hẹ rất dễ trồng, dễ sống, nhưng không ưa nước, nên trước khi trồng hẹ phải lên luống để tránh bị úng. Đất trồng phải tơi xốp, thoáng khí, dễ thoát nước, nhặt sạch cỏ và phơi đất để hạn chế sâu bệnh.
Có hai cách trồng hẹ, bằng hạt hoặc bằng thân. Nếu trồng bằng thân, hẹ được tách ra từng tép rồi trồng thành từng bụi.
Đặc tính của cây hẹ là hay bị "chết nhát" trong giai đoạn mới trồng. Để hạn chế hiện tượng này, trước khi trồng cần cắt bớt rễ của cây giống.
Làm như vậy để khả năng tái sinh của rễ sẽ tốt hơn và cây sẽ tạo chồi nhánh nhanh, khỏe giúp hạn chế hiện tượng "chết nhát".
Tuy nhiên, theo chị Huê, phần lớn nông dân trồng hẹ bằng hạt. Khác với các loại rau phải gieo hạt mỗi lứa, cây hẹ chỉ cần gieo hạt một lần, chăm gốc tốt thì có thể cắt bán suốt chục năm mới trồng lại.
Về phân bón, chị Huê chỉ dùng phân chuồng ủ hoai mục, lân và thuốc sinh học thay vì dùng phân, thuốc hóa học. Vả lại, hẹ là cây có sức đề kháng tốt, nên ít dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Tuy nhiên, không vì thế mà nông dân bỏ bê ruộng hẹ, mà phải thường xuyên thăm ruộng để phát hiện sớm và ngăn ngừa sâu bệnh. Hẹ thi thoảng bị sâu rầy, vàng lá vào những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi.
Chị Huê tính, hẹ trồng từ khi xuống giống đến khi cắt bán bán khoảng 3 tháng. Sau lứa hẹ đầu này, cứ 10 – 15 ngày, nông dân tiếp tục cắt bán lứa hẹ khác.
Sau khi thu hoạch hết lứa hẹ, nông dân lại rắc phân chuồng, tưới nước, bổ sung thêm phân NPK tùy theo hẹ phát triển mạnh, yếu… và cứ như thế.
Trồng hẹ thu 250 triệu đồng/3.000m2
Bà con trồng hẹ ở phường Kim Dinh cho biết, trồng hẹ không lo ế, cắt bao nhiêu thương lái thu mua hết bấy nhiêu. Ai có đất trồng hẹ nhiều thì lời nhiều.
Theo chị Huê, mỗi năm chị thu lời hơn 250 triệu đồng/3.000m2. Đây là giá trị đồng lời khá cao trên diện tích đất, nếu biết rằng giá trị sản xuất nông nghiệp tại TP HCM – một TP đang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hiện trung bình đạt khoảng 500 triệu đồng/ha.
TP HCM phấn đấu đến năm 2030 đưa giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất đất nông nghiệp đạt từ 900 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/ha/năm.
Theo đó, mỗi năm chị Huê cắt 10 đợt hẹ. Sau khi hẹ được cắt về sẽ qua khâu sơ chế, bỏ hết lá vàng, lá hư rồi được bó lại thành từng bó nửa kg, trước khi giao thương lái. Trong năm, giá hẹ dao động 7.000 - 12.000 đồng/kg.
Hiện, không chỉ làm giàu cho gia đình, tạo việc làm cho lao động địa phương, chị Huê còn vận động bà con nông dân trồng hẹ. Đồng thời, giúp cây giống, kinh nghiệm và tìm đầu ra cho bà con nông dân.
Theo Hội Nông dân phường Kim Dinh, hiện trên địa bàn có hơn 30 hộ trồng hẹ với hơn 6ha. Trung bình, mỗi hộ trồng hẹ có khoảng 2.000m2. Riêng mô hình trồng hẹ của chị Huê đang phát huy tốt hiệu quả kinh tế, là mô hình điểm để bà con nông dân học hỏi.
Theo nhiều tài liệu Y học cổ truyền, hẹ có vị cay, ấm quy vào kinh thận giúp điều hòa chức năng phủ tạng, bổ thận và bồi bổ khí huyết. Do đó, hẹ được sử dụng như vị thuốc giúp tăng cường sinh lý nam giới, trị các chứng xuất tinh sớm, rối loạn cương dương, giảm ham muốn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.