Trò chuyện với phóng viên báo điện tử Dân Việt, ông Phạm Văn Hán (SN 1976, ở thôn Phú Ninh, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Từ trước tới nay tôi làm bè nuôi cá chẽm, cá dìa, cá chình trên dòng nước lợ. Cá phát triển tốt, cho thu nhập khá cao.
Clip: Nông dân xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ việc nuôi cá chẽm, cá dìa kết hợp nuôi cua ngon trên dòng nước lợ nơi ngã ba sông, vùng nước giao nhau giữa 3 dòng sông nổi tiếng là sông Kiến Giang, sông Nhật Lệ, sông Long Đại.
Cách đây hơn 1 tháng, bà con nông dân nơi ngã ba sông nổi tiếng Quảng Bình đã rủ nhau nuôi thêm cua ngon.
"Việc nuôi cua dễ, thức ăn chỉ là mấy con cá nhỏ nên không quá vất vả. Hiện tôi đang nuôi 300 con cua và chúng đang lớn dần, khi nào đạt trọng lượng 3 lạng/con tôi sẽ bán với giá 350.000 đồng/kg", ông Hán nói.
Theo ông Phạm Văn Hán, trung bình mỗi năm, từ việc nuôi cá chẽm, cá dìa… nay kết hợp nuôi cua thì thu nhập sẽ đạt hơn 200 triệu đồng/năm.
Cạnh đó, ông Hoàng Vũ Thuật (SN 1971, ở thôn Phú Ninh, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cho hay: "Tôi đã nuôi 200 con cua cách đây 3 tháng, hiện đã có con đạt trọng lượng 3 lạng và sẽ bán trong nay mai.
Việc nuôi cua này không mất nhiều công sức, tôi mua hộp nhựa rồi thả cua vào trong đó, lấy dây rút thắt chặt lại và thả xuống bè cho sống chung với cá chẽm, cá dìa".
Ông Phạm Văn Hán (ở thôn Phú Ninh, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cầm trên tay con mới nuôi được 1 tháng. Ảnh: TA.
Ông Phạm Văn Hán (ở thôn Phú Ninh, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) nuôi cua trong lồng nhựa thả dưới dòng nước lợ. Ảnh: TA
Cũng giống như nông dân Phạm Văn Hán và Hoàng Vũ Thuật ở xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đang có 18 hộ vừa nuôi cá chẽm, cá dìa vừa nuôi cua.
Khu vực người dân nơi đây chọn để nuôi cá lồng là đoạn ngã ba sông, giao giữa các sông: Kiến Giang, Long Đại, Nhật Lệ nên có dòng nước lợ, phù hợp với nuôi các loài cá nước lợ như cá chẽm, cá dìa…
Ông Phạm Minh Đậu (ở thôn Phú Ninh, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) là người đầu tiên nuôi cá lồng ở địa phương này. Công việc này đã mang lại cho ông thu nhập khá từ nhiều năm qua.
Ông Phạm Minh Đậu chia sẻ: "Từ năm 2012, tôi đã đến các tỉnh bạn học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng. Sau đó, tôi về địa phương mua các thùng phi nhựa rồi dùng các tấm gỗ, khung kẽm để kết lại làm lồng nuôi. Ban đầu, tôi chỉ thả vài trăm con để nuôi thử, ai ngờ cá lớn nhanh, sớm cho lợi nhuận".
"Để mở rộng lồng nuôi cá, tôi đã đến Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Ninh để vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ việc làm duy trì và mở rộng việc làm. Có tiền, tôi làm hẳn 9 lồng nuôi và mua 3.000 cá giống, chủ yếu là cá chẽm, cá dìa về thả nuôi.
Sau 6 tháng, cá đạt trọng lượng và bán với giá 100 – 120 ngàn đồng/kg cá chẽm và 300 – 320 ngàn đồng/kg cá dìa, như năm trước, gia đình tôi thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.
Hiện tôi cũng đang tiên phong nuôi cá kết hợp nuôi cua và kỳ vọng mô hình sẽ mang lại thu nhập cao cho bà con nơi đây", ông Đậu nói.
Ông Trần Tiến Sĩ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình trò chuyện với bà con nông dân xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) tại buổi lấy ý kiến hội viên về thành lập Chi Hội Nông dân Nghề nghiệp. Ảnh: TA
Lồng nuôi cá chẽm, cá dìa của bà con nông dân xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).
Tham quan mô hình nuôi cá chẽm, cá dìa kết hợp nuôi cua ở xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), ông Trần Tiến Sĩ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đánh giá cao mô hình này và động viên bà con sản xuất, mạnh dạn áp dụng công nghệ vào việc nuôi trồng.
Được biết, Hội Nông dân xã Duy Ninh đang cùng các hộ nuôi cá lồng ở địa phương này xây dựng Chi Hội Nuôi trồng thủy sản Phú Ninh.
Cùng đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong việc phát triển kinh tế và đưa thương hiệu cá lồng Duy Ninh vươn xa hơn.