Quảng Bình: Làng nghèo rớt mồng tơi bỗng đổi đời nhờ nuôi toàn cá đặc sản to bự

Hạnh Châu Thứ bảy, ngày 20/06/2020 14:05 PM (GMT+7)
Từ một lồng cá của hộ nuôi cá lồng ban đầu, đến nay, thôn Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) đã có gần 400 lồng cá, mang lại thu nhập cao cho bà con trong thôn…
Bình luận 0
Buổi trưa, trời gắt nắng, ông Nguyễn Xuân Hoàn, Trưởng thôn Cồn Sẻ chèo đò đưa chúng tôi ra nhánh sông Gianh để thăm trang trại cá lồng. Ông Hoàn bảo: “Mỗi năm, nuôi cá lồng mang lại cho bà con trong thôn thu nhập trên 30 tỷ đồng…”.
 
Cho thu nhập cao
 
Chỉ cách đây dăm năm, thôn Cồn Sẻ có tiếng về… nghèo. Thôn nằm trọn vẹn giữacồn nổi của dòng sông Gianh. “Thời điểm đó, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong thôn chiếm trên 60% tổng số hộ”-ông Nguyễn Xuân Hoàn cho hay.
Quảng Bình: Làng nghèo rớt mồng tơi bỗng đổi đời nhờ nuôi toàn cá đặc sản to bự - Ảnh 2.

Nuôi cá lồng mang lại thu nhập cao cho người dân thôn Cồn Sẻ.

Vào năm 2012, ông Nguyễn Văn Chủy, một người dân trong thôn học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng ở nơi khác về thôn làm lồng bè nuôi cá ven bờ ở đoạn sông chảy qua trước nhà.


Cũng thấy lạ, bà con chỉ ra xem cho thỏa trí tò mò thôi chứ cũng không mấy ai có ý định học theo.

Cuối năm, ông Chủy thu hoạch. Cá được mang đi biếu khắp thôn lại còn bán thu về được cả chục triệu đồng. Đến khi đó, mọi người mới chú ý đến chuyện nuôi cá lồng nom làm chơi mà… ăn thật!

Qua năm sau, học theo ông Chủy, nhiều người trong thôn mua gỗ, lưới, phao… về đầu tư làm lồng cá. 

Ông Mai Tuyến (hiện là người có số lồng cá nhiều nhất thôn) chia sẻ, mỗi lồng (có diện tích từ 16-25 m2) có chi phí 50-80 triệu đồng tùy vào vật liệu tốt hay bình thường.

“Thông thường bà con ở đây chọn gỗ táu loại tốt để làm khung nổi trên phao. Hệ thống lưới xung quanh có 2 lớp chắc chắn. Mỗi gia đình đều làm thêm một nhà lán trên bè cá để tiện chăm sóc, bảo vệ và… nghỉ mát”- ông Mai Tuyến nói.

 
Cá lồng ở thôn Cồn Sẻ chủ yếu là các loại, như: cá chẻm, mè kẻ, hồng mỹ, vược… Ban đầu, bà con cho ăn thức ăn công nghiệp. Nuôi khoảng 3 tháng, khi cá lớn thì chuyển sang dùng thức ăn là các loại cá biển, cá sông nhỏ, rẻ tiền băm nhỏ. 


Khi cá nuôi trên 6 tháng thì thức ăn không cần băm nhỏ nữa mà đổ xuống lồng cho cá ăn. Ông Mai Tuyến có 8 lồng cá, nuôi được một năm là xuất bán. Trọng lượng cá trung bình đạt 2kg/con.

 
Đoạn sông Gianh chảy qua thôn Cồn Sẻ hiện duy trì hơn 400 lồng cá. Nhiều hộ cũng nuôi qua hai năm để cá có trọng lượng trên 5kg/con. Ông Mai Tuyến đưa chúng tôi đến lồng cá lớn. Ông kéo lưới lên và lấy giỏ nhựa vợt một con cá vược lớn cho chúng tôi xem.


 “Con này được hơn 5kg, chưa phải là lớn nhất. Hôm qua, tui bán cho người ta 3 con có tổng trọng lượng trên 20kg với giá 150.000 đồng/kg, được hơn 3 triệu đồng. Tiền này dùng để mua cá thức ăn cho mấy lồng cá đang thúc lớn”-ông Tuyến hào hứng kể chuyện.

 
Sát mấy lồng cá của gia đình ông Mai Tuyến là khu vực lồng cá của gia đình ông Phạm Ngọc Hựu. Ông Hựu cũng có 6 lồng cá đang giai đoạn thúc lớn. Ông kéo lưới kiểm tra cá và bắt lên một con cho chúng tôi xem. 


Ông bảo: “Đến lúc xuất bán, con này cũng được trên 2kg đấy”. Thấy có khách đến thăm bè, vợ ông Hựu xởi lởi nhóm lửa, bắc nồi luộc luôn mớ tôm, cua mà chồng mới kéo rớ được để đãi khách. 

Thêm mấy chủ lồng cá được mời tới. Ngồi trên nhà lồng mát lạnh gió nồm, rượu Quảng Lộc trong vắt cay cong lưỡi làm rôm rả thêm câu chuyện. Hỏi về thu nhập từ nuôi cá, các chủ lồng chẳng giấu diếm.

 
Ông Mai Tuyến cho hay, trung bình mỗi lồng cho năng suất khoảng 700-800 kg cá/năm. Giá bán thấp nhất cũng đạt 100.000 đồng/kg, vị chi mỗi lồng cho tổng thu khoảng 75-80 triệu đồng. “Trừ đi chi phí, mỗi lồng cá cho lãi từ 20-25 triệu đồng/năm”- ông Tuyến nói chắc như vậy.
 
Thay đổi quê nghèo
 
Sau khi có cây cầu bê tông bắc qua nhánh sông Gianh để vào thôn Cồn Sẻ thì bộ mặt nông thôn ở đây thay đổi đến ngạc nhiên.

Các tuyến đường ngang dọc trong thôn đều được bê tông hóa. Ba năm trở lại đây, người dân trong thôn đầu tư làm ăn, xây dựng nhà cửa như phố thị. Nhiều gia đình còn sắm luôn cả ô tô du lịch để làm phương tiện đi lại, kinh doanh.
 
Ông Nguyễn Xuân Hoàn, trưởng thôn cho biết, thôn có trên 800 hộ với trên 4 nghìn nhân khẩu. Hiện chỉ còn 24 hộ xếp vào diện hộ nghèo mà thôi.
Thôn Cồn Sẻ hiện cũng có đội tàu biển xa bờ 54 chiếc. Những loại hải sản ít giá trị đều được tận dụng đưa về làm nguồn thức ăn cho những trang trại cá lồng. “Đó cũng là lợi thế mà ít nơi nào có như ở đây. Vì sản phẩm của đội tàu loại nào cũng tiêu thụ được. Mặt khác, nguồn thức ăn cho cá nuôi được chủ động hơn”-ông Mai Tuyến nói thêm.
 
Tuy nhiên, theo như ông Tuyến, ông Hựu và nhiều bà con nuôi cá lồng ở Cồn Sẻ thì việc tiêu thụ cũng đang gặp khó. Phần lớn, bà con phải tự mang cá đi bán tại các chợ chứ chưa có thương lái nào đến đặt mua với số lượng nhiều. Vì vậy, tiêu thụ sản phẩm cũng là điều bà con lo lắng, băn khoăn nhất.
 

Nói về định hướng phát triển nghề nuôi cá lồng, ông Hoàn cho hay đang vận động những hộ nuôi cá thành lập hợp tác xã để thực hiện sản xuất theo chuỗi, gắn với tiêu thụ sản phẩm sạch. “Mặt khác, bà con cũng phải đầu tư hệ thống lồng phù hợp để nuôi quanh năm và nuôi vượt lũ. Khi đó, thương hiệu cá lồng Cồn Sẻ sẽ được biết đến và việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn bởi chất lượng ngon và sạch của cá lồng ở đây”- ông Hoàn chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem