Quảng Bình: Làm chuồng nuôi ếch trên cạn, toàn con to, thò tay xuống là bắt được cả đống

Thứ năm, ngày 30/07/2020 06:32 AM (GMT+7)
Khoảng 10 năm trở lại đây, hàng chục hộ dân xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình giàu lên nhờ nuôi ếch. Nghề nuôi ếch không quá vất vả nhưng đã tạo công ăn, việc làm, thu nhập cao cho hàng trăm lao động địa phương.
Bình luận 0

Chuyện nuôi ếch làm giàu của người dân xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình bắt đầu từ năm 2011. Khi đó, ông Ngô Văn Ngàn, ở thôn Thượng Nam xây dựng mô hình nuôi rắn hổ trâu. 

Để có thức ăn cho rắn, ông Ngàn đã học hỏi và đưa ếch về nuôi. Qua một thời gian, mô hình nuôi rắn không mang lại hiệu quả nhưng cho ông những kiến thức, kinh nghiệm về nuôi ếch. 

Quảng Bình: Làm chuồng nuôi ếch trên cạn, toàn con to, thò tay xuống là bắt được cả đống - Ảnh 1.

Mô hình nuôi ếch của ông Ngô Văn Ngàn ở xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau đó, ông đầu tư xây bể, vào miền Nam mua ếch giống về nuôi. Ông Ngàn tâm sự: "Nuôi ếch lãi hơn nuôi rắn rất nhiều. Chỉ cần người nuôi tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi ếch".

Năm 2017, ông Ngàn đã tìm tòi và nhân giống ếch thành công. Hiện ông đang có 6 hồ nuôi ếch giống với diện tích trên 300m2; một hồ nuôi ếch mẹ sinh sản và ếch thịt có diện tích gần 500m2. Từ năm 2019 đến nay, ông đã xuất bán được 40 vạn con ếch giống, thu lãi 400 triệu đồng. Ếch giống của ông Ngàn được xuất bán cho các hộ chăn nuôi cả trong và ngoài tỉnh.

Thấy ông Ngàn nuôi ếch thành công, hàng chục hộ dân trong thôn cũng học theo để nuôi. Ban đầu, cả xã chỉ có 10 hộ nuôi ếch, đến nay đã phát triển lên 40 hộ nuôi. Có nhiều hộ nuôi ếch cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. 

Là những người đầu tiên nuôi ếch trong xã, vợ chồng anh Ngô Văn Thuần và chị Nguyễn Thị Hằng, ở thôn Thượng Nam đã trở nên giàu có. Vợ chồng anh đã biến một vùng đất hoang thành trang trại nuôi ếch cho hiệu quả kinh tế cao. 

Ban đầu, anh xây 3 hồ nuôi với diện tích 150m2. Bên trong hồ được lót bạt và chắn lưới xung quanh. Năm đầu tiên, anh Thuần nuôi 20.000 con ếch giống. Qua 3 tháng, lứa ếch đầu tiên đã được thương lái đến tận nhà mua, mang lại cho gia đình anh lãi ròng 20 triệu đồng.

Thấy được hiệu quả của việc nuôi ếch, anh Thuần tiếp tục mở rộng ao nuôi, đầu tư mua con giống, thức ăn. Hiện anh có 15 hồ bạt nuôi ếch, 2 ao nuôi cá để tận dụng các phụ phẩm từ nuôi ếch. Năm 2019, gia đình anh Thuần xuất bán 50 vạn con ếch giống, 10 tấn ếch thịt, mang về cho gia đình 600 triệu đồng sau khi trừ chi phí. 

Từ đầu năm đến nay, anh Thuần cũng đã xuất bán được 50 vạn con ếch giống, thu lãi ròng 400 triệu đồng và dự kiến xuất bán khoảng 20 tấn ếch thịt, lãi khoảng 300 triệu đồng. Hiện gia đình anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động. 

Anh Thuần tâm sự: “Sang năm tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nuôi ếch giống và ếch thịt, nghiên cứu nuôi ếch cả bốn mùa trong năm để nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho bà con”.

Ông Nguyễn Quang Kiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngư Thủy cho biết: “Nhờ có nghề nuôi ếch nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Để phát triển nghề nuôi ếch, Hội Nông dân xã đã tuyên truyền, hướng dẫn, vận động bà con sớm thành lập hợp tác xã để hỗ trợ nhau trong sản xuất, bình ổn giá cả, tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Nhưng về lâu dài, tôi đề nghị các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho bà con vay vốn, cấp đất hoặc cho thuê đất lâu năm để bà con yên tâm đầu tư sản xuất”…

Việt Hà (Báo Quảng Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem