Chợt nhớ làng "xỏ lá" là tên gọi vui mọi người dành cho vùng quê của tôi trước đây. Cũng bởi, nghề truyền thống ở quê tôi chủ yếu là làm nón, áo tơi và chổi đót nổi tiếng không chỉ ở địa phương mà còn phổ biến ở các tỉnh lân cận.
Vốn dĩ, nghề làm chổi đót xuất hiện ở quê tôi chính xác từ lúc nào cũng chẳng ai trong làng còn nhớ rõ. Nhiều bậc cao niên trong làng kể rằng, từ những ngày còn rất bé, họ đã thấy người dân quê tôi miệt mài với công việc làm chổi. Suốt gần trăm năm qua, nghề gia truyền này vẫn luôn được nhiều thế hệ gìn giữ và phát triển.
Những năm tôi còn bé, một số hộ gia đình ở quê tôi cứ vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân lại rủ nhau cùng lên các xã vùng cao của huyện miền núi, để lấy cây đót về làm chổi bán, nhằm kiếm thêm thu nhập. Theo bà tôi kể lại thì khi nghề này mới được hình thành ở làng tôi, số gia đình theo nghề vẫn còn ít, chỉ lác đác một vài hộ. Hơn nữa, do ảnh hưởng của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ nên nghề của làng đã bị gián đoạn. Mãi đến sau năm 1975, nghề làm chổi đót ở làng tôi mới được khôi phục và phát triển. Đây cũng là thời điểm phát triển cực kỳ thịnh và phát đạt của làng nghề. Thời điểm ấy, khi đi đến bất kỳ đâu trong làng tôi, người ta cũng dễ dàng bắt gặp cảnh người người làm chổi, nhà nhà làm chổi.
Khoảng thời gian tuổi thơ của tôi gắn liền với những bông chổi treo trước hiên nhà. Chắc cũng bởi đi đến đâu cũng thấy nhà nhà làm chổi nên bọn trẻ con chúng tôi chẳng cần phải học nhiều, nhìn mãi cũng quen thuộc và cứ thế làm theo. Bản thân tôi khi chỉ tầm 9-10 tuổi đã biết cách làm chổi thành thạo. Nhiều năm trôi qua, tuy đời sống của người dân quê tôi đã phát triển hơn nhưng nghề làm chổi vẫn duy trì đến nay.
Để làm ra một cây chổi, kỳ thực cũng rất cầu kỳ, tùy theo cách làm của từng gia đình. Bông để làm chổi thường được bố tôi và các chú trong làng cắt khi còn xanh và chưa nở hoa. Sau đó, bà và mẹ tôi thường không phơi nắng mà treo trong hiên nhà, nhằm tránh nắng, gió và những tác động từ thời tiết. Đó cũng là mẹo để bảo quản, giúp cho bông chổi luôn giữ màu xanh cốm như lúc mới hái và đồng thời cũng rất mịn, dai để giúp cho chổi bền và chắc hơn. Chắc đó cũng là lý do những cây chổi ở vùng khác với sắc màu vàng nhạt, chất liệu bông cũng thô hơn.
Bông chổi thông thường phải treo từ 2 - 3 tháng mới có thể sử dụng được. Sau khi đập rụng hết hoa và loại bỏ những bông vàng, mẹ tôi sẽ tỉ mỉ bó lại thành từng bó nhỏ (gọi là con chổi). Khi bó đót, chúng ta nên quấn đều và chặt tay, nếu bó lỏng tay thì sau khi hoàn thành, cây chổi sẽ dễ bị lỏng và rơi ra trong quá trình sử dụng.
Việc bó chổi sẽ không theo tiêu chuẩn thực tế nào mà tùy theo độ dày, mỏng cụ thể do khách đặt để người thực hiện có thể cuốn số lượng con chổi cho phù hợp. Chổi loại dày thường có giá tiền đắt hơn loại mỏng đôi chút. Người biết dùng chổi hẳn sẽ thông cảm vì tất cả các công đoạn đều được tiến hành thủ công một cách rất tỉ mỉ. Thông thường, một chiếc chổi chỉ có thể dùng bên trong khoảng 6 tháng, nhưng chổi ở quê tôi luôn có độ bền rất cao với thời gian sử dụng từ 1 đến 2 năm vẫn chưa hỏng, cũng chẳng xảy ra tình trạng rụng bông.
Nghe qua có vẻ giản đơn nhưng để làm nên một cây chổi đẹp, bền rất sự khéo léo, tháo vát của người thợ. Đúng như bà tôi thường bảo người làm chổi phải tần tảo, chịu khó thì mới theo nghề được lâu. Dẫu đây không phải nghề chính nhưng nhờ nó mà suốt mấy chục năm qua, bố mẹ tôi không những đủ sức nuôi lớn các con ăn học đầy đủ mà còn mang đến nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Chổi đót ở quê tôi thông thường có hai loại là chổi cán nhựa và cán đót. Với chổi cán nhựa, sau khi bó đót tạo hình rẻ quạt, người dân quê tôi sẽ cho phần cuống đót vào cán nhựa. Sau khi khéo léo bỏ bó đót vào cán nhựa xong, bố tôi sẽ dùng sợi thép để xâu "chân tít". Công đoạn này cực kỳ quan trọng vì đây là cách giúp cho chổi xòe ra và cố định nhằm tăng diện tích bề mặt khi quét.
Với chổi có cán đót, người đan chổi thường vấn cổ đót bằng dây cước, sau đó tận dụng một chiếc dùi sắt nhọn dùi xuyên thủng qua thân đót cách ngọn đót khoảng 1-2cm rồi tỉ mỉ xâu cước vào, nhẹ nhàng vấn từ 5-6 vòng và giấu múi vào bên trong thân đót. Công đoạn tiếp theo của người thợ đơn giản chỉ là chú tâm vấn thân đót (đuôi chổi). Theo bố tôi kể lại thì bí quyết của việc chia thân đót là nên phân tách thành 4 phần đều nhau, kế tiếp là khéo léo vấn thắt từng phần bằng dây cước và giấu múi. Bước cuối cùng của quá trình này là xòe và đan tít. Sau khi thực hiện xong hai công đoạn đầu tiên, người thợ sẽ khéo léo dùng tay bẻ 1/2 bụng và một phần lưng rồi san đều trên bàn xòe bằng gỗ, sau đó kẹp lại cho chắc chắn rồi dùng dây lác bện tít ba đường vòng cung. Khi cây chổi đã được tạo hình, những người thợ muốn chắc chắn hơn sẽ dùng búa gỗ đập vào điểm nổi giữa "chân tít" và cán chổi để nén chặt. Cuối cùng, họ đặt chổi lên tấm gỗ, dùng dao chặt mạnh ở phần đầu và cán cho gọn gàng. Có thể thấy rằng từ những cây đót khẳng khiu qua đôi bàn tay khéo léo của người nông dân quen việc đồng áng liền biến thành vô số những cây chổi chắc chắn, hữu ích cho cuộc sống thường ngày của người dân.
Nhiều năm trôi qua, tôi dần trưởng thành, đi lập nghiệp xa ở phố thị. Nhưng mỗi khi có dịp được quay trở về làng, nhìn cảnh bố mẹ tuổi đã cao, lưng khòm tóc bạc vẫn cần mẫn ngồi làm từng chiếc chổi cho khách hàng, lòng lại rưng rưng xúc động. Chợt cảm thấy hạnh phúc vì mình đã được lớn lên từ tình yêu thương và sự bao dung suốt bao năm tháng của bố mẹ.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.