Kể chuyện làng: Ao xưa nơi chốn quê nhà

An Nhiên Lý Thứ bảy, ngày 30/03/2024 14:27 PM (GMT+7)
Những ngày gần đây, thời tiết ở Sài Gòn oi bức một cách kỳ lạ. Giữa trưa nắng oi ả, tôi bắc một cái võng nhỏ ra trước hiên nhà, nhìn phố xá tấp nập người qua kẻ lại. Trong không khí oi ả ấy, chợt thèm được về lại bờ ao quê nhà, bắc cái võng hiu hiu trên bờ hồ, ngủ một giấc trưa thật say sưa.
Bình luận 0

Ở quê tôi khi xưa, hầu như nhà nào phía sau hè cũng có cái ao nhỏ. Theo lời bà tôi kể lại thì những cái ao nhỏ hay được gọi vui bằng cái tên là hồ bom. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì vùng đất quê tôi khi xưa là chiến địa thường xuyên bị quân địch thả bom. Mỗi khi đất xói lở tung trời vì những quả bom quân thù ném xuống sẽ tạo thành những khoảng hố sâu rộng. Những mùa mưa lũ đến, nước tràn về không kịp thoát sẽ đọng lại, tạo thành những ao nước.

Tuổi thơ tôi gắn liền với kỷ niệm nơi ao làng. Bên bờ ao, ba mẹ tôi tranh thủ trồng rất nhiều hoa màu và cây cối. Cũng bởi, ba mẹ tôi cho rằng các loại hoa màu hoặc cây trái khi được ở gần nguồn nước mát của ao hồ sẽ phát triển tốt hơn. Chắc cũng vì lẽ đó nên những giàn mướp ở vườn nhà tôi đều trĩu quả trên giàn tre, bí đỏ thì chỉ cần sau vài tháng gieo hạt đã bò ngổn ngang hai bên bờ. Thậm chí, ngay cả những luống rau khoai mẹ trồng cũng nhờ không khí và nguồn nước dào dạt ở ao mà xanh mướt đến mát mắt. Thi thoảng, đến mùa khô, khi ao cạn, nước chỉ còn xăm xắp với bùn nhão, mẹ tôi thường trồng thêm rau muống. Rau muống chỉ vài tuần sau khi được trồng trong ao nước, ngọn nào ngọn nấy đều nảy nở xanh non đến mướt mắt. Cũng nhờ khoảng vườn cạnh bờ ao mà những bữa cơm nhà nghèo nơi thôn dã của gia đình tôi hiếm khi phải tốn tiền ra chợ mua thêm rau trái.

Kể chuyện làng: Ao xưa nơi chốn quê nhà- Ảnh 1.

Bờ ao quê nhà. Ảnh: Tác giả cung cấp

Ao nước sau nhà cũng là nơi khắc ghi biết bao hoài niệm tuổi thơ với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nông thôn như chúng tôi. Đó là những buổi trưa hè trốn mẹ ra sau hồ ngồi hóng mát cùng với mấy đứa bạn. Hoặc đơn thuần chỉ là an tĩnh ngồi tựa mình vào gốc cây bên bờ ao, lần giở từng trang sách, thấy lòng mình mềm đi trong từng khoảnh khắc.

Ở bờ ao nhà tôi, mẹ có trồng một cây mít to tướng với tán lá xanh non mơn mởn. Khi mùa hè sang, cây mít đổ bóng xuống hồ im lìm cả một khoảng sân. Từ xa, những cành cây vươn ra từ cây mít như một chiếc xích đu khổng lồ giữa hồ. Bản tính trẻ con nghịch ngợm khiến chúng tôi thường xuyên trèo ra giữa hồ để ngồi vắt vẻo, tận hưởng không khí mát lạnh và chuyện trò rôm rả đã đời.

Thi thoảng, chuyện trò xong, chúng tôi có thể say sưa một giấc trưa trên cái võng mắc gần bờ ao. Những làn gió mát rượi cùng hơi nước dịu lành và bóng cây râm ran cứ thế đưa những đứa trẻ vào giấc ngủ ngon lành, êm dịu. Nhiều năm trôi qua, dù đã trở thành một người trưởng thành nhưng bản thân tôi chưa bao giờ quên được hình ảnh chiếc ao thân thuộc nơi quê nhà với mặt ao tím biếc lục bình, loáng thoáng vài bông súng hồng tươi, thi thoảng lại có từng đàn chuồn chuồn bay thấp hoặc lũ bướm trắng, bướm vàng chấp chới trên mặt nước tĩnh lặng làm giật mình đàn cá đang mơ màng trong giấc ngủ.

Tối đến, giữa tiếng côn trùng và ếch ộp đua nhau inh ỏi, cả đám trẻ lại hẹn nhau ra ao chơi. Có cảm tưởng tiếng nói, tiếng cười của bọn trẻ vang vọng hòa với thanh âm râm ran tiếng kêu của ếch nhái khiến không khí của bờ ao trở nên sôi nổi hơn lúc nào hết. Thi thoảng, một tiếng nhảy tủm giữa hồ của con vật nào đó, khiến mấy đứa trẻ chúng tôi giật mình, cảm thấy sờ sợ trong ánh trăng sáng soi xuống mặt nước.

Vào khoảng cuối tháng Chạp, khi mọi người đang tất bật vào vụ gieo mạ, ba mẹ tôi vẫn tranh thủ tát ao. Bọn trẻ chúng tôi bao giờ cũng rất háo hức khi nghe tiếng gàu sòng sình sịch đập vào nước hòa cùng tiếng nước xối xả và mùi bùn tanh tao. Bọn cá thường sống len lỏi giữa những dây rau muống xanh non hoặc những cây ấu lúp xúp, hoa e ấp trong kẽ lá, củ non gai nhọn hoắt thả xuống, giấu vào chùm rễ. Nghe tiếng động, chúng sẽ quẫy đuôi, đồng loạt lặn xuống nghe rào rào. Thế nhưng, dẫu nhanh nhẹn thế nào cũng không tránh được bàn tay tát gàu chuyên nghiệp của ba tôi.

Vào những chiều hôm khi ba đã tát xong ao, bữa ăn của gia đình tôi chắc chắn sẽ rất đa dạng. Vốn tỉ mỉ, mẹ tôi thường tranh thủ kho nồi cá hủn hỉn với đủ loại cá to nhỏ tát được từ ao. Thi thoảng, ba tìm được mẻ cá rô to, mẹ tôi kho tiêu với vài lát thịt mỡ và ớt trái. Hoặc lắm lúc, muốn đổi món, mẹ tôi sẽ đem kho riềng thật cạn ủ trong bếp rơm mà ăn với cơm gạo tám vụ chiêm, nhấm nháp thêm ít quả cà muối hoặc bát canh cua đồng nấu mồng tơi, rau đay thì quên cả đất trời.

Sở dĩ, nồi cá rô thơm ngon như thế vì loài cá này rất khó bắt. Bố tôi thường bảo bắt cá rô không chỉ có chiến thuật mà còn cần độ khéo léo và kinh nghiệm nữa. Vì cá rô vốn là loại rất tinh khôn và ác chiến nữa. Chỉ cần cảm nhận được nguy hiểm bọn cá sẽ trốn chạy, nếu không trốn chạy được, chúng sẽ chống trả quyết liệt. Điểm đặc biệt của cá rô là có cái đầu cứng đanh như đá cùng bộ vây sắc lẹm có thể cứa rạch lên sân gạch. Từ những ngày còn nhỏ, tôi đã có chút kinh nghiệm bắt cá rô cùng bố suốt biết bao trận mưa rào nhưng vẫn bị cá rô tặng cho "chiến lợi phẩm" là vết sẹo lồi trên bàn tay phải. Những năm tháng trưởng thành, mỗi khi chạm vào vết sẹo ấy, tôi luôn cảm thấy đau nhói vì ký ức về một thời thơ bé đi bắt cá rô sau mỗi trận mưa rào. Đột nhiên, chợt ước mình tự nhiên nhỏ dại như thuở lên ba, lên năm để tắm trong trận mưa rào năm nào.

Có lẽ chẳng có gì tuyệt vời bằng sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, khi ánh hoàng hôn buông xuống bên chiếc ao nhỏ, cả nhà cùng nhau dọn mâm cơm ra sau hè tíu tít ngồi ăn và trò chuyện rôm rả. Gió từ mặt ao tràn lên mát mẻ đến mê lòng, hất tung mớ tóc rối của bọn nhỏ. Chúng tôi cứ thế nhẩn nha ăn cơm mãi cho đến khi ánh nắng tắt lịm từ lúc nào, trời chập choạng tối, mới thong thả quay vào nhà. Những bữa cơm bên ao với tiếng nói cười bên mâm cơm của mẹ cùng nồi cá kho đậm đà mà ngon lành đến kỳ lạ, khiến những đứa con như tôi không thể nào quên được.

Nhiều năm trôi xa, khi đã trở thành một người trưởng thành, mải mê với cuộc sống tấp nập nơi phố thị, tôi vẫn chẳng thể quên được ký ức về những ngày còn thơ, được gắn bó với góc ao nhỏ nơi quê nhà. Có cảm tưởng như một phần đời của tôi đã ở lại đó, nơi có ba mẹ và biết bao kỷ niệm êm đềm đến khó quên.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem