Diễn giả Nguyễn Sơn Lâm, sinh năm 1982, trong một gia đình nghèo ở Uông Bí, Quảng Ninh. Do bị ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam, khi tròn 1 tuổi, cơ thể anh ngày càng yếu, 2 chân teo lại và chủ yếu đi lại bằng đôi nạng gỗ.
Mặc dù chỉ có chiều cao chưa đến 90cm, nặng chưa đến 30kg nhưng anh Nguyễn Sơn Lâm đã trở thành diễn giả về nghị lực sống, được ví là "Nick Vujicic của Việt Nam". Không dừng lại ở đó, anh từng đỗ 2 trường đại học, biết 3 ngoại ngữ: Anh, Nhật, Pháp và từng làm biên tập viên thể thao. Đến năm 2011, anh được xác lập kỷ lục "Người đầu tiên chinh phục đỉnh Fansipan bằng nạng gỗ".
Ngày 8/4, diễn giả Nguyễn Sơn Lâm đã có buổi chia sẻ với gần 2.000 học sinh và giáo viên tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Diễn giả Nguyễn Sơn Lâm chia sẻ với học sinh. Clip: Tào Nga
Bước lên sân khấu nhanh nhẹn, tự tin với chiếc nạng gỗ, diễn giả Nguyễn Sơn Lâm, đã giao lưu với học sinh bằng những câu chuyện vô cùng cuốn hút đồng thời đúc rút lại nhiều bài học ý nghĩa.
"Đọc thông tin về anh, có nhiều bạn đã hỏi anh có thể nói ngắn gọn bí quyết thành công đến ngày hôm nay của anh là gì? Thực ra, bí quyết của anh rất đơn giản chỉ trong 2 từ đó là yêu đời.
Có người nói lại rằng: "Anh là giám đốc công ty, được lên truyền hình, được nhiều người yêu quý… không yêu đời mới là lạ". Nhưng phải hỏi ngược lại, có những điều đó rồi mới yêu đời hay là yêu đời rồi mới có những điều đó. Rất nhiều người vận hành cuộc sống ngược lại với quy luật phát triển là có "điều gì đó" rồi mới yêu đời, mới hạnh phúc, nhưng thực tế "điều gì đó" chỉ đến với người hạnh phúc.
Yêu đời cũng được hiểu rộng ra là việc trân trọng khi được sinh ra trong cuộc đời này. Chúng ta được sinh ra là một điều kỳ diệu và hãy đừng lãng phí điều kỳ diệu đó. Sinh ra như thế nào, trong hoàn cảnh nào... không quan trọng mà sống thế nào, phấn đấu thế nào, trải nghiệm cuộc sống thế nào mới là điều cần quan tâm.
Do vậy, chúng ta hãy yêu thương bản thân mình đầu tiên và nhiều nhất. Bởi một người không yêu thương bản thân mình thì không yêu thương ai được hết. Cũng giống như chúng ta ném hòn sỏi xuống hồ thì con sóng sẽ tỏa ra xung quanh. Tình yêu thương cũng tương tự như vậy. Chỉ khi xuất phát từ chính bản thân mình, chúng ta mới lan tỏa điều đó ra với mọi người. Bố mẹ, vợ chồng, con cái… cũng chỉ đi với chúng ta một quãng đường. Chỉ một "người" duy nhất đi với ta suốt cuộc đời là chính bản thân mình.
Những người yêu đời và những người không yêu đời có sự khác biệt rất lớn. Những người không yêu đời thì càng lớn ước mơ càng bé vì càng lớn càng nhiều nỗi sợ hãi. Chúng ta bị nhồi những điều sợ hãi và chúng ta cũng tự lấy nỗi sợ hãi nhồi vào mình. Ước mơ của ngày đầu càng ngày càng nhỏ dần rồi dần dần bị biến mất.
Vì thế, sau ngày hôm nay, chúng ta về hãy lấy ra một tờ giấy, ghi hết tất cả những nỗi sợ hãi rồi đọc lại một lần và... đốt cháy nó cho tan biến. Nếu các em có ước mơ, hoài bão thì người khác có tin hay không, không quan trọng. Hãy để cho ước mơ, khát vọng, quyết tâm của mình càng ngày càng lớn lên"..
Tiếp tục câu chuyện của mình, diễn giả Sơn Lâm cho biết, ngoài niềm tin vào bản thân, anh còn là người hay cười. Dù ra đường thấy tắc đường, anh vẫn cười. "Mọi chuyện chỉ cần một nụ cười thôi cũng đã thay đổi cục diện thế giới", anh Lâm cho hay.
Nhắn nhủ với học sinh, anh Lâm cho biết: "Chắc hẳn các em đang mơ ước sắp tới sẽ học ở ngôi trường nào đó danh tiếng. Thầy cô giáo của các em cũng từng mơ ước về nghề của mình. Chúng ta hãy luôn nghĩ về mục tiêu mình cần đạt được như một "thông điệp sẽ được gửi vào vũ trụ", chắc chắn sẽ có ngày thành công".
Diễn giả Sơn Lâm lấy ví dụ từ chính bản thân mình. Hai năm đầu đời, anh sống hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình hỗ trợ. Năm 3 tuổi, anh cố gắng tập di chuyển trên ghế. Năm 5 tuổi anh tập đi nạng.
"Trong hành trình đó, anh gặp những người bạn tốt và cả những người bạn không tốt. Ngày đó, anh phải có một điểm tựa mới có thể đứng dậy được. Một số bạn biết điều đó và đã có lúc bỏ anh ở lại một mình. Anh vừa bò vừa khóc. Nhưng sau đó, anh không muốn khóc để cho các bạn cười nữa. Anh đã cố gắng tự đứng bằng đôi chân của mình và không nhớ đã bao lần ngã sứt đầu mẻ trán nhưng vẫn không ngừng cố gắng.
Năm 2011, anh quyết tâm chinh phục đỉnh Fansipan với chiếc nạng gỗ. Anh đã bị ngã rất nhiều lần, dù có người hỗ trợ đi cùng nhưng anh không gọi ai cầu cứu. Anh tự đứng lên và đi tiếp mà không có lời kêu ca.
Chúng ta thường hay đổ lỗi và kêu ca khi chúng ta gặp thất bại. Các em biết vì sao không? Tất cả đều có lý do. Đó là ngày xưa khi chúng ta vấp ngã, bố mẹ chúng ta sẽ "đánh chừa" cái bàn, cái ghế, mặt đất... làm cho chúng ta ngã. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác chúng ta hình thành tư duy đổ lỗi. Chúng ta tìm xung quanh có điều gì đó để đổ lỗi, thay vì tự nhận trách nhiệm cho bản thân mình. Chúng ta tìm xung quanh xem có ai không, thay vì tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Những người thành công hãy là người vấp ngã ở đâu đứng lên ở đó và tiến về phía trước".