Hơn 200 học sinh mầm non ngồi thi "rung chuông vàng" khiến cha mẹ và cô giáo bất ngờ
Chuyên gia khẳng định: "Chơi với con 15 phút khác hẳn với ngồi cùng cả buổi sáng nhưng lại ôm điện thoại"
Tào Nga
Chủ nhật, ngày 07/04/2024 06:32 AM (GMT+7)
"Xưa nay cha mẹ luôn băn khoăn thời gian dành cho con là bao nhiêu. Tuy nhiên theo tôi, cha mẹ chơi với con, trò chuyện cùng con được bao nhiêu mới quan trọng", chuyên gia cho hay.
Hơn 220 thí sinh mầm non tài năng từ 8 trường mầm non tại Hà Nội mới đây tham gia tranh tài cuộc thi Siêu nhân nhí - Super Tots 2024. Các em trải qua 3 vòng thi với nhiều câu hỏi lý thú thuộc các lĩnh vực khác nhau giúp trẻ khám phá kiến thức, thách thức bản thân và rèn luyện sự tự tin qua các vòng thi.
Điều đặc biệt, ở vòng 1 cuộc thi các em có sự đồng hành của bố mẹ. Nhiều phụ huynh cho biết đây là trải nghiệm vô cùng ý nghĩa với gia đình.
Hơn 200 học sinh cùng bố mẹ tham gia cuộc thi. Ảnh: Tào Nga
Chị Khổng Thị Mai Oanh, có con là Vũ Hải Đăng, 4 tuổi, ở Lĩnh Nam, Hà Nội chia sẻ: "Lúc đầu đến cuộc thi, con khóc bảo con không thi. Tuy nhiên sau vài phút được mẹ và các cô động viên đã tự tin ngồi cùng mẹ thi vòng 1 và vào đến vòng cuối cùng".
Chị Oanh cho biết: "Ở nhà con rất thích ô tô, xe cộ. Con còn nhỏ nên mình cho con thoải mái chơi, tham gia hoạt động bên ngoài. Quan điểm của mình là cho con phát triển tự nhiên cứ không kèm cặp nhiều. Cha mẹ là người hướng dẫn, đồng hành cùng con".
Anh Cao Văn Điển, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cũng có mặt để cùng con tham dự cuộc thi. "Vì không nắm được các câu hỏi như thế nào nên hai bố con cứ tự tin bước vào vòng thi mà không cần chuẩn bị trước. Con thì đi rất vui và háo hức, dặn bố mẹ gọi con dậy sớm. Các câu hỏi dễ với bố mẹ nhưng với con cũng phải suy nghĩ. Ví dụ như hỏi con vật nào không có trong bài hát, các con phải nhớ lại trong bài có con gì. Tôi thấy cuộc thi này rất vui, cho các con trải nghiệm. Ở nhà cả 2 vợ chồng cùng vui chơi, dạy học cùng con. Tôi có rất ít thời gian chơi với con vì phải đi làm nhưng có dịp là đi cùng con".
Không phải bố mẹ giỏi mới dạy được con
Chia sẻ với PV báo Dân Việt về tầm quan trọng của việc cha mẹ đồng hành cùng con, bà Trần Như Loan, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hệ thống Giáo dục Sunshine Maple Bear: "Với học sinh mầm non, sức khỏe thể chất và sự tự tin mới là điều quan trọng của các em, sau đó mới đến tri thức. Xưa nay cha mẹ luôn băn khoăn thời gian dành cho con là bao nhiêu tuy nhiên theo tôi cha mẹ chơi với con, trò chuyện cùng con được bao nhiêu mới quan trọng. Thời gian ngắn 15 phút thôi nhưng cùng nhau đọc, cùng nhau nói về bức tranh, thậm chí từ nhà ra cổng đổ rác cũng rủ con đi để thủ thỉ... Điều này sẽ khác hẳn với việc dành cho con cả buổi sáng đi cafe nhưng mỗi người lại một chiếc điện thoại".
Còn với ông Đặng Minh Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, dù trẻ ở giai đoạn chưa biết nói hay đã có thể giao tiếp ở mức độ cao, vẫn tích lũy toàn bộ thông tin tiếp nhận được qua các kênh âm thanh và hình ảnh xung quanh. Khi trẻ lớn lên, phát triển, những thông tin đó sẽ được lấy ra, so sánh với những gì trẻ nghe, thấy và xác nhận lại.
Khi trẻ lớn dần, bộ não của trẻ giống như một thư viện, dù cha mẹ không dạy, không chỉ bảo, thì những gì sinh hoạt hàng ngày trẻ đều lưu trữ, khi gặp các vấn đề tương tự con sẽ lấy lại những hình ảnh trong "thư viện" của bộ não để so sánh và xử lý vấn đề.
Trong quá trình dạy con, cha mẹ cần xác định con thuộc lối tư duy nào để có thể dạy con theo phương pháp phù hợp.
Ông Đặng Minh Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Tào Nga
Thầy Tuấn cho biết, nhiều phụ huynh vẫn quan niệm rằng bố mẹ cần là người có nền tảng, gia đình có điều kiện tốt, môi trường đầy đủ mới có thể dạy cho tư duy tốt. Song thực tế có nhiều học sinh đạt thành tích "khủng", thuộc "top" có khả năng tư duy tốt nhất thế giới cũng xuất thân từ gia đình hết sức bình thường, bố mẹ không hề có nhiều kiến thức chuyên sâu. Như vậy, để dạy được một đứa trẻ có tư duy tốt, không nhất thiết bố mẹ phải là người giỏi giang hay gia đình có điều kiện. Tất cả bố mẹ đều có cơ hội để rèn luyện giúp con phát triển tốt nhất.
Theo thầy Đặng Minh Tuấn, đa số trẻ thuộc hình thái tiếp nhận thông tin qua vận động, song những trẻ này rất dễ làm cha mẹ "tăng xông", nóng vội muốn con nhanh chóng hiểu, khó chịu khi thấy 1 vấn đề rất đơn giản nhưng con mãi vẫn chưa thể tiếp thu.
"Để trẻ tập trung, không thể bắt con ngồi im 1 chỗ. Trước tiên cha mẹ cần chú ý bàn học của con cần trống trơn, nếu không con sẽ vừa ngồi và vừa nghịch những thứ xung quanh. Bố mẹ cũng cần chú ý không cho con đọc sách trên giường ngủ, nơi nghỉ ngơi, hay nơi vui chơi giải trí, mà tạo cho trẻ thói quen khi đã đọc sách sẽ ngồi vào bàn.
Khi trẻ không thể tập trung, cha mẹ cũng không nên kỳ vọng hay yêu cầu con phải ngồi quá lâu, tập trung làm gì đó. Thay vào đó, phụ huynh nên rèn bằng cách cho trẻ tập trung làm 1 việc con yêu thích trong khoảng 5 phút, sau đó chuyển sang việc khác, dần dần tăng thời gian tập trung lên 10, 15, 30 phút… Bố mẹ cũng cần lưu ý không nên bắt trẻ tập trung quá lâu vào 1 vấn đề dễ khiến con căng thẳng", thầy Đặng Minh Tuấn lưu ý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.