Ngành học dự báo tiếp tục "lên ngôi" năm 2024, ra trường nhanh chóng nhận lương hấp dẫn
Ngành học dự báo tiếp tục "lên ngôi" năm 2024, ra trường nhanh chóng nhận lương hấp dẫn
Tào Nga
Chủ nhật, ngày 07/04/2024 15:38 PM (GMT+7)
Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng đang là ngành học thu hút nhiều quan tâm của thí sinh những năm gần đây. Theo các chuyên gia, sau khoảng 5 năm làm việc và tích lũy kinh nghiệm, mức lương có thể tăng lên, thường nằm trong khoảng 20 - 30 triệu đồng/tháng.
Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng - ngành học "hot" mỗi mùa tuyển sinh
Dẫn dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Tất Thắng, Khoa Kinh tế và Đô thị, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, cho biết, đến năm 2030, ngành logistics ở nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, trong đó có khoảng 200.000 nhân lực chất lượng cao, có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp từ các đơn vị đào tạo chỉ có 2.500 sinh viên, học viên mỗi năm.
Đây là ngành học được nhiều bạn thí sinh quan tâm đăng ký xét tuyển nguyện vọng nên những năm qua luôn là một trong những ngành học "hot".
TS Trần Ngọc Mai - Khoa Kinh doanh quốc tế, Học viện Ngân hàng, cho biết thuật ngữ "logistics" đã xuất hiện từ lâu. Đây là một phần của chuỗi cung ứng, liên quan đến việc lưu trữ, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ. Logistics là khâu trung gian để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Còn quản lý chuỗi cung ứng là một bức tranh lớn, liên kết quy trình kinh doanh của các công ty, gồm sự hợp tác giữa các nhà cung cấp, đối tác, nhà sản xuất, nhà bán buôn, bán lẻ và khách hàng.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Duy Phú, Khoa Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường Đại học Đại Nam, thông tin, đến đầu năm 2023, cả nước mới có 49 trường đại học đào tạo đúng chuyên ngành logistic và số lượng sinh viên vào học chuyên ngành này chưa nhiều. Không những vậy, sinh viên lại chưa được trang bị tốt kiến thức chuyên sâu về tài chính ngân hàng, đặc biệt là những kiến thức về công nghệ thông tin. Do vậy, khi tiếp cận tới những vấn đề thiết kế và quản lý hệ thống, xử lý phát sinh về mảng tài chính ngân hàng trong quá trình ứng dụng Fintech (công nghệ tài chính), những sinh viên này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Sinh viên học gì ở ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng?
Hiện nay các trường thực hiện đào tạo sinh viên ngành logistics theo hướng chuyên môn hóa. Về kiến thức chuyên ngành, sinh viên theo học ngành logistics được đào tạo chuyên sâu kiến thức về kinh tế logistics, quản trị nhân sự, quản trị logistics, quản trị hệ thống phân phối, quản trị chuỗi cung ứng, Luật Vận tải, giao nhận vận tải, khai thác vận tải đa phương thức, kế toán trong các đơn vị kinh doanh dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức.
Về kỹ năng chuyên môn, sinh viên có thể tham gia thực hiện lập kế hoạch, tổ chức và điều hành dịch vụ vận tải đa phương thức; thực hành nghiệp vụ về giao nhận vận tải đa phương thức. Sinh viên cũng có khả năng phân tích dòng hàng, xác định nhu cầu của khách hàng, quy hoạch trung tâm phân phối và quản trị quy trình phân phối từ nơi sản xuất đến tay khách hàng.
Một số vị trí việc làm phổ biến với cử nhân ngành logistics là chuyên viên lập kế hoạch, vận hành, điều phối và quản lý chuỗi cung ứng tại các doanh nghiệp và tập đoàn sản xuất trong và ngoài nước; chuyên viên quản lý mua hàng, quản lý và điều phối vận tải, quản lý kho vận và tồn kho, phân tích dữ liệu và điều phối hệ thống phân phối tại các công ty giao nhận, logistics trong nước và quốc tế; chuyên viên tại mảng kế hoạch, khai thác thị trường, marketing, xuất nhập khẩu, dịch vụ khách hàng tại các công ty xuất nhập khẩu; chuyên viên quản lý nhà nước trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng...
Điểm chuẩn ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng
Do được quan tâm nên điểm chuẩn ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng những năm gần đây khá cao. Năm 2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lấy tới 27,4 điểm; Trường Đại học Giao thông Vận tải lấy 26,15 điểm, Trường Đại học Công nghiệp lấy 25,52 điểm...
Học logistics và quản lý chuỗi cung ứng ra trường nhận lương bao nhiêu?
Lương của ngành logistics được phân chia theo nhiều cấp bậc, có thu nhập tốt hơn mặt bằng chung. Mức lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng thường nằm trong khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Sau khoảng 5 năm làm việc và tích lũy kinh nghiệm, mức lương có thể tăng lên, thường nằm trong khoảng 20 - 30 triệu đồng; mức lương trên có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như kỹ năng, kinh nghiệm, hiệu suất làm việc. Vị trí cấp cao có thể có mức lương lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.