Liên quan đến vấn đề thiếu nước sinh hoạt đã và đang diễn ra trong mùa khô 2023-2024 này, theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, ngay trong mùa khô 2019-2020, tức cách nay 4 năm, tỉnh Tiền Giang và Long An đề xuất làm dự án dẫn nguồn nước thô từ thượng nguồn sông Tiền về thay thế cho các nguồn nước bị nhiễm mặn tại các nhà máy nước tại hạ nguồn. Sau khi biết đề xuất trên, tỉnh Bến Tre sau đó cũng muốn tham gia.
Do vậy, sau các báo cáo được thông qua tại Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NNPTNT, 3 tỉnh đã đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện dự án với tên gọi "Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải".
Dự án có công suất giai đoạn 1 là 300.000m3/ngày đêm và giai đoạn 2 nâng lên 500.000m3/ngày đêm, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 1.099 tỉ đồng.
Năm 2021, giải pháp dẫn nước thô nói trên đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, dự án dẫn nước thô từ thượng nguồn sông Tiền để cấp cho 3 tỉnh giáp biển là Tiền Giang, Long An, Bến Tre vẫn chưa được triển khai thi công. Do đó, tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt đã diễn ra trong mùa khô cực đoan năm 2024.
Qua tìm hiểu từ Công ty DNP Water - đơn vị thực hiện dự án thì được biết, dự án đã được cấp chủ trương đầu tư. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành công tác khảo sát, thiết kế và chuẩn bị trình Bộ Xây dựng thẩm định.
Giá bán nước thô của dự án đề xuất khởi điểm chỉ từ 3.000 đồng/m3. Theo đó, các địa phương sẽ có nguồn nước an toàn quanh năm, tiết kiệm rất nhiều chi phí.
Tuy nhiên, khi đến giai đoạn ký hợp đồng với các đơn vị cấp nước thì gặp vướng mắc liên quan đến các quy định pháp lý về phương pháp tính giá nước thô, bởi toàn bộ quy định pháp lý hiện hành liên quan đều là cho nước sạch.
Ông Lều Mạnh Huy - Phó Tổng giám đốc Công ty DNP Water nói: "Dự án dẫn nước thô từ thượng nguồn sông Tiền về thay thế cho các nguồn nước bị nhiễm mặn tại các nhà máy nước tại hạ nguồn là giải pháp được các tỉnh đánh giá cao".
Thế nhưng, do vướng mắc liên quan đến các quy định pháp lý về phương pháp tính giá nước thô nên chưa thể thi công được. Để giải quyết, tháo gỡ vấn đề này, dự án rất cần sự đồng hành, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc kiến nghị lên các bộ ngành và thậm chí là lên Thủ tướng Chính phủ. Để từ đó, dự án quy mô vùng liên tỉnh, mang nhiều ý nghĩa xã hội sớm được triển khai nhanh và khả thi.
"Trong lúc lập dự án, tức là ngay thời điểm hạn mặn năm 2019-2020, chúng tôi có nghiên cứu các số liệu riêng vấn đề cấp nước sinh hoạt bao gồm trở nước bằng sà san, người dân đi mua nước của tỉnh Bến Tre. Với giá từ 150.000-200.000 đồng/m3 thì tổng thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong khi kết nối với dự án mua nước quanh năm thì chỉ mất nửa chi phí" - ông Huy nói thêm.
Phó Tổng giám đốc Công ty DNP Water còn cho biết, phía công ty cũng đã đề xuất tới UBND 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng để làm dự án dẫn nước từ hệ thống cống thủy lợi Cái Lớn về cung cấp cho các địa phương, nhưng dự án chưa được hiện thực hóa.
Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện nay ở ĐBSCL, nguồn nước ngầm không phải là của để dành, không thể phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân mỗi khi mùa khô đến. Bởi ở Cà Mau, nếu khoan xuống 280m nguồn nước ngầm đã ô nhiễm, ở Long An, Bến Tre khoan xuống từ 400-480m mới có nước.
Không những nguồn nước ngầm đang rất hạn chế mà theo ông Tuấn, việc lấy nước ngầm cũng có tác hại mà ai cũng biết, đó là đất lún. Bằng chứng là có một số tài liệu mà ông tiếp cận được từ rất lâu cho thấy, một số địa phương bị sụt lún.
Vậy phải tính đến việc lấy nguồn nước mặt. Trước đây, có chủ trương xây một số nhà máy nước cấp sạch cho vùng ĐBSCL. Chủ trương này chưa phù hợp nên sau đó được điều chỉnh, bởi việc xây nhà máy nước sạch cấp cho cả vùng có chi phí đầu tư rất lớn, lại không kế thừa được nhà máy nước hiện có tại các địa phương.
Trong khi đó, các nhà máy nước hiện có ở các địa phương chỉ thiếu nguồn nước không bị nhiễm mặn trong mùa khô để xử lý, cung cấp cho người dân.
Vì vậy, câu chuyện cấp nguồn nước thô không bị nhiễm mặn từ sông Tiền cho các nhà máy ở các địa phương đã được nghĩ đến. Với cách làm này, cơ sở vật chất của các nhà máy các tỉnh có thể tiếp tục vận hành.
Ông Tuấn cho rằng, nếu thực hiện theo phương án trên, cần kết hợp với việc cung cấp nước phục vụ cho nông nghiệp, tại các địa phương có nguy cơ thiếu nước tưới trầm trọng trong mùa khô. Nguyên nhân là cây ăn trái, như sầu riêng chỉ cần mặn 1g/l là chết. Đây cũng là lý do, từng xảy ra trường hợp, có vùng người dân mua nước từ 70.000-80.000 đồng/m3 để tưới cho cây.
Theo ông Tuấn, thời gian qua, đã có Quyết định 287/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Luật mới điều chỉnh năm 2023 cũng ưu tiên nước sinh hoạt và phát triển nông nghiệp cho người dân.
Với tất cả vấn đề trên, có thể thấy giải pháp đã có nhưng sao vẫn thiếu nước xảy ra trong mùa khô, điều đó là phụ thuộc vào trách nhiệm của chính quyền các địa phương cũng như các đơn vị có liên quan. Đây là vấn đề an sinh xã hội rất lớn cho cả ĐBSCL nên xem xét tổ chức thực hiện, phải chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt hơn khi các nước thượng nguồn chặn dòng, gây mất mùa lũ, văn hóa sông nước của ĐBSCL thay đổi dần.
Ông Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL, năm 2024, ĐBSCL lại trải qua một mùa khô với thời tiết El Nino nắng nóng. Tình trạng El Nino này đã được công bố từ tháng 6/2023 và dự kiến kéo dài hết mùa khô này. Tuy nhiên, theo dự báo cập nhật thì El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang tình trạng trung tính vào từ tháng 5 đến tháng 6 tới và có thể chuyển sang La Nina mưa nhiều sau đó.