Mùa khô bất ổn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Cứ 4 năm lại xuất hiện một đợt hạn mặn cực đoan (Bài 4)

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 17/04/2024 08:06 AM (GMT+7)
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), gần như theo chu kỳ từ năm 2016, rồi 2020 và nay là 2024, cứ 4 năm 1 lần sẽ có đợt hạn hán, xâm nhập mặn cao hơn trung bình nhiều năm.
Bình luận 0

Con đường thích ứng tốt nhất là làm đúng quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL

Liên quan đến vấn đề mặn thọc sâu vào đất liền ở một số địa phương, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL cho hay, dù không gay gắt nhưng mùa khô năm 2016 và mùa khô năm 2020, nước sông Mekong không quá cạn kiệt nhưng trên các nhánh sông Cửu Long vẫn có hiện tượng mặn thọc sâu vào đất liền.

Mùa khô bất ổn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Cứ 4 năm lại xuất hiện một đợt hạn mặn cực đoan (Bài 4)- Ảnh 1.

Dù không gay gắt nhưng mùa khô năm 2016 và mùa khô năm 2020, nước sông Mekong không quá cạn kiệt nhưng trên các nhánh sông Cửu Long vẫn có hiện tượng mặn thọc sâu vào đất liền. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo ông Thiện, vấn đề trên có thể giải thích do 2 yếu tố. Một là do thủy triều mùa khô này dâng cao hơn trung bình nhiều năm, lực biển mạnh nên đẩy nước mặn vào đất liền. Hai là do thủy triều vào ĐBSCL không còn không gian lan tỏa vì các công trình ngăn mặn (đê cống) đã đóng chặt. Nước thủy triều chỉ chảy được trong lòng các sông nhánh sông Cửu Long, không lan tỏa được nên thọc sâu.

"Từ đó có thể thấy, việc cố thủ ngăn mặn triệt để vùng ven biển sẽ đẩy vấn đề mặn vào sâu trong đất liền hơn theo các ngả sông chính" - ông Thiện nhận định.

Riêng về sụt lún ở tỉnh Cà Mau, ông Thiện cho hay, không chỉ năm nay, việc sụt lún đất nghiêm trọng bên trong các vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau (nhiều nhất ở huyện Trần Văn Thời) đã xảy ra vào mùa khô 2020.

Nguyên nhân của hiện tượng sụt lún đất này khá đơn giản. Trước đây các vùng này có hai mùa mặn và ngọt. Mùa mưa thì ngọt nhờ nước mưa, đến mùa khô khi nước mưa bốc hơi hết thì còn lại nước mặn từ biển vào.

Sau khi các vùng này được bao đê trữ nước mưa để ngọt hóa quanh năm thì nước mặn không còn vào được nữa. Trong những năm El Nino khô hạn cực đoan thì lượng nước mưa từ mùa mưa trước đã bị cạn kiệt ngay đầu mùa khô năm sau nên kênh mương nội đồng bị cạn, có khi đáy kênh cũng nứt đất làm cho đất bị co ngót dẫn đến sụt lún.

"Ở những nơi đắp đất làm đường giao thông ven kênh thì sụt lún càng mạnh hơn, làm hư hại đường sá" - ông Thiện nhấn mạnh.

Mùa khô bất ổn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Cứ 4 năm lại xuất hiện một đợt hạn mặn cực đoan (Bài 4)- Ảnh 2.

Sụt lún đường giao thông tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: C.M

Ông Thiện nêu rõ, hiện tượng sụt lún vùng ngọt hóa nói trên là sụt lún cục bộ, không liên quan đến tình hình sụt lún chung của toàn ĐBSCL (do khai thác nước ngầm tầng sâu gây nên).

Để không cần phải bị ám ảnh bởi hạn mặn mỗi khi mùa khô đến, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL cho rằng, con đường thích ứng tốt nhất là làm đúng theo quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/2/2022.

Theo quy hoạch tích hợp, ĐBSCL chia thành 3 vùng. Vùng lõi ngọt ở phía thượng lưu là vùng luôn luôn có nước ngọt kể cả những năm cực đoan nên ưu tiên cho cây lúa, cây trái, thủy sản nước ngọt. Tiếp đến là vùng lợ với chế độ nước luân phiên, nước ngọt vào mùa mưa có thể trồng lúa, nước mặn-lợ vào mùa khô. Đối với vùng này cần chuyển đổi hệ thống canh tác sang thích ứng với nước lợ-mặn vào mùa khô để nước mặn-lợ là cơ hội chứ không phải là mối ám ảnh mỗi mùa khô nữa. Còn vùng sát ven biển là vùng mặn quanh năm thì phát triển hệ thống canh tác thích ứng với chế độ mặn quanh năm.

"Nếu thực hiện đúng phân vùng theo Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL thì chúng ta không cần phải "oằn mình chống mặn" mỗi khi mùa khô đến mà còn có thể tận dụng được cơ hội kinh tế trong nước mặn. Thay vì tiếp tục cố thủ, "chiến đấu" với hạn mặn bằng công trình ở vùng ven biển để dịch chuyển vấn đề hạn mặn vào sâu hơn trong đất liền như đã nói ở trên và làm các vùng ngọt hóa sẽ ngày càng mong manh hơn" - ông Thiện nói thêm.

4 năm 1 lần sẽ có đợt hạn mặn cực đoan trong mùa khô

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - cố vấn khoa học Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), gần như theo chu kỳ từ năm 2016, rồi 2020 và nay là 2024, cứ 4 năm một lần sẽ có đợt hạn hán, xâm nhập mặn cao hơn trung bình nhiều năm. Ngoài việc thiếu nước ngọt ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, thì vấn đề sụt lún rất đáng quan tâm.

Mùa khô bất ổn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Cứ 4 năm lại xuất hiện một đợt hạn mặn cực đoan (Bài 4)- Ảnh 3.

Sạt lún gây thiệt hại nhà dân ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Huỳnh Xây

Ông Tuấn cho biết, ở ĐBSCL, hầu hết đường giao thông được hình thành bên cạnh việc đào các con kênh, mương lấy đất đắp lên. Đất ở đây, về mặt cơ học phải có một độ ẩm nhất định, khi độ ẩm quá lớn sẽ gây nhão, khi độ ẩm quá ít lại gây co ngót dẫn tới sụt lún, sạt lở.

Một số công trình ngăn mặn đưa nước ngọt vào, nhưng ở một số thời điểm khí hậu cực đoan như trong mùa khô năm nay, vấn đề sụt lún đã xảy ra, đặc biệt là ở Cà Mau. Điển hình như ở huyện Trần Văn Thời, có nơi sụt lún tới 2m, dù địa phương áp dụng một số giải pháp như hạn chế xe tải nặng qua các tuyến đường có nguy cơ sụt lún cao, tuy vậy ngay cả ban đêm không có xe chạy vẫn dẫn tới sụt lún, sạt lở cục bộ.

"Tôi đã có những chuyến đi về vùng sụt lút và nhận thấy, với các công trình ngăn được mặn, phần cấp nước ngọt bổ sung lại không có, nên đất co ngót, phản áp suất không còn, dễ dàng chịu tác động và sụt lún. Đôi khi chúng ta mong muốn ngăn mặn, giữ được ngọt, nhưng đôi khi lại dẫn tới hệ quả khác và tác hại không nhỏ, đất đã sụt lún thì không còn cách gì có thể nâng lên được. Đấy là thiệt hại chưa tính tới được" - ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn cho rằng, rất nhiều năm qua, người dân ven biển của ĐBSCL đã sống chung với hạn, họ sẽ phải tìm giải pháp để giảm thiệt hại. Có nhiều người dân tự đầu tư trang bị máy đo mặn, sau đó thông báo trong cộng đồng với nhau. Ở các vùng ngọt, chưa cần tới dự báo của cơ quan chức năng, họ đã tự dự báo và chuẩn bị ứng phó, như xuống giống sớm hơn để tránh hạn, mặn. Mặc dù chỉ đạo của cấp chính quyền là xuống giống trước cuối tháng 12/2023, nhưng có nhiều vùng giữa tháng 11/2023 đã xuống giống rồi.

Người dân cũng biết cách chuyển đổi sản xuất, thay vì làm lúa 2 vụ, người dân luân canh lúa - tôm để thích nghi. Người dân cũng biết trữ nước trong điều kiện của họ, hình ảnh lu chứa nước luôn có nên giảm nhiều áp lực cho cấp nước sinh hoạt.

Tuy nhiên, do diễn biến của hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng phức tạp hơn, cần phải tăng cường dự báo và cảnh báo sớm, thông tin cho người dân. Song song đó là có giải pháp tạo sinh kế cho mới cho người dân, lúc đó có thể coi hạn, mặn không phải là vấn đề gì nghiêm trọng.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem