Áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm
Nhận thấy mùa khô nhiều năm trở lại thời tiết biến đổi không thuận lợi cho nhà nông, đầu năm 2021, anh Hà Mộng Thường ở buôn Wik (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) đầu tư 40 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương.
Nhờ vậy, vào thời điểm khô hạn vừa qua vẫn đủ nước tưới cho 500 cây sầu riêng và 100 trụ hồ tiêu của gia đình, giúp chúng phát triển tốt.
Hệ thống tưới tiết kiệm nước theo hình thức phun mưa của gia đình anh Hà Mộng Thường ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Thư Anh.
Với mô hình này, hệ thống đường ống tưới được bố trí cách gốc cây từ 50-70 cm, mỗi gốc được gắn một béc phun nước. Vào mùa khô, anh Thường bật hệ thống tưới 2 lần/tuần, mỗi lần 2 giờ vào buổi sáng và chiều.
Anh Thường chia sẻ: "Tưới nước tiết kiệm giúp giữ độ ẩm đất, không gây úng cục bộ như tưới tràn, giúp bộ rễ cây phát triển khỏe. Thêm vào đó, phân bón được hòa với nước theo liều lượng định sẵn, đưa vào hệ thống đường ống tưới, phân phối đều tới các cây, hạn chế bốc hơi, tăng hiệu quả sử dụng.
Nhờ đó, tiết kiệm 50% lượng nước, điện năng tiêu thụ và công lao động so với trước đây. Ngoài ra, có thể điều chỉnh vùng tưới, lượng nước, thời gian tưới theo từng thời điểm sinh trưởng và phát triển của cây".
Nếu bảo quản tốt, hệ thống thiết bị có thể sử dụng từ 7-10 năm. Sau hơn 3 năm áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm, hiện vườn cây của anh Thường phát triển xanh tốt, niên vụ vừa qua cho thu hơn 5 tấn sầu riêng và 7 tạ hồ tiêu.
Đào hồ nổi trữ nước để tưới cho cây trồng vào mùa khô hạn là giải pháp được nhiều nông dân Đắk Lắk áp dụng nhằm ổn định sản xuất. Ảnh: Thư Anh.
Mặc dù đang là đỉnh điểm của hạn hán ở Tây Nguyên nhưng hàng trăm hộ nông dân huyện Ea H'leo, Đắk Lắk có thể an tâm sản xuất trong mùa khô hạn bằng việc áp dụng mô hình "Hồ nổi trữ nước".
Tranh thủ mùa mưa lượng nước dồi dào, bà con xây dựng các bể chứa nước bằng bê tông hoặc đào hồ lót bạt đắp bờ bao xung quanh nhằm tích nước để dành tưới cho cây trồng vào mùa khô.
Đơn cử như gia đình ông Hoong Trần Sáng ở thôn 6 (xã Ea Nam, huyện Ea H'leo, Đắk Lắk) có 3 ha cà phê xen canh bơ booth và sầu riêng. Địa hình canh tác đồi dốc khiến việc bơm nước tưới cho cây trồng gặp nhiều khó khăn, nhất là vào các đợt tưới cuối do thiếu nước.
Từ năm 2013, ông Sáng mạnh dạn đầu tư gần 80 triệu đồng đào giếng khoan sâu 26m và xây bể chứa bằng bê tông rộng 15m, dài 20m, sâu 3,5m, có thể tích hơn 1.000 m3 nước.
Với lượng nước dự trữ được bơm từ giếng lên bể vào mùa mưa, nhiều năm nay gia đình ông Sáng đã yên tâm chủ động được nguồn nước tưới cho vườn cây vào mùa khô.
Người dân Đắk Lắk ngày một chủ động hơn, trong đó có việc đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động tiết kiệm, trước những diễn biến của thời tiết khô hạn. Ảnh: Thư Anh.
Còn anh Y Pôl Niê ở tổ dân phố 5 (thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho 1ha cà phê và sầu riêng đã 4 năm nay.
Anh Y Pôl cho biết, trước đây để tưới 1ha cà phê, gia đình phải mất 2-3 ngày với 3 nhân công lao động. Còn với hệ thống tưới nước tiết kiệm, anh chỉ cần bật công tắc điện, thực hiện thao tác chỉnh các van mở nước là tưới được cho cả vườn cây.
Nước tưới được bơm đều đến từng gốc, trung bình từ 30-50 lít nước/giờ. Sau 1 giờ tưới thì độ ngấm nước toàn vườn đạt sâu trên 30cm, giúp đưa nước và chất dinh dưỡng trực tiếp đến vùng rễ cây.
Anh Y Pôl tính toán, chi phí đầu tư theo phương pháp tưới nhỏ giọt Israel mà anh đang sử dụng khá cao, song bù lại giúp tiết kiệm 90% công lao động, trên 50% chi phí điện, nước và rất phù hợp với điều kiện thời tiết, nguồn nước trong mùa khô của Tây Nguyên.
Để tiết kiệm nước và nhân công, ông Nguyễn Minh Tâm (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) sử dụng hệ thống béc tưới tự động; nước phun từ trên cao xuống, tỏa đều trên bề mặt lá, thân cây giúp giữ ẩm tốt hơn và rửa trôi nhiều mầm bệnh. Ảnh: Thư Anh
Những năm trở lại đây, nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã áp dụng quy trình tưới tiết kiệm nước theo phương pháp nhỏ giọt, phun sương, phun cục bộ, đào ao hồ trữ nước… cho diện tích vườn cây.
Thực tế cho thấy việc ứng dụng tưới nước tiết kiệm vào sản xuất có nhiều ưu điểm như: Tiết kiệm tối đa lượng nước, giảm nhân công lao động, tăng năng suất cây trồng...
\Đặc biệt mang lại hiệu quả trong công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, biến đổi khí hậu, góp phần giảm mức độ thiệt hại sản xuất.
Tuy nhiên, so với diện tích canh tác của tỉnh thì số hộ áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm vẫn còn khiêm tốn, bởi chi phí đầu tư một hệ thống tưới tiên tiến tự động khá cao (khoảng trên 30 triệu đồng/ha) nên nhiều nông hộ chưa đủ điều kiện đưa công nghệ này vào sản xuất.
Do đó, rất cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ phù hợp để bà con có thể dễ dàng tiếp cận và áp dụng rộng rãi mô hình này.
Dự báo hạn hán kéo dài
Theo dự báo của cơ quan chức năng, nhiệt độ trung bình trong mùa khô 2023–2024 ở khu vực Tây Nguyên phổ biến xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Vụ Đông Xuân 2023-2024, toàn tỉnh Đắk Lắk gieo trồng 65.584 ha cây trồng ngắn ngày các loại. Ngoài ra, còn có hơn 358.000 ha diện tích cây lâu năm nên nhu cầu nước tưới là rất lớn.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 858 công trình thủy lợi, gồm 619 hồ chứa, 161 đập dâng, 78 trạm bơm phục vụ nước tưới cho hơn 262.000 ha cây trồng, trong đó diện tích tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi là gần 152.000 ha, diện tích còn lại khai thác nguồn nước mặt sông, suối, ao hồ và nước ngầm để tưới...
Tuy nhiên, hiện mực nước ở các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh phổ biến ở mức thấp hơn mực nước dâng bình thường, các sông, suối nhỏ bắt đầu khô kiệt.
Qua thống kê của cơ quan chức năng, đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có gần 5.000 cây trồng bị thiệt hại; gần 10.000 ha cây trồng thiếu nước tưới đang áp dụng các biện pháp chống hạn. Thời gian tới, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, diện tích cây trồng bị thiệt hại sẽ tiếp tục tăng cao.
Dự báo mùa khô năm nay sẽ còn tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Các giải pháp, từ phương thức, kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cây trồng, cho đến các biện pháp chống hạn đang được ngành nông nghiệp, các đơn vị quản lý các hồ đập, công trình thủy lợi và các địa phương trong tỉnh Đắk Lắk cùng người dân nỗ lực ứng phó để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.
Trong khi nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt thì giải pháp tưới bằng các công trình thủy lợi, đặc biệt là hồ chứa là giải pháp ổn định bền vững cho sản xuất nông nghiệp trong mùa khô.
Duy tu bảo dưỡng, nâng cấp để hệ thống các công trình phát huy vai trò điều tiết nước, tăng cường quản lý tốt nguồn tài nguyên nước vốn ngày càng trở nên khan hiếm là đòi hỏi thường xuyên mà mỗi địa phương, cơ quan chức năng và người dân có liên quan cần ưu tiên.