Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hoàng hậu Nam Phương là hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn và là vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Bà có đủ những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, được nhân dân ca ngợi là một trong những đóa hoa thơm của vùng đất phương Nam.
Hoàng hậu Nam Phương là con của đại thần Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bính. Sống trong gia đình theo đạo Thiên Chúa, có quốc tịch Pháp, nên bà còn có tên thánh là Marie Thérèse.
Năm 1926, bà sang Pháp du học tại Trường dòng nữ Couvent des Oiseaux danh tiếng của Paris. Tại trường, ngoài việc học tập, bà còn chơi thể thao, âm nhạc. Năm 1932 bà đậu tú tài. 3 năm liền bà đoạt giải Hoa hậu Đông Dương - một thành tích đáng nể. Sau khi tốt nghiệp, bà đáp tàu về nước.
Vẻ đẹp sắc nước hương trời cùng với cách cư xử hiện đại, mang một chút văn hóa Pháp Âu, bà đã chinh phục Vua Bảo Đại ngay lần gặp gỡ đầu tiên tại buổi tiệc chiêu đãi ở khách sạn Palace năm 1934.
Chuyện kể rằng, hơn một năm sau khi về nước, với sự bố trí của Toàn quyền Pháp Pasquier và Đốc lý Đà Lạt, bà gặp Vua Bảo Đại tại Đà Lạt. Sau này, Vua Bảo Đại đã nhớ lại: Lan có một vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê...
Hôn lễ giữa ông vua xứ An Nam và Hoa hậu Đông Dương đã được tổ chức ngày 20-3-1934, là sự kiện chấn động triều đình phong kiến nhà Nguyễn lúc bấy giờ, bởi theo truyền thống thì hoàng hậu do Tôn nhân phủ, Hoàng Thái hậu chọn vợ cho vua, người vợ đó phải hội tụ đủ tất cả những đức tính truyền thống của phụ nữ Việt, hiểu nghi lễ triều đình, xuất thân đài các và danh giá.
Thế nhưng, Vua Bảo Đại đã vượt qua tất cả những lễ nghi phong kiến ràng buộc, lấy bà bởi sức hấp dẫn từ người con gái này và ưu ái thực hiện tất cả những yêu cầu mà bà đưa ra, như tấn phong làm Hoàng hậu ngay trong ngày cưới; cho bà được phép giữ nguyên tôn giáo của mình, thậm chí xin phép tòa thánh La Mã rồi mới làm lễ cưới… Ngoài ra, bà còn được Vua Bảo Đại cho bà được dùng màu vàng là màu chỉ dành riêng cho vua.
Ngoài việc dạy dỗ con cái, lo việc gia đình trong điện Kiến Trung, Hoàng hậu Nam Phương còn phải cùng với bộ Lễ lo lễ tiết, cúng kỵ trong cung, thăm hỏi sức khỏe của các bà Tiên Cung, Thánh Cung (bà nội của Vua Bảo Đại) và bà Từ Cung (thân mẫu Vua Bảo Đại). Bà là hình ảnh mẫu mực của một “nàng dâu” thời bấy giờ.
Trong quan hệ với chồng, bà chăm lo cho Vua Bảo Đại chu đáo, cùng lo lắng, góp ý cho chồng trong những việc quốc gia đại sự. Khi Vua Bảo Đại còn tại vị, với sự thông minh, khéo léo trong ứng xử, Hoàng hậu Nam Phương cùng chồng làm ngoại giao.
Năm 1942, Quốc vương Sihaonuk của Camphuchia thăm Huế, được bà tiếp đón rất trọng thể, nên có ấn tượng rất tốt về bà. Đó cũng là lý do vì sao sau đó quốc vương xứ Chùa Tháp thiết tha mời vợ chồng bà sang nước mình.
Triều đình nhà Nguyễn bị sự chi phối mạnh mẽ của người Pháp. Biết vậy, nên mỗi khi Vua Bảo Đại sắp bị thực dân Pháp bắt ép ký những văn bản có hại cho đất nước, Hoàng hậu Nam Phương lại khuyên chồng đi nghỉ mát ở Đà Lạt hay đi săn bắn ở nơi khác để khỏi phải ký những văn bản đó.
Cung Nam Phương Hoàng Hậu - dinh thự này do điền chủ ở Gò Công Nguyễn Hữu Hào xây vào năm 1932, khi ông đến Cầu Đất (xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm ) tậu đất lập đồn điền cà phê. Ban đầu dinh thự mang tên Nguyễn Hữu Hào, sau đó ông tặng cho con gái là Nam Phương, nên được gọi là cung Nam Phương Hoàng Hậu. Trải qua thăng trầm lịch sử, tòa dinh thự đã được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, song vẫn giữ nguyên dáng vẻ ban đầu với nhiều hiện vật gốc. Cung Nam Phương Hoàng Hậu được giao cho Bảo tàng Lâm Đồng vào năm 1999. Sau này, các cán bộ bảo tàng đã nghiên cứu tài liệu và biến ngôi biệt thự thành một khu triển lãm sinh động về cuộc sống hằng ngày của gia đình hoàng tộc cuối cùng và đưa vào phục vụ tham quan từ cuối năm 2011. Cung Nam Phương Hoàng Hậu là một trong những điểm thu hút du khách gần xa khi đến tham quan TP. Đà Lạt mộng mơ. |
Trong cuộc sống với Vua Bảo Đại, bà có cùng vua 5 người con: Thái tử Bảo Long, Công chúa Phương Mai, Công chúa Phương Liên, Công chúa Phương Dung, Hoàng tử Bảo Thắng. Bà đã làm tròn trách nhiệm người mẹ, trực tiếp chăm lo dạy dỗ các con nên người.
Năm 1947, Hoàng hậu Nam Phương cùng con gái sang Pháp định cư tại làng Perche ở Chabrignac, tỉnh Concrèze (Pháp). Dù sống trong cảnh giàu có, sở hữu nhiều tài sản, nhưng bà sống rất giản dị, mất do bị bệnh vào ngày 14-9-1963. Ngôi mộ đơn sơ đặt tại nghĩa trang nhà thờ Chabrignac, kết thúc một câu chuyện đẹp về người đàn bà tài sắc, đức hạnh, mẫu mực của chế độ phong kiến Việt Nam.
Sau khi Vua Bảo Đại thoái vị ngày 30-8-1945, dù không còn là mẫu nghi thiên hạ, nhưng tấm lòng của một người dân đối với nước, chứng kiến cảnh chiến tranh do thực dân Pháp gây ra lần thứ 2 ở Việt Nam (1945 - 1954), bà đã thể hiện trách nhiệm của một công dân yêu nước bằng cách gửi một bức thông điệp cho bạn bè ở châu Âu và trên thế giới kêu gọi họ tố cáo tội ác của thực dân Pháp với lời lẽ vô cùng thiết tha.
Thông điệp đó được Nhà sử học Pháp Jean Renaud ghi lại trong một cuốn sách do Nhà Xuất bản Guy Boussac ấn hành tại Pháp năm 1949.
Bà viết: “Kể từ tháng 3-1945 nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp. Nhưng vì lòng tham của thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành động này của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại là một thành viên.
Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi. Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính”.
Trong Tuần lễ vàng, nhằm khắc phục tình trạng trống rỗng ngân sách, được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đứng đầu là Hồ Chủ tịch phát động, cựu Hoàng hậu Nam Phương có công rất lớn đối với Tuần lễ vàng ở Huế.
Khi Tuần lễ vàng được khai mạc ở Huế, bà đến dự, thay vì ăn mặc giản dị như từ hồi chồng thoái vị, bà đã gây ngạc nhiên khi mặc trang trọng, đội khăn vàng, đeo kiềng vàng trên cổ, tai đeo bông vàng, trên cổ tay đeo 2 đôi xuyến vàng, 10 đầu ngón tay có 10 chiếc nhẫn. Sau lễ khai mạc, được mời lên ủng hộ đầu tiên, bà đứng trước chiếc bàn, từ từ cởi toàn bộ đồ trang sức trên người để quyên góp.
Sau đó bà nhận lời làm chủ tọa Tuần lễ vàng ở Huế, kêu gọi quyên góp được 925 lượng vàng. Bà còn kêu gọi quyên góp quần áo, chăn, màn cho những người lao động nghèo đang thiếu mặc trong mùa đông giá rét.
Biết bà đã quyên góp hết nữ trang ủng hộ Tuần lễ vàng, Hồ Chủ tịch đã gửi tặng 10.000 đồng để gia đình ăn tết, nhưng bà đã trao hết số tiền đó cho các bà xơ để tổ chức tết cho trẻ mồ côi. Sinh thời, bà rất kính trọng Bác Hồ như bất kỳ người dân yêu nước Việt Nam nào. Mỗi khi nhắc đến Bác, bà đều dùng 2 chữ trân trọng: Cụ Hồ hoặc Hồ Chủ tịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.