Thú vị nghề huấn luyện chó. Clip: Trung Hiếu
Ghé thăm một trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ tại Gia Lâm, Hà Nội, vào một ngày giữa tháng 4, phóng viên Dân Việt có dịp chứng kiến quá trình huấn luyện của những cặp “thầy - trò” đặc biệt. Trên sân, các loài chó thuộc nhiều giống khác nhau với đầy đủ kích thước đang trực chờ để được "khởi động" bằng những động tác cơ bản như chạy, chào, ngồi, nằm… Người huấn luyện giới thiệu vanh vách tên của từng chú chó trước khi miệt mài hướng dẫn từng động tác cho các “học viên”.
“Mini, Mini, hai chân…", khi anh Nguyễn Quân Sự (48 tuổi, huấn luyện viên tại trung tâm) vừa dứt hiệu lệnh, chú chó thuộc giống Corgi với bộ lông trắng, đôi tai vàng chủ động dùng 2 chân sau để di chuyển. Thấy sự bất ngờ của phóng viên, anh Sự niềm nở giới thiệu: “Bạn Mini này gần hoàn thành khóa học rồi nên giờ đã răm rắp tuân theo khẩu lệnh. Một khóa huấn luyện của chúng tôi ở đây gồm 3 tháng, kỹ thuật cơ bản gồm có đi cạnh, đứng, nằm, ngồi, bò, chào, sủa, yên, gọi lại, về chỗ, bảo vệ chủ, canh gác đồ vật và tấn công theo lệnh chủ”.
Theo anh Sự, khi hoàn thành khóa huấn luyện, các chú chó sẽ được cấp “chứng chỉ tốt nghiệp” để “ra trường”. “Trung tâm chúng tôi thường huấn luyện hai loại chó. Thứ nhất là chó chiến đấu, thứ hai là dòng chó cảnh. Chó cảnh thì gồm 2 loại: to (như Husky, Alaska…) và nhỏ (như Poodle, Phốc sóc, Phốc hươu…). Dòng chó chiến đấu thì thường có 4 giống là Becgie, Malinois, Rottweiler, Doberman. Chi phí huấn luyện cho chó trong vòng 3 tháng dao động từ 9 đến 12 triệu đồng”.
Anh Sự tiết lộ, mức thu nhập trung bình của mỗi huấn luyện viên trong một tháng ở mức trên dưới 10 triệu đồng. Gắn bó với công việc huấn luyện chó nghiệp vụ được 10 năm, người đàn ông 48 tuổi tâm sự: “Để làm tốt công việc này, mỗi huấn luyện cần phải đáp ứng ba yếu tố. Đầu tiên là phải yêu quý chó, thứ hai là phải kiên trì và thứ ba, không thể thiếu sự chịu khó”.
Tranh thủ ngày nghỉ tới thăm thú cưng đang được huấn luyện tại trung tâm, anh Trần Tiến Dũng (Cầu Giấy, Hà Nội) lại “tay xách nách mang” đồ ăn thức uống cho vật nuôi của mình “tẩm bổ”. Anh nói: “Trước đây khi mới nuôi thì bạn ấy hơi "tự nhiên", tức là bạn ấy đi vệ sinh không đúng chỗ, ăn không đúng giờ khiến mình khá mệt mỏi. Do đó, mình đã quyết định tìm trung tâm huấn luyện để bạn ấy thực hiện được các khẩu lệnh đơn giản. Thông thường, cứ khoảng hai tuần, mình lại đến thăm bạn một lần”.
Vừa vuốt ve, chơi đùa với vật nuôi lâu ngày không gặp, anh Dũng vừa bộc bạch: “Tất nhiên là khi xa một người “bạn” thì ai cũng nhớ rồi, bây giờ sắp được đón bạn cún ấy về nhà rồi nên là mình rất là vui. Những buổi huấn luyện cuối cùng của bạn cún nhà mình thì mình đều phải đến để học cách huấn luyện bằng các khẩu lệnh giúp bạn cún có thể làm quen, bạn ấy đi học thì mình cũng phải đi học”.
Trao đổi với anh Vũ Đình Nam (48 tuổi), một huấn luyện viên chó nghiệp vụ dân sự tại gia ngay khi anh vừa trở về nhà sau một ngày làm việc dài, anh cho biết: “Một ngày mình huấn luyện cho 10 bạn cún là chuyện bình thường. Một khóa huấn luyện chó của mình thường kéo dài từ 4 tháng đến 6 tháng. Nếu trong một tháng mình huấn luyện được từ 7 - 8 con chó thì sẽ có thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng”.
Anh Nam chia sẻ, do phải tới tận nhà của khách để huấn luyện chó nên anh thường xuyên phải “đi sớm, về muộn”. “Mình thường ra khỏi nhà từ 5 giờ sáng đến 21 giờ tối mới về nhà. Vất vả mà tại vì phải “chạy tua” hết nhà này đến nhà kia. Chuyện về ăn ngủ giữa ngày là không bao giờ có, nếu mà nghỉ trưa là phải ở quán cà phê”.
Hiện tại, anh Nam đang làm việc tại TP.HCM. Người đàn ông 48 tuổi nhấn mạnh: "Trước đây mình cũng làm tại trung tâm, tuy nhiên mình đã tách ra làm riêng khoảng 10 năm trở lại đây. Theo mình thì việc huấn luyện chó tại nhà sẽ khiến chủ nhân người ta yên tâm hơn. Ngoài ra, sau khi mình huấn luyện một con chó ở nhà thì mình có thể đưa bạn ấy đi "giao lưu" với xã hội, điều đó sẽ tốt cho bạn ấy hơn so với việc bị nhốt trong một khu/chuồng, cứ học xong lại nhốt vào...".
Sở hữu 24 năm kinh nghiệm trong việc huấn luyện chó nghiệp vụ dân sự, anh Nam cho hay: “Bài tập nguy hiểm nhất khi huấn luyện chó là bài tấn công tội phạm, nếu mà mình chủ quan thì sẽ có rất nhiều rủi ro, không cẩn thận một chút thôi thì sẽ bị chó cắn ngay lập tức. Chó dân sự thì có nhiều con rất là dữ và có phần “bất trị”, người ta không làm cách nào bảo được nó thì mới gọi mình tới huấn luyện. Tính mình cẩn thận và cũng khá “nhát” nên may mắn chưa xảy ra tai nạn nghề nghiệp chứ nhiều anh em cùng nghề họ chia sẻ việc bị chó cắn đầy lưng, đầy tay diễn ra như cơm bữa”.
"Lúc mà có nhiều khách thì thu nhập của mình sẽ cao, còn ít khách thì mình lại phải sống tiết kiệm hơn, để trang trải cho gia đình nữa, chỉ cần huấn luyện được 5 con chó trong một tháng là mình sống được rồi. Chỉ mong sao công việc cứ đều đều như vậy là may mắn lắm rồi”. Dứt lời, anh Nam từ biệt phóng viên để ăn vội bát cơm và tắm rửa, nghỉ ngơi khi đồng hồ đã chỉ 21 giờ 30 tối. Lúc này, một ngày làm việc của anh mới thực sự kết thúc.