Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, có 2 địa phương là huyện Long Thành và Nhơn Trạch có một số khu vực sản xuất có các công trình ngăn mặn. Mùa khô năm nay, thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài là nguyên nhân làm tăng độ mặn ở nhiều khu vực sông tại 2 địa phương này.
Hạn mặn không ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thủy sản nước lợ ở 2 huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Theo Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, từ tháng 2 năm 2024, các khu vực có công trình ngăn mặn trên địa bàn huyện Nhơn Trạch như ông Kèo, Phước Lý, Câu Kê…độ mặn tăng cao hơn nhiều so với mọi năm.
Cụ thể, đập ông Kèo có thời điểm độ mặn ngoài sông đạt gần 12 ‰; các khu vực sông ở những công trình Phước Lý, Câu Kê đều vượt 4 ‰… cao hơn nhiều so với độ mặn cho phép lấy nước vào đồng.
Tuy tình trạng hạn mặn tăng cao hơn so với mọi năm nhưng do công tác phòng chống hạn mặn hiệu quả nên không ảnh hưởng đến sản xuất.
Một trong những giải pháp chống hạn mặn hiệu quả là ở các khu vực hạn mặn, địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện gieo giống sớm, chọn giống lúa và cây trồng ngắn ngày để né hạn mặn.
Theo đó, các cánh đồng ở những công trình ngăn mặn đã được thu hoạch xong trước khi vào mùa hạn mặn.
Cụ thể, tại khu vực đập ông Kèo có khoảng 3 ngàn ha trồng lúa, trồng mía. Diện tích lúa đã thu hoạch từ hơn 1 tháng trước đó. Diện tích mía có hơn 300 ha cũng đều đang thu hoạch nên không cần đến nguồn nước tưới.
Hiện địa phương chú trọng tổ chức vận hành các công trình thủy lợi thông suốt như đóng mở các cống, đập thủy lợi hợp lý và kịp thời nhằm thuận lợi cho người dân vận chuyển mía, vừa đảm bảo không để nguồn nước bị nhiễm mặn cao vào đồng ảnh hưởng đến vụ sản xuất sau.
Riêng việc nuôi trồng thủy sản hầu như không bị ảnh hưởng vì nguồn nước vẫn được đảm bảo, đặc biệt với độ mặn hiện nay, thủy sản nước lợ vẫn tăng trưởng tốt.