Gia Miêu ngoại trang – vùng đất lúa tốt, quý hương
Cách đây hơn 600 năm, thủy tổ Nguyễn Biện không ngại rừng thiêng nước độc, núi non hiểm trở đã tìm về đất Tống Sơn để lập trại Bái Nại, từng bước phát triển trở thành Gia Miêu ngoại trang với những cánh đồng lúa tốt, xây dựng đời sống tốt tươi, tạo thanh thế một vùng.
Để rồi sau đó, khi nhà Trần suy vi, chính sự đất nước rối ren khiến cho giặc Minh lợi dụng cơ hội kéo quân sang xâm lược thì hậu duệ họ Nguyễn ở đất Gia Miêu là Nguyễn Công Duẩn đã không tiếc gia sản tiên tổ mang ra để cùng với Bình Định Vương Lê Lợi một lòng phát nguyện “Hội thề Lũng Nhai”.
Sau 10 năm nếm mật nằm gai, hi sinh gian khổ, cuộc kháng chiến chống giặc Minh của nghĩa quân Lam Sơn cũng đi đến thắng lợi cuối cùng, đánh dấu bằng sự ra đời của vương triều Hậu Lê.
Và với những đóng góp của mình, Nguyễn Công Duẩn đã được xếp vào hàng “khai quốc công thần” của nhà Lê, được hậu thế nhắc nhớ. Từ đây, vùng đất Gia Miêu Ngoại Trang cũng theo đó mà ngày càng phát triển, tiếng vang khắp vùng.
Di tích đình làng Gia Miêu. “Gia Miêu” tiếng cổ có nghĩa là “lúa tốt”, dân gian gọi đất này là đất quý hương. Đất Gia Miêu ngày nay là thôn Gia Miêu thuộc xã Hà Long (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), đất phát tích vương triều Nguyễn.
Vậy nhưng, sau những năm phát triển rực rỡ, hưng thịnh tột cùng thì vương triều Hậu Lê cũng không tránh khỏi dấu hiệu suy yếu. Vua Lê không đủ uy quyền triều chính khiến cho quyền hành rơi dần vào tay đại thần, đỉnh điểm là việc Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, xưng Hoàng đế năm 1527.
Lúc này, hậu duệ của khai quốc công thần Nguyễn Công Duẩn là An Thanh hầu Nguyễn Kim (Nguyễn Cam) vốn là cựu thần nhà Lê đã không chịu khuất phục trước sự thoán đoạt ngôi vị của nhà Mạc.
An Thanh hầu Nguyễn Kim được biết đến là người văn võ toàn tài với đầu óc tổ chức xuất chúng đã tập hợp những cựu thần nhà Lê để bắt đầu sự nghiệp Trung Hưng nhà Lê, mở ra thời kỳ Lê Trung Hưng.
Nhiều sử gia có lẽ không quá lời khi đánh giá sự nghiệp quan trường của Nguyễn Kim gắn liền với công cuộc Trung Hưng nhà Lê. Vì vậy, ông đã được vua Lê Trang Tông tôn làm “Đại tường Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công trưởng nội ngoại sự”.
Từ đây, Nguyễn Kim lại càng không tiếc tâm lực giúp vua Lê củng cố ngai vàng. Vậy nên, khi Nguyễn Kim bị kẻ thủ ác đầu độc giết hại đã ảnh hưởng và dẫn đến không ít biến động của lịch sử triều chính lúc bấy giờ.
Đánh dấu bằng việc con rể An Thanh hầu Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm lên thay cha vợ nắm quyền. Với những tham vọng quyền lực và toan tính tranh giành lợi ích xảy ra sau khi Nguyễn Kim mất, để bảo toàn lực lượng và cũng là xây mộng lớn thì con trai Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng đã xin vua Lê được tiên phong vào trấn giữ miền đất hiểm trở, xa xôi Thuận - Quảng.
Tài trí hơn người lại nuôi khát vọng lớn, năm 1558 Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đã đem theo 1.000 binh sĩ cùng 500 thân nhân... chủ yếu là người huyện Tống Sơn (Thanh Hóa) vào khai hoang lập làng ở vùng đất mới.
Tương truyền, trong thời kỳ trấn trị vùng đất mới, Nguyễn Hoàng đã dùng toàn bộ tâm lực cũng như khát vọng của mình để an dân, vỗ về trăm họ, thu dùng hào kiệt, giảm sưu thuế để phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xây dựng cơ đồ, tiến tới thực hiện giấc mộng riêng.
Tiếng lành đồn xa, lòng dân hướng về vùng đất Thuận Hóa với tất cả sự mến mộ, cũng từ đây những dòng người di cư nối chân nhau vào đây lập nghiệp chung tay xây dựng thành vùng đất trù phú, mạnh giàu.
Với công lao to lớn, sau khi mất, Nguyễn Hoàng đã được tôn phong là Chúa Tiên. Và con thứ 6 của ông là Nguyễn Phúc Nguyên vẫn kế nghiệp cha, tiếp tục nỗ lực công cuộc khai hoang, mở mang lãnh thổ đất nước về phương Nam.
Đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu thì bờ cõi của Tổ quốc đã kéo dài tận đến mũi Cà Mau, cùng với đó là việc cai quản quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Biến động triều đại với những toan tính phe cánh, toan tính chính trị đã dẫn đến sự chia cách Đàng Trong - Đàng Ngoài, đất nước bất ổn, đời sống nhân dân không tránh khỏi đau thương.
Và năm 1802, với sự lên ngôi của vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh ở đất Phú Xuân (Huế) không chỉ đánh dấu sự ra đời của nhà Nguyễn, mà còn mở ra một giai đoạn mới, thống nhất đất nước sau nhiều thế kỷ chia cắt.
Dù nhà Nguyễn sau năm 1858 đã để đất nước rơi vào tay chính quyền thực dân xâm lược song thời kỳ trước đó, rõ ràng không thể phủ nhận công lao cũng như nỗ lực của các triều vua Nguyễn: Gia Long; Minh Mệnh... trong việc cải cách chính sách, phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân trên khắp nước Việt.
Bên cạnh nông nghiệp, còn đánh dấu bằng sự phát triển hưng thịnh của hàng loạt làng nghề thủ công truyền thống xứ Thanh như: Gốm Lò Chum; dệt chiếu cói; đục đá; dệt vải; đan lát; đúc đồng Trà Đông...
Khởi phát từ đất Gia Miêu Ngoại trang, những người con dòng họ Nguyễn với tài trí, khát vọng lập thân, lập nghiệp đã ghi danh sử sách muôn đời.
Trải qua “9 đời chúa, 13 triều vua”, lịch sử vốn công tội phân minh, hậu thế luôn tri ân công trạng của nhà Nguyễn. Dẫu vậy thì dường như sự tồn vong hay hưng thịnh của bất kỳ triều đại, giai đoạn lịch sử cũng đều có lý lẽ của riêng nó.
Để rồi sau những mất mát, đau thương của dân tộc, nhìn lại chặng đường đã qua để cùng nhau nhắc nhớ hiện tại và tương lai phải cùng nhau giữ gìn hòa bình độc lập, giang sơn gấm vóc mà tiền nhân đã đánh đổi bằng máu xương, nước mắt...
Gia Miêu ngoại trang ngày nay là hệ thống quần thể các di tích lịch sử tồn tại suốt nhiều thế kỷ. Đó là di tích lịch sử quốc gia nhà thờ Nguyễn Hữu, là khu Lăng miếu Trường Nguyên thờ khai quốc công thần triều Lê Trung Hưng Nguyễn Kim.
Ở đất Gia Miêu còn có di tích đình làng Gia Miêu, một công trình kiến trúc gỗ cổ vô cùng giá trị, vững bền với thời gian. Đình Gia Miêu khởi dựng vốn là nơi thờ Thành hoàng làng Nguyễn Công Duẩn, vị khai quốc công thần triều Lê Sơ, cũng là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của vùng đất Gia Miêu.