Hai báu vật ở đền thờ Lê Hoàn tại Thanh Hóa là đĩa ngọc phát sáng, đôi đũa thử độc
Khám phá đĩa ngọc phát sáng và đôi đũa thử độc của nhà vua ở đền thờ Lê Hoàn tại Thanh Hóa
Hữu Dụng - Hoài Thu
Chủ nhật, ngày 22/05/2022 06:32 AM (GMT+7)
Đền thờ Lê Hoàn (xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt và được xem là ngôi đền cổ nhất xứ Thanh. Hiện ngôi đền này vẫn lưu giữ một đĩa ngọc cổ phát sáng và đôi đũa thử độc của vua mà người dân địa phương vẫn xem là báu vật.
Clip: Khám phá đĩa ngọc phát sáng và đôi đũa thử độc của nhà vua ở đền thờ Lê Hoàn
Vị vua khai sáng vương triều Tiền Lê
Tương truyền, ở làng cổ Trung Lập (xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã chứng kiến sự ra đời đầy kỳ lạ của cậu bé mà sau này được sử sách và hậu thế nhắc đến với cái tên Lê Đại Hành hoàng đế.
Chuyện kể, khi bà Đặng Thị sinh con ở khu vực cồn cây giữa cánh đồng mênh mông. Vì quá mệt nên bà thiếp đi, khi tỉnh dậy bà hoảng hốt khi thấy bên cạnh hài nhi là hổ đang quỳ. Tuy nhiên, hổ dữ lại không ăn thịt con, ngược lại như đang bảo vệ cậu bé.
Khi lên 6 tuổi, cả cha và mẹ đều không còn, cậu bé ấy được một gia đình phú cường ở làng Mía (nay là xã Trường Xuân) nhận làm con nuôi và đặt tên Lê Hoàn. Lê Hoàn được cha mẹ nuôi đối đãi như con đẻ, cho ăn học tử tế, thành người.
Lớn lên, Lê Hoàn tòng quân phò giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, lập nhiều công trạng và được phong Thập đạo Tướng quân. Khi vua Đinh gặp nạn, ông được Thái hậu Dương Vân Nga trao áo long bào và lên ngôi hoàng đế.
Trong suốt 24 năm làm vua, ông đã có nhiều công lớn trong việc chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc, mà ông còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt giàu mạnh, người dân ấm no, hạnh phúc.
Đền thờ Lê Hoàn - ngôi đền cổ kính nhất xứ Thanh
Sau khi vua mất, người dân trong làng đã cùng nhau đóng góp lập ngôi miếu nhỏ trên nền đất của gia đình nhà vua xưa kia. Đến thời vua Lê Thánh Tông (Hồng Đức) thì đền thờ được xây dựng với quy mô khang trang, rộng lớn.
Đền được xây dựng theo kiến trúc chữ Công trong Hán văn, rộng 13 gian, có sân rồng, các nhà tiền đường, trung đường, hậu cung cùng với hệ vì kèo đặc trưng: giá chiêng, chồng rường, kèo góc theo lối dầm đỡ chống nóc đã tạo nên một sự liên kết vững chắc đối với các vì cũng như tổng thể ngôi đền.
Đặc biệt hơn, tại đền thờ còn bảo tồn được hệ thống các mảng chạm khắc như chạm thủng, chạm nổi, chạm bong được trang trí trong kiến trúc của toàn bộ công trình với đề tài phong phú và đa dạng theo những mô típ truyền thống cùng những bức phù điêu, con giống làm bằng đất nung của thế kỷ XVIII đã tạo nên những giá trị nghệ thuật đặc sắc của di tích.
Đến nay, đền thờ Lê Hoàn được xem là một trong những ngôi đền cổ nhất xứ Thanh. Trải qua trên dưới 1.000 năm tồn tại, ngôi đền đã nhiều lần được tu bổ, tôn tạo nhưng về cơ bản vẫn bảo tồn được các yếu tố gốc của di tích: kiểu dáng, vật liệu, đặc biệt là các mảng chạm khắc và kết cấu bộ khung gỗ thế kỷ XVIII còn bảo tồn khá nguyên vẹn.
Cuối năm 2018, đền thờ Lê Hoàn được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Hai "báu vật" còn lưu giữ lại
Trong di tích hiện vẫn còn lưu giữ hệ thống những hiện vật cổ: bát hương, đại tự, câu đối và các sắc phong qua các triều đại vua Lê, Nguyễn.
Cùng với đó là những đồ ngự dùng của nhà vua như chén, đôi đũa thử độc… Đặc biệt, còn có chiếc đĩa cổ bằng đá trắng tương truyền của vua nhà Tống tặng Lê Hoàn được gọi là "Ngọc tuyết".
Trong lòng đĩa có hai dòng chữ "Giang Nam nhất phiến tuyết/ Trác khí vạn niên trân", dịch là "Một phiến đá trắng ở Giang Nam, mài gọt nên vật quý vạn năm" và hai con triện của hai nước.
Theo người dân địa phương, trước kia những vật này được để trong đền thờ Lê Hoàn. Đĩa ngọc được để trang trọng trên bàn thờ, đĩa có màu trong suốt, vào buổi tối đĩa có thể tự phát sáng.
Tuy nhiên, do người dân không biết giá trị của nó nên để tàn hương rụng xuống đĩa, lâu năm nên giờ đĩa đã bị xám lại.
Còn với đôi đũa thử độc của vua, đó là đôi đũa bằng kim loại và được cất trong một hộp đũa riêng khắc chạm hoa văn tinh xảo. Đôi đũa này tương truyền là đôi đũa thử độc, mỗi khi vua ăn đều được các cận thần dùng đũa gắp vào thức ăn trước, nếu có độc đầu đũa sẽ bị đen lại ngay lập tức.
"Hiện tại, đã có rất nhiều các nhà khoa học đã về đây nghiên cứu, tìm hiểu về các cổ vật trên. Để cho ra được kết quả đôi đũa làm bằng chất liệu gì, đĩa ngọc ra làm sao thì vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Hiện người dân địa phương chúng tôi vẫn gọi đĩa ngọc và đôi đũa thử độc của vua là báu vật", một người dân chia sẻ.
Cũng theo người dân địa phương, khoảng 20 năm trước, việc săn tìm cổ vật bỗ rộ lên, người ở khắp nơi về đền thờ Lê Hoàn lén lút tìm cách lấy đi những đồ vật trong đền. Trước thực trạng đó, người dân đã phải mua két sắt và đưa những đồ vật này về nhà dân quản lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.