Bảng Môn Đình biểu tượng truyền thống hiếu học, công trình kiến trúc cổ đồ sộ giữa một vùng quê Thanh Hóa

Hữu Dụng - Hoài Thu Thứ hai, ngày 06/06/2022 06:20 AM (GMT+7)
Từ lâu, Bảng Môn Đình (xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã được biết đến như biểu tượng cho truyền thống hiếu học của mảnh đất này. Đình được xây dựng từ thế kỷ 15, vừa là nơi thờ Thành hoàng làng, vừa là nơi giúp nhiều nho sinh dùi kinh mài sử, tôn vinh các vị khoa bảng của làng.
Bình luận 0


Clip: Bảng Môn Đình - Biểu tượng tôn vinh đạo học ở một làng khoa bảng ở xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Truyền thuyết về Thành hoàng làng – Đại tướng Nguyễn Tuyên

Những ngày cuối năm, chúng tôi về thăm vùng đất Lưỡng Bột xưa (nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa), nơi đây được xem là các nôi của sự học hành, sản sinh ra nhiều nhân tài được sử sách ghi danh, người dân ngưỡng mộ. Từ lâu, Bảng Môn Đình được biết đến như biểu tượng cho truyền thống hiếu học của mảnh đất này.

Theo tài liệu còn ghi lại, xã Hoằng Lộc (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) có 12 vị đỗ đại khoa, trong đó có 7 tiến sĩ được ghi danh tại Văn miếu Quốc Tử Giám, cùng gần 200 hương cống, cử nhân, 140 người đỗ sinh đồ, tú tài.

Đây cũng chính là lý do khiến Hoằng Lộc còn được biết đến với những tên gọi khác như "làng tiến sĩ" hay "làng khoa bảng". Để tôn vinh nghiệp học, vào thế kỷ XV, người dân Hoằng Lộc đã dựng lên Bảng Môn Đình là nơi giúp nhiều nho sinh dùi mài kinh sử.

Bảng Môn Đình tôn vinh đạo học ở một làng khoa bảng xứ Thanh - Ảnh 2.

Bảng Môn Đình - Biểu tượng tôn vinh đạo học ở một làng khoa bảng ở xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Hoài Thu

Người dân địa phương cho biết, tiền thân của Bảng Môn Đình là nơi thờ tự Thành hoàng làng Nguyễn Tuyên (sinh ngày 10/3 năm Đinh Sửu – 1917). Ông là con trai độc nhất của ông Nguyễn Công Thanh và bà Lê Thị Hạnh, một nhà nho nghèo ở trang Bột Đà, huyện Cổ Đằng, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa (nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa).

Tương truyền, ở tuổi 21, Nguyễn Tuyên đã là một vị tướng quân rất tài giỏi, khi nhà Lý tìm người hiền tài đứng ra giúp vua đánh giặc, Nguyễn Tuyên đã xung trận cùng vua đánh tan quân Chiêm Thành.

Bảng Môn Đình tôn vinh đạo học ở một làng khoa bảng xứ Thanh - Ảnh 3.

Trước đây, đình vừa là nơi hội họp, vừa là trui rèn tài năng, phẩm chất đạo đức của các nho sinh. Ảnh: Hữu Dụng

Khi giặc tan, người trở về vinh qui bái tổ. Lúc trở về kinh thành, nơi đây bỗng sấm sét đầy trời. Rồi vị tướng không bệnh mà mất, qua một đêm mối đùn lên thành một ngôi mộ rất lớn.

Ngay tại nơi tướng quân hóa thân, nhà vua đã cho lập đình thờ và ban chiếu sắc phong ông là Thượng đẳng phúc thần đại vương để ghi nhớ công ơn của ông.

Đến thế kỷ XV, khi Nho học chiếm ưu thế, sự học của Nho sinh ở làng ngày càng được coi trọng, nhiều người đỗ đạt cao. Đình trở thành nơi đón nhận chúc mừng các tiến sĩ, hương cống, tú tài vinh qui về làng.

Bảng Môn Đình tôn vinh đạo học ở một làng khoa bảng xứ Thanh - Ảnh 4.

Hậu cung là nơi thờ tự Thành hoàng làng Nguyễn Tuyên là người có công lớn giúp vua Lý đánh tan quân Chiêm Thành. Ảnh: Hoài Thu

Mỗi khi có tân khoa Trạng đỗ đạt thì việc đón rước trở thành một lễ hội suy tôn Nho học đặc biệt, họ làm lễ tại đình trước khi yết bái ông cha. Từ đó, người dân đã đặt cho đình cái tên Bảng Môn (có nghĩa là cửa vào của các khoa bảng). Năm 1990, Bảng Môn Đình được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Cũng theo người dân địa phương, tại đình diễn ra sự phân chia đẳng cấp rất cụ thể, "trọng danh hơn trọng hoạn", trọng tuổi hơn trọng sắc, (trọng người đỗ đạt có học vị hơn người phẩm trật, quan tước). Do đó, khi vào đình, người có học vị cao hơn luôn được ngồi chiếu trên.

Bảng Môn Đình tôn vinh đạo học ở một làng khoa bảng xứ Thanh - Ảnh 5.

Bảng Môn Đình từng là một công trình oai nghiêm, đồ sộ nhất trong vùng quê xưa, có giá trị rất lớn về kiến trúc nghệ thuật. Ảnh: Hữu Dụng

Công trình kiến trúc đồ sộ nhất vùng quê xưa

Ông Bùi Xuân Sơn, người quản lý Di tích Bảng Môn Đình cho biết, ban đầu, do chỉ là nơi thờ tự Thành hoàng làng nên đình nhỏ hẹp. Khi phong trào khoa bảng văn học phát triển, đình mới từng bước được trùng tu tôn tạo, mở rộng.

Đến năm 1932, đình trải qua một cuộc đại trùng tu, xây cất 3 mặt, lợp ngói và trang trí đẹp đẽ, đến nay vẫn còn lưu giữ và tiếp tục củng cố tu sửa.

Ngoài việc thờ cúng Thành hoàng và tôn vinh đạo học, Bảng Môn Đình còn là một công trình oai nghiêm, đồ sộ nhất trong vùng làng quê xưa, có giá trị rất lớn về kiến trúc nghệ thuật.

Bảng Môn Đình tôn vinh đạo học ở một làng khoa bảng xứ Thanh - Ảnh 6.

Đường diềm trang trí bao quanh mặt cửa nhà Hậu cung được chạm khắc hình khối ngộ nghĩnh, sống động, hồn nhiên đậm yếu tố dân gian. Ảnh: Hoài Thu

Đi từ cổng chính vào, phía bên trái dựng văn bia ghi công trạng 12 vị tiến sĩ của làng. Nhiều vị đỗ đại khoa nổi tiếng chính trực, thanh liêm như Nguyễn Nhân Lễ, Nguyễn Sư Lộ, Bùi Khắc Nhất, Nguyễn Cẩn... Bên cạnh văn bia là tảng đá tục truyền ngày xưa cụ Thám hoa Nguyễn Sư Lộ từng ngồi dạy học cho các nho sĩ trong làng.

"Đình được xây dựng theo bố cục kiểu chữ Đinh, ngoảnh mặt hướng Nam, bao gồm tòa đại đình 5 gian nằm ngang, phía sau là hậu cung. Đây được coi là một bảo tàng nghệ thuật kiến trúc gỗ duy nhất còn lại đại diện cho di sản kiến trúc gỗ của Việt Nam trong thế kỷ XVII trên đất Thanh Hóa", ông Sơn nói.

Tại tòa đại đình còn lưu bức đại tự lớn với dòng chữ "Địa linh nhân kiệt" như đề cao truyền thống văn hiến của làng. Theo người dân địa phương, bức đại tự do một vị vua nhà Lý ban tặng để tưởng nhớ công lao của Thành hoàng làng Nguyễn Tuyên và vùng đất địa linh nơi này.

Bảng Môn Đình tôn vinh đạo học ở một làng khoa bảng xứ Thanh - Ảnh 7.

"Hòn đá sư lộ" là tảng đá tục truyền ngày xưa cụ Thám hoa Nguyễn Sư Lộ từng ngồi dạy học cho các nho sĩ trong làng (bên trái) và tấm bia ghi công trạng 12 vị tiến sĩ của làng (bên phải). Ảnh: Hữu Dụng

Trải qua bao thăng trầm, đình vẫn còn lưu giữ được những nét kiến trúc cổ độc đáo. Các lớp văn hóa chồng xếp ở đình Bảng Môn được thể hiện qua kiến trúc chạm khắc như: Lớp thế kỷ XV-XVI với đường diềm trang trí bao quanh mặt cửa nhà Hậu cung được chạm khắc mây, đao, mác tua tủa, tượng tráng sĩ cưỡi voi bên phải, tượng trạng nguyên cưỡi ngựa bên trái, hình khối ngộ nghĩnh, sống động, hồn nhiên đậm yếu tố dân gian.

Lớp thế kỷ XVII tại nội thất nhà Hậu cung có chạm khắc trên cột, xà ngang, hoành, đặc biệt là kết cấu vì nóc với các hình tượng chim phượng, cá hoá rồng, hoa cúc, sen, trúc với phong cách tinh tế, hình nét cầu kỳ, hoa mỹ. Phía trên cửa vào tòa hậu cung có kiến trúc độc đáo theo lối chạm lộng, chạm thủng, với những nét chạm khắc tinh xảo như thêu hoa dệt gấm.

Lớp thế kỷ thứ XIX – XX tại nhà tiền đường có nội dung tứ linh, tứ quý nhưng mang phong cách khỏe khoắn, mạnh mẽ, sung mãn, khối tạc có diện tích lớn.

Bảng Môn Đình tôn vinh đạo học ở một làng khoa bảng xứ Thanh - Ảnh 8.

Theo người dân địa phương kể lại, xưa kia có một nhà phong thủy từng ghé qua đây và cho biết, thế đất của Hoằng Lộc giống như một nghiên mực. Còn con đường cũ nối hai xã Hoằng Lộc và Hoằng Quang (nay thuộc TP Thanh Hóa) như một cây bút "dẫn nước" từ dòng sông Mã về, ví như "mực không bao giờ cạn".

Bảng Môn Đình - Biểu tượng của vùng đất học Thanh Hóa

Ông Nguyễn Văn Kỳ - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hoằng Lộc cho biết, ở "làng khoa bảng", người dân vẫn coi việc lấy học làm nghề, nghĩa là lấy việc học để chiếm bảng đề danh. Trước là để phát triển kinh tế gia đình, sau nữa sẽ đóng góp cho địa phương và đất nước.

Bảng Môn Đình tôn vinh đạo học ở một làng khoa bảng xứ Thanh - Ảnh 9.

Tấm bia khắc bài thơ cổ "Đường Bột Kiều Bi" được thờ trong khuôn viên sân đình. Ảnh: Hữu Dụng

Cũng theo ông Kỳ, tiếp nối truyền thống hiếu học, kể từ sau Cách mạng Tháng 8 đến nay xã Hoằng Lộc đã có thêm 2 Giáo sư, 37 phó giáo sư và 40 tiến sĩ. Nhiều gia đình có con cháu đoạt giải quốc gia, quốc tế với thành tích học tập xuất sắc được vinh danh tại đình.

"Ngôi đình là niềm tự hào của làng nên mọi người dân ai cũng có ý thức giữ gìn, bảo vệ và xem đây là động lực để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Chính vì truyền thống đó mà bà con chúng tôi luôn tâm niệm dù bố mẹ khổ đến mấy cũng phải lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn", ông Kỳ nhấn mạnh.

Bảng Môn Đình tôn vinh đạo học ở một làng khoa bảng xứ Thanh - Ảnh 10.

Năm 1990, Bảng Môn Đình được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Ảnh: Hoài Thu

Không phụ lòng tiền nhân, con cháu Hoằng Lộc nhiều thế hệ đều học hành đỗ đạt làm rạng danh quê hương. Khoảng 10 năm trở lại đây, năm nào con em Hoằng Lộc cũng đỗ đại học thuộc top đầu của huyện, nhiều cháu còn đậu thủ khoa ở những trường danh tiếng với số điểm tuyệt đối.

"Hàng năm, cứ vào các kỳ thi như thi Đại học, thi học sinh giỏi các cấp thì học sinh trong thôn, xã và các vùng lân cận đều tới đây để dâng hương, xin phù trợ hanh thông, may mắn trong thi cử", ông Kỳ thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem