Đi vòng qua toàn bộ diện tích vườn chanh rộng gần 1 ha ở ấp 9, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức (Long An), chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (31 tuổi, ngụ tại địa phương) phải thốt lên: "Chưa năm nào nắng nóng, khô hạn kéo dài như năm nay, chanh thiếu nước héo và chết dần. Mỗi ký chanh hiện có giá trên 20.000 đồng nhưng làm gì có mà bán, giờ nhà vườn nào còn thì trái nhỏ, ít nước và còn chẳng bao nhiêu".
Đi qua một loạt cánh đồng chuyên trồng chanh của xã Lương Hòa, Lương Bình, huyện Bến Lức mới chứng kiến được hạn mặn làm thiệt hại cây ăn trái của nhà vườn ra sao.
Các con mương chứa nước ngọt quanh năm phục vụ tưới cho chanh, vườn cây, hoa màu giờ đã cạn khô; dưới đáy mương, dòng kênh đất còn nứt nẻ thì lấy đâu ra nước cho cây.
"Nắng kéo dài, nhà vườn chỉ khổ thêm, thu nhập gia đình trông chờ vào đây mà giờ như vậy lấy đâu ra tiền, chưa kể bán chanh còn bị thương lái giật tiền", chị Hồng, chủ vườn chanh thông tin.
Chịu chung số phận, mặc dù giá mua cao song vườn chanh của nhiều nhà nông ở xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ (Long An) không còn trái.
Ông Nguyễn Văn Phận (62 tuổi, ngụ ấp 3) chỉ cho phóng viên Dân Việt hơn 40ha chanh, đu đủ đang chuẩn bị ra trái mà đã rụng hết do thiếu nước, các giếng nước chỉ đủ cho dân sinh hoạt chứ không đủ sử dụng tưới tiêu cho cây ăn trái.
"Đợt khô hạn này kéo dài khiến cây chết khô, dân lại phải phá bỏ trồng lại, vài năm sau mới có thu hoạch", ông Phận nói.
Mương sâu chứa nước tưới cây ăn trái của hộ dân xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An cạn cả 1 tháng nay. Ảnh: Thiên Long.
Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng Sang (38 tuổi, ngụ ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức), người chuyên chạy xe chở chanh giao cho vựa thu mua cũng than, hơn tháng nay, mỗi tuần chủ vườn kêu chở chỉ có 1-2 chuyến, thời gian còn lại nằm ở nhà chẳng biết làm gì.
Hạn mặn đã và đang xảy ra khá phức tạp tại địa bàn tỉnh Long An. Trong lĩnh vực nông nghiệp, có hàng ngàn hécta cây trồng ăn trái có thể bị giảm năng suất, chất lượng do bị thiếu hụt nguồn nước tưới trầm trọng.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, hiện nay, độ mặn xâm nhập sâu vào trong các kênh, rạch làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, tưới tiêu cho hoa màu và đã có hơn 5.000ha chanh, cây ăn trái đang thiếu nước tưới bị giảm năng suất, sản lượng.
Con số thống kê cho thấy, huyện Bến Lức có gần 1.500ha; huyện Thủ Thừa có gần 1.500ha, Thanh Hóa hơn 1.000ha, huyện Tân Trụ hơn 600ha, TP.Tân An và huyện Đức Hòa hơn 80ha. Cánh đồng chanh, cây ăn trái bạt ngàn giờ đang đối phó với thiếu nguồn nước do hạn mặn xâm nhập và khô hạn.
Giám đốc Sở NNPTNT Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, ngành đã chủ động cùng các sở, ngành tỉnh, một số huyện đang bị ảnh hưởng nặng do hạn hán, xâm nhập mặn để tổ chức triển khai, thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt cho người dân.
"Làm sao không để dân khát nước, hoa màu bị cháy khô, việc cung ứng nguồn nước ngọt từ các công ty cấp nước, giếng nước khoan sẽ được tính toán thời gian nhanh nhất", ông Truyền nhấn mạnh.
Huyện Cần Giuộc hiện đang cho sử dụng lại các giếng nước đã đóng trước đây, một số địa phương khác cũng triển khai thực hiện giải pháp tìm nguồn nước để tưới tiêu cho cây ăn trái và hoa màu khi mùa mưa đến.
Giám đốc Sở NNPTNMT Long An cung cấp thêm, ngành cũng tăng cường kiểm tra, rà soát và phối hợp với các cấp, ngành thực hiện những biện pháp công trình và phi công trình để ứng phó, khắc phục thiên tai, xâm nhập mặn trên phạm vi các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề theo tình huống khẩn cấp.