Khốc liệt hạn mặn miền Tây, lội sình bơm chuyền nước ngọt làm mát vườn cây ăn trái đặc sản
Khốc liệt hạn mặn miền Tây, lội sình bơm chuyền nước ngọt làm mát vườn cây ăn trái đặc sản
Công Hưởng-Ngọc
Chủ nhật, ngày 21/04/2024 05:40 AM (GMT+7)
Hiện nay, hệ thống các cống ngăn mặn trên địa bàn huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) đã đóng ngăn mặn dẫn đến mực nước kênh nội đồng xuống thấp. Để bảo vệ diện tích cây ăn trái, nông dân các xã hệ ngọt hóa Gò Công chủ động thực hiện bơm chuyền nước từ các tuyến kênh cấp 1 vào kênh nội đồng để phục vụ tưới tiêu.
Hiện nay, hệ thống các cống ngăn mặn trên địa bàn huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã đóng ngăn mặn dẫn đến mực nước kênh nội đồng xuống thấp.
Để bảo vệ diện tích cây ăn trái, những ngày qua nông dân các xã hệ Ngọt hóa Gò Công huyện Chợ Gạo chủ động thực hiện bơm chuyền nước từ các tuyến kênh cấp 1 vào kênh nội đồng để phục vụ tưới tiêu.
Theo đó, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang có 178 ha vườn dừa, trong đó diện tích cho trái 168 ha.
Cây ăn trái cả xã có 250,9 ha, trong đó diện tích cây thanh long 185 ha, cây bưởi 65,9 ha. Ngoài ra, vụ lúa Đông xuân năm 2023 - 2024, nông dân xã Bình Phan đã xuống giống 18,4 ha, lúa đang vào giai đoạn chín và thu hoạch.
Cây màu lương thực (chủ yếu là bắp), nông dân xuống giống được 5,7 ha và một số diện tích màu thực phẩm.
Nông dân xã Bình Phan (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đắp các điểm bơm chuyền nước từ kênh Cầu Sắt vào kênh nội đồng phục vụ nước tưới cho cây trồng, tưới cho các vườn trồng cây ăn trái.
Để chủ động nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngoài việc thông báo thường xuyên độ mặn tại các cống trên sông Tiền và kênh Chợ Gạo, xã Bình Phan còn theo dõi chặt chẽ độ mặn tại các kênh nội đồng để kịp thời thông báo đến người dân chủ động lấy nước sản xuất.
Những ngày qua, khi mực nước các kênh nội đồng trên địa bàn xã xuống thấp, việc tưới tiêu cho cây trồng gặp khó khăn.
Để chủ động nguồn nước tưới, Nhân dân trong xã đồng thuận, chủ động lắp đặt hệ thống máy bơm chuyền nước ngọt từ các kênh cấp 1 lên kênh nội đồng để tưới cho cây trồng, nhất là diện tích cây thanh long, cây bưởi, dừa và hoa màu các loại.
Theo ông Trần Văn Hoàng, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng ấp Bình Thọ Trung, hiện ấp có 9 ha diện tích thanh long, dừa, bưởi, bắp cần nước tưới, Ban Quản lý ấp vận động nhân dân đắp 2 điểm bơm chuyền nước ngọt từ kênh Cầu Sắt vào kênh nội đồng Bình Thọ Trung và kênh Bình Thọ Trung - Tân Thạnh để người dân chủ động bơm tưới cho cây trồng.
Tại ấp Bình Hưng, việc thành lập điểm bơm chuyền nước từ kênh Cầu Sắt vào kênh Lộ Chùa được Nhân dân trong ấp cùng tham gia thực hiện. Nhân dân cùng nhau đóng góp tiền điện, xăng, dầu để các điểm bơm chuyền hoạt động, duy trì nguồn nước tại các kênh nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tưới tiêu.
Ông Đinh Hoàng Kiệm, ấp Bình Hưng, xã Bình Phan chia sẻ, người dân địa phương rất đồng tình khi xã thực hiện xã hội hóa, vận động nhân dân cùng đóng góp để đắp các điểm bơm chuyền dẫn nước từ kênh cấp 1 lên kênh nội đồng phục vụ nước tưới trong sản xuất. Ông mong chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ người dân để giảm bớt chi phí sản xuất.
Ông Trần Văn Tèo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Phan (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho biết, hiện xã Bình Phan đã đắp 7 điểm bơm chuyền từ kênh cấp 1 vào các tuyến kênh sườn, trong đó ấp Bình Hưng 3 điểm, ấp Bình Thọ Thượng 2 điểm và ấp Bình Thọ Trung 2 điểm.
Các điểm bơm chuyền hoạt động trung bình mỗi ngày từ 7-8 giờ, hiện cơ bản bảo đảm đủ nguồn nước để Nhân dân bơm tưới cho diện tích cây trồng trên địa bàn xã.
Trước tình hình hạn, mặn như hiện nay, việc tự chủ động, đoàn kết cùng nhau khắc phục khó khăn của Nhân dân các địa phương trong huyện là điều rất cần thiết để bảo vệ diện tích cây trồng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.