Xuất khẩu thành công xoài sang các thị trường Australia, Mỹ, Hàn Quốc, từ đây, mở ra cơ hội đưa trái xoài An Giang chinh phục các thị trường khó tính.
Xoài keo “đặc sản” của huyện An Phú (An Giang) lần đầu xuất đi Hàn Quốc. Ảnh: Thanh Sang - TTXVN.
Là tỉnh nông nghiệp nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, được thiên nhiên ưu đãi với hơn 70% diện tích là đất phù sa là điêu kiện thuận lợi cho An Giang phát triển nông nghiệp.
Nông nghiệp đang là ngành kinh tế mũi nhọn An Giang, vừa là nền tảng, vừa là trụ đỡ quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.
An Giang hiện là tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng lúa và sản xuất cá tra, là một trong những tỉnh đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long về sản xuất rau màu, hoa quả các loại.
Trong số đó, cây xoài được tỉnh xác định là cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao, được tỉnh định hướng chuyển đổi mạnh mẽ bước đầu đóng góp rất lớn cho tăng trưởng của ngành nông nghiệp tỉnh.
Hiện diện tích trồng cây ăn trái toàn tỉnh An Giang hiện đạt 19.700 ha, diện tích xoài chiếm gần 12.633 ha và cho sản lượng hơn 225 ngàn tấn/năm.
Tại An Giang, Chợ Mới là huyện cù lao có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh với tổng diện tích 6.400 ha, chiếm hơn 50% diện tích xoài cả tỉnh, tập trung chủ yếu ở 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân.
Nhờ đấy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đến nay diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của huyện đạt 704 ha với 41 mã số vùng trồng với diện tích gần 6.200 ha.
Sau hơn 10 năm nỗ lực đàm phán, 7 tấn xoài tượng da xanh đầu tiên của huyện đã được xuất chính ngạch sang thị trường Úc và Mỹ cuối tháng 1/2024.
Đến đầu tháng 2/2024, nông dân huyện cù lao Chợ Mới tiếp tục đón tin vui khi lô xoài hạt lép đầu tiên với 13 tấn được cấp mã số vùng trồng được xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Trong năm 2024 nhiều đơn đặt hàng xoài Chợ Mới chuẩn bị "xuất ngoại" sang nhiều thị trường khó tính như: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản.
Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang Cù Minh Trọng cho biết: Xác định nông nghiệp là hướng đi chủ lực, là nền tảng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Chợ Mới đã mạnh dạn đột phá trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa các tổ chức nông dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp.
"Nhận thức được tầm quan trọng của việc liên kết sản xuất, sản xuất theo tập thể để có thể vươn ra biển lớn, nông dân huyện Chợ Mới đã chủ động liên kết lại với nhau thông qua hợp tác xã.
Từ đó, các hợp tác xã đã liên kết với nhiều công ty xuất nhập khẩu trong và ngoài tỉnh An Giang đã xuất khẩu xoài sang các thị trường nhiều nước Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Australia", ông Trọng cho biết.
Là huyện biên giới có diện tích trồng xoài lớn thứ hai của tỉnh An Giang, chỉ sau huyện Chợ Mới, huyện An Phú có giống xoài keo ngon, chất lượng, bắt đầu chinh phục nhiều thị trường khó tính.
Hiện diện tích xoài của An Phú hơn 1.800 ha, sản lượng hơn 30 ngàn tấn/năm. Toàn huyện có 350 ha xoài keo đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, được cấp 61 mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Cuối tháng 3/2024, huyện An Phú cũng đã đưa lô xoài keo 18 tấn đầu tiên của huyện xuất sang thị trường Hàn Quốc. Đây là nỗ lực của ngành nông nghiệp An Giang với hơn 10 năm đàm phán gian nan để đưa trái xoài keo An Phú sang thị trường Hàn Quốc.
Từ đây mở ra cơ hội đưa trái xoài keo An Giang chinh phục nhiều thị trường khó tính ở Châu Âu, Mỹ, Australia, Nhật Bản.
Ông Trang Công Cường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện An Phú, tỉnh An Giang cho hay, để trái xoài của huyện An Phú được xuất khẩu qua các thị trường khó tính có yêu cầu cao quả xoài xuất khẩu phải đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu khắt khe của đối tác như hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, côn trùng gây hại, truy xuất nguồn gốc, chiếu xạ…
Theo Chủ tịch UBND huyện An Phú, từ thành công đưa trái xoài keo xuất khẩu, huyện sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, phát triển liên kết chuỗi giá trị bền vững; đẩy nhanh tiến độ cấp mã số các vùng trồng xoài còn lại để tăng sản lượng xuất khẩu.
Để xoài An Giang chinh phục thị trường thế giới, ông Nguyễn Sĩ Lâm, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang bày tỏ, ngành nông nghiệp tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức và người dân xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, phát triển liên kết chuỗi giá trị bền vững để phục vụ xuất khẩu.
Trên diện tích vùng sản xuất xoài hiện có, tỉnh đẩy nhanh tiến độ cấp mã số các vùng trồng còn lại để tăng sản lượng xuất khẩu.
Để nâng chất lượng xoài xuất khẩu, ông Lâm cho biết, tỉnh sẽ mời gọi các công ty doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài; vận động nhà vườn tham gia vào kinh tế tập thể; củng cố các hợp tác xã xoài, đặc biệt là hợp tác xã được công nhận GlobalGAP đi vào hoạt động đạt hiệu quả.
Song song đó, tỉnh cũng tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với các hợp tác xã, tổ hợp tác để tiêu thụ xoài loại 2, loại 3 làm giảm áp lực đáng kể lên xuất khẩu trái tươi.
Các sản phẩm chế biến sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường và tiếp cận các thị trường xa, khó tính như Mỹ, Châu Âu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thuý đánh giá: Để trái xoài An Giang xuất khẩu đến các thị trường thế giới là sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, và đặc biệt là của hợp tác xã và người nông dân với quá trình hơn 10 năm đàm phán gian nan và đầy thử thách.
Trong số đó, xoài xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Hàn Quốc…phải đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu khắt khe về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, côn trùng gây hại, truy xuất nguồn gốc, chiếu xạ...
Để phát triển vùng xoài chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dựng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất xoài; đổi mới quy trình sản xuất xoài theo hướng an toàn, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sử dụng phân bón sinh học, hữu cơ vi sinh...
Các ngành chức năng An Giang sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thật vật trên trái xoài; xây dựng mã số vùng trồng,..
Điều này nhằm đảm bảo sản lượng xoài đủ lớn, có chất lượng đồng đều, an toàn, truy xuất được nguồn gốc, tiến tới liên kết với các công ty, doanh nghiệp thu mua để phục vụ xuất khẩu.