Thanh kiếm ngắn, giáo, dao găm, mũi tên-những vũ khí của người Việt cổ, là cổ vật thuộc văn hóa Đông Sơn

Phạm Vũ Trường Giang (Cổng TTĐT Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam) Chủ nhật, ngày 21/04/2024 19:45 PM (GMT+7)
Có thể dễ dàng nhận thấy, các loại hình vũ khí là những hiện vật được phát hiện nhiều nhất trong các sưu tập về văn hóa Đông Sơn, vũ khí được phát hiện ở hầu hết các di tích thuộc văn hóa Đông Sơn. Tư liệu từ kết quả khai quật một số di tích văn hóa Đông Sơn tiêu biểu...
Bình luận 0
Sau hơn 90 năm được phát hiện và nghiên cứu, văn hóa Đông Sơn đã được các học giả trong và ngoài nước hết sức quan tâm và nghiên cứu một cách toàn diện. 

Các di tích, di chỉ, hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn là một khối tư liệu đồ sộ cho nhiều thế hệ nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử, văn hóa, mỹ thuật… “gặt hái” được nhiều thành công trong các công trình nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, loại hình hiện vật là vũ khí trong văn hóa Đông Sơn vẫn còn nhiều “ẩn số” để chúng ta khám phá.

Có thể dễ dàng nhận thấy, các loại hình vũ khí là những hiện vật được phát hiện nhiều nhất trong các sưu tập về văn hóa Đông Sơn, vũ khí được phát hiện ở hầu hết các di tích thuộc văn hóa Đông Sơn. 

Tư liệu từ kết quả khai quật một số di tích di tích văn hóa Đông Sơn tiêu biểu cho thấy số lượng vũ khí đồng thau chiếm trên 50% tổng số hiện vật đồ đồng thu được. Tại một số di tích, vũ khí có số lượng áp đảo so với các loại hình hiện vật khác như di tích Vinh Quang, Làng Cả, Thiệu Dương, Đông Sơn, Làng Vạc…

Vũ khí ra đời và phát triển trong xã hội loài người vừa mang tính quy luật khách quan chung của xã hội vừa có những đặc điểm riêng. 

Trong quá trình phát triển chung của mỗi dân tộc hay mỗi một quốc gia, loại hình vũ khí cũng có sự phát triển từ thấp lên cao với những chất liệu khác nhau, vũ khí trong văn hóa Đông Sơn đã được cư dân Việt cổ sản xuất từ hai chất liệu đồng thau và sắt. 

Trong đó, phần lớn là những vũ khí bằng đồng đã tạo nên những nét đặc trưng văn hóa trên cả ba khu vực phân bố chủ đạo của văn hóa Đông Sơn là trung tâm sông Hồng, trung tâm sông Mã và trung tâm sông Cả.

Vũ khí bằng chất liệu đồng thau trong văn hóa Đông Sơn vừa đa dạng về loại hình, vừa độc đáo vể kiểu dáng và tính năng sử dụng. Có thể khắng định, vũ khí giai đoạn này đã phát triển đồng bộ cả về tính năng và kỹ thuật trong quân sự như: vũ khí đánh gần - vũ khí đánh xa, vũ khí tấn công – vũ khí phòng hộ, vừa có vũ khí thực dụng vừa có vũ khí mang tính chất tâm linh, có tính biểu trưng. 

Thanh kiếm ngắn, giáo, dao găm, mũi tên-những vũ khí của người Việt cổ, là cổ vật thuộc văn hóa Đông Sơn - Ảnh 1.

Hộ tâm phiến. Đồng, văn hóa Đông Sơn, 2500-2000 năm cách ngày nay.

Các loại hình vũ khí chính của người Việt cổ gồm: Giáo là loại vũ khí đánh gần bằng động tác đâm, gồm hai bộ phận chủ yếu là bộ phận tra cán và lưỡi sắc nhọn để đâm; Lao là loại vũ khí đánh xa bằng phương pháp phóng, phần lớn có họng tra cán dài hơn mũi lao, mặt cắt ngang họng chủ yếu gần hình bầu dục, cũng có họng hình tròn hoặc bán nguyệt.

Lưỡi giáo thường giữa dày, mỏng dần về hai bên; Dao găm là loại vũ khí đánh gần, là một trong các di vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn; Đinh Ba là loại vũ khí đánh gần, thường có chuôi tra cán, song cũng có một vài chiếc là họng tra cán.

Chuôi tra cán thường có mặt cắt ngang hình vuông, cũng có đôi chiếc hình tròn, một số chiếc trên chuôi có mấu. Mũi đinh ba có 3 nhánh trên một khung hình chữ U, đầu nhọn, ngạnh; Kiếm là loại vũ khí đánh gần bằng động tác chém, đâm; Qua là vũ khí đánh gần bằng phương pháp bổ, vốn là một đặc hữu của vũ khí Trung Quốc, nhưng những qua phát hiện trong các di tích văn hóa Đông Sơn có phần lưỡi khác biệt trong chi tiết về kiểu dáng cũng như hoa văn trang trí.

Qua có 3 bộ phận chính là lưỡi, chuôi và hồ. Trên hồ thường có 3 hoặc 4 lỗ thủng hình chữ nhật dẹt thẳng hàng là lỗ để xâu dây buộc vào cán. Rìu chiến được xem là di vật quý hiếm của nền văn hóa này, còn có tên gọi khác là dao phạng vì kiểu dáng nó không giống các loại dao bình thường, mà gần giống với loại dao thái phở ngày nay.

Đặc điểm chung của loại dao phạng là kích thước khá lớn, có bản lưỡi rộng, họng tra cán nhô ra ngoài sống lưỡi, họng và lưỡi không nằm trtên cùng một trục dọc; Hàng vạn mũi tên đồng đã được phát hiện tập trung trong một hố nhỏ ở Cầu Vực Cổ Loa.

Phổ biến hơn cả là loại mũi tên 3 cánh nhỏ trụ tròn chuôi dài. Ngoài ra còn có loại mũi tên cánh én dẹt và loại mũi tên giống hình giáo lao nhưng kích thước chỉ dài khoảng 6cm, một số loại hình khác chỉ được phát hiện được lẻ tẻ; Lẫy nỏ cócấu tạo gồm các bộ phận hộp lẫy nỏ, lẫy nỏ, cò,... được liên kết với nhau bằng các chốt hình trụ; Tấm che ngực là loại hình vũ khí phòng hộ cho các chiến binh giống như áo giáp, chúng là những tấm đồng mỏng, một mặt có 4 quai nhỏ hoặc 4 lỗ nhỏ ở 4 góc để buộc dây, trên một mặt trang trí các hoa văn tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn như văn vạch ngắn song song, văn vòng tròn có tâm, vòng tròn tiếp tuyến, văn chữ X và văn người hóa trang bơi thuyền, văn cá sấu…

Cá biệt có chiếc còn đeo thêm một vài lục lạc, thường phát hiện được trong các ngôi mộ cùng với các loại vũ khí nên các nhà khảo học thống nhất gọi chúng là tấm che ngực; Bao đeo vũ khí có cấu tạo chunggồm có 3 ống đồng gần tròn, ống giữa to và dài hơn 2 ống 2 bên, các ống một đầu to một đầu nhỏ, được gắn trên một tấm đồng phẳng. Trên các ống tròn trang trí hoa văn kỷ hà rất đẹp và khắc thủng các hình tam giác, chữ nhật, dùng để đeo các loại vũ khí nhỏ nhẹ…

Thanh kiếm ngắn, giáo, dao găm, mũi tên-những vũ khí của người Việt cổ, là cổ vật thuộc văn hóa Đông Sơn - Ảnh 2.

Kiếm ngắn. Đồng, văn hóa Đông Sơn, 2500-2000 năm cách ngày nay.

Vũ khí đồng thau trong văn hóa Đông Sơn không những nhiều về số lượng, mà còn phong phú đa dạng về loại hình và độc đáo về phong cách. 

Phần lớn vũ khí không được trang trí hoa văn, song cũng không ít dao găm, dao chiến, qua, giáo, kiếm được trang trí hoa văn đẹp mắt, không chỉ trang trí ở phần cán, mà ngay phần lưỡi cũng được trang trí hoa văn mang đậm đà sắc thái dân tộc. Trong mỗi loại kể trên lại có nhiều hình dáng khác nhau tạo nên sự đa dạng, phong phú. Vi dụ như:

Giáo tuy chỉ có hai bộ phận chính xong, những mỗi bộ phận lại được phận loại thành nhiều kiểu dáng: Bộ phận tra cán hầu hết là họng, chỉ một số ít là chuôi tra cán. Họng tra cán có các loại là họng tròn, họng gần hình bầu dục, họng gần vuông. 

Về kích thước bộ phận họng đa phần trung bình có độ dài bằng khoảng 1/3 chiều dài lưỡi, nhưng bên cạnh đo lại có loại họng dài tương đương lưỡi, có loại họng ngắn. Về kiểu dáng có loại họng xẻ hình đuôi cá, có loại trên họng gắn một quai tròn nhỏ, có loại họng thông sâu đến nửa chiều dài lưỡi, có loại nông hơn. 

Giáo chuôi tra cán thì có loại chuôi thẳng, có loại chuôi hơi cong; Lưỡi giáo cũng rất đa dạng như lưỡi hình búp đa, hình lá liễu, hình tam giác rìa lưỡi hai bên thẳng, có loại rìa lưỡi uốn lượn; Trên cánh lưỡi chỗ gần họng xòe rộng, có các lỗ thủng hình chữ nhật dẹt nhưng có loại 2 lỗ có loại 4 lỗ, có loại không có lỗ. 

Loại giáo có lỗ phần lớn phân bố ở lưu vực sông Mã và các khu vực phụ cận. Có chiếc cánh lưỡi phình rộng 2 chỗ trước lúc thon dần đến mũi nhọn. 

Phần lớn lưỡi giáo có sống nổi cao chạy dọc lưỡi, nên mặt cắt ngang thường có hình thoi dẹt. Giáo có đủ loại kích cỡ khác nhau, có chiếc dài tới trên 50cm, chiều dài trung bình vào khoảng 20 – 25cm.

Thanh kiếm ngắn, giáo, dao găm, mũi tên-những vũ khí của người Việt cổ, là cổ vật thuộc văn hóa Đông Sơn - Ảnh 3.

Giáo. Đồng, văn hóa Đông Sơn, 2500-2000 năm cách ngày nay.

Lao có hình dạng phổ biến nhất là loại lao lưỡi dẹt có họng tra cán giống như lưỡi giáo, nhưng kích thước nhỏ hơn. Có loại mặt cắt ngang lưỡi gần hình bầu dục, có loại lại có sống nổi cao chạy dọc giữa lưỡi, nên mặt cắt ngang lưỡi có hình thoi dẹt. 

Đặc biệt hơn có loại lao lưỡi tạo thành hình cánh én gần giống như mũi tên cánh én, nhưng có họng tra cán và kích cở to hơn. 

Bên cạnh đó còn có loại lao ngạnh, có loại 1 ngạnh, có loại hai ngạnh. Lao ngạnh thường có họng rất dài, trên họng có mấu hoặc một quai tròn nhỏ. Phần lớn họng tròn, song cũng có họng bầu dục dẹt. Có loại họng thon dần về mũi, song cũng có loại phần đầu phình to hơn hẵn thân lao.

Dao găm có số lượng thì không nhiều lắm nhưng về kiểu dáng thì cực kỳ phong phú và độc đáo. Có nhiều loại dao găm ở đây không giống bất kỳ một loại vũ khí nào của các nền văn hóa khác. 

Nét độc đáo của dao găm Đông Sơn được thể hiện ở tất cả các bộ phận, từ đốc, cán, chắn tay đến lưỡi, nhưng độc đáo nhất là phần cán. Đốc có loại là đốc hình củ hành thường, hình củ hành có các hàng lỗ thủng hình chữ nhật dẹt. 

Chắn tay có loại là chắn tay ngang, có loại là chắn tay quặp kiểu sừng trâu. Lưỡi có loại gần hình tam giác, hai cạnh bên thẳng mũi nhọn, có loại hai cạnh bên cong vồng mũi tù, có loại hai cạnh bên uốn lượn mũi nhọn. Cán đơn giản hơn cả là cán hình chữ T. Đẹp và độc đáo hơn cả là cán tượng người và tượng động vật. 

Dao găm cán tượng người và động vật phát hiện ở nhiều nơi nhưng phong phú và đẹp nhất là bộ sưu tập dao găm ở khu mộ táng Làng Vạc (Nghệ An). Một số dao găm trên cán cũng như hai mặt lưỡi được trang trí hoa văn các vòng tròn có tâm, vòng tròn tiếp tuyến, văn các vạch ngắn song song và văn động vật như cá sấu, hươu nai…

Thanh kiếm ngắn, giáo, dao găm, mũi tên-những vũ khí của người Việt cổ, là cổ vật thuộc văn hóa Đông Sơn - Ảnh 4.

Dao găm. Đồng, văn hóa Đông Sơn, 2500-2000 năm cách ngày nay.

Qua tuy phát hiện được không nhiều, nhưng về kiểu dáng cũng như hoa văn trang trí khá phong phú đa dạng. Chẳng hạn như chuôi, có chiếc thẳng hàng song song với lưỡi, có chiếc chuôi vễnh lên, có chiếc chuôi lại cụp xuống. 

Chuôi thường có dáng gần hình thang trên mặt có một số lỗ thủng hình chữ nhật và hình tròn. Lưỡi có chiếc thon nhỏ vuốt nhọn, có chiếc lưỡi cùng với hồ làm thành một hình tam giác. Phần lớn ở chỗ lưỡi nối với chuôi có tấm mang nổi ở cả hai mặt để kẹp cán khi buộc dây, và gần đấy thường có một lỗ thủng tròn. Một số qua trên lưỡi, chuôi và hồ được trang trí hoa văn kỷ hà và hình động vật như hươu nai và cá sấu khá đẹp.

Với sự ra đời và phát triển của nghề luyện đúc đồng, trong giai đoạn văn hóa Đông Sơn việc sản xuất vũ khí đồng thau có điều kiện phát triển nhanh mạnh. 

Vũ khí được sản xuất bằng phương pháp đúc bằng khuôn đá hoặc khuôn đất nung, nên sản xuất được hàng loạt, số lượng tăng nhanh. Bằng phương pháp đúc, vũ khí đồng thau được tăng cường độ sắc, nhọn so với các loại vũ khí khác trước đó, nâng cao độ sát thương đồng thời có điều kiện sản xuất ra nhiều chủng loại vũ khí chỉ trong một thời gian ngắn.

Bên cạnh chất liệu đồng, vũ khí Đông Sơn giai đoạn muộn còn xuất hiện những hiện vật chất liệu sắt và một số hiện vật được chế tác kết hợp từ hai chất liệu, thường là lưỡi được làm bằng sắt, chuôi hoặc tay cầm được làm bằng đồng. 

Tuy số lượng và loại hình những hiện vật vũ khí được làm từ chất liệu sắt hoặc kết hợp đồng và sắt không nhiều, chỉ gồm một số loại giáo, lao, kiếm… song các hiện vật này lại có những giá trị về văn hóa và sử dụng nhất định. 

Về mặt sử dụng, rõ ràng chất liệu sắt sẽ tạo ra độ cứng và sắc hơn hẳn chất liệu đồng, vì vậy vũ khí có lưỡi bằng sắt là một cải tiến hết sức quan trọng về mặt kỹ thuật chế tác và khả năng chiến đấu của người Đông Sơn. 

Về văn hóa, các hiện vật đều mang những nét đặc trưng cơ bản của văn hóa Đông Sơn cả về hình dáng cũng như hoa văn trang trí, bộ phận làm bằng đồng của nhiều hiện vật được trang trí hoa văn rất đẹp, đặc biệt là loại kiếm dài có hoa văn “hình thuyền” (có lẽ tên gọi và ý nghĩa của loại hoa văn này còn cần được nghiên cứu thêm nữa) trên đốc kiếm đã thực sự trở thành một loại vũ khí đặc trưng của văn hóa Đông Sơn.

Đặc biệt, vũ khí văn hóa Đông Sơn, bên cạnh những loại vũ khí có tính kế thừa truyền thống từ giai đoạn trước như giáo, lao, qua, mũi tên, rìu chiến, đã có thêm loại vũ khí tiến bộ nhất lúc bấy giờ là nỏ và mũi tên ba cánh - một loại vũ khí vừa để phòng thủ vừa tấn công tầm xa. 

Những hình ảnh cỗ máy bắn nỏ được đặt trên các lâu thuyền được khắc họa trên hoa văn trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ… cùng với việc phát hiện được hàng vạn mũi tên đồng ở Cổ Loa và lẫy nỏ trong một số di tích văn hóa Đông Sơn đã phản ảnh lõi lịch sử trong các truyền thuyết về An Dương Vương xây thành Cổ Loa và là minh chứng rất rõ nét về tài bắn nỏ của cư dân Đông Sơn. 

Nỏ và cách sử dụng nỏ, cách phối hợp, tác chiến của loại vũ khí này trên chiến trường cũng khẳng định rõ nét thêm bản sắc “phương Nam”, trí tuệ và sức mạnh nội lực trong sự phát triển của cộng đồng cư dân khối Bách Việt nói chung, cư dân Âu Lạc – chủ nhân của văn hóa Đông Sơn nói riêng.

Thanh kiếm ngắn, giáo, dao găm, mũi tên-những vũ khí của người Việt cổ, là cổ vật thuộc văn hóa Đông Sơn - Ảnh 5.

Mũi tên. Đồng, văn hóa Đông Sơn, 2500-2000 năm cách ngày nay.

Từ những nét đặc trưng về loại hình, kiểu dáng, số lượng, hoa văn trang trí của vũ khí trong văn hóa Đông Sơn, chúng ta sẽ có được cái nhìn tổng thể về sự phát triển trong chính trị - xã hội, trình độ kỹ thuật, văn hóa của cư dân giai đoạn này. 

Sự xuất hiện với số lượng áp đảo, phong phú về loại hình và chất lượng của sản phẩm đã khắng định cư dân văn hóa Đông Sơn đã đạt đến trình độ khoa học kỹ thuật cao, nhất là trong kỹ thuật luyện kim và làm chủ kỹ thuật chế tác sản phẩm từ các vật liệu kim loại. 

Và theo quy luật phát triển chung, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đương nhiên sẽ là sự phát triển về kinh tế, xã hội và nền tảng chính trị… Hiện tượng này được phản ảnh khá rõ trong các khu mộ táng. 

Phần nhiều mộ táng không có đồ tùy táng hoặc chỉ có một hai đồ gốm, thì một số mộ có kích thước tương đối lớn chôn nhiều đồ tùy táng, trong đó có một số đồ đồng quý hiếm như đồ dùng để tế lễ khí và đồ trang sức đẹp, đặc biệt có mộ chôn theo một số lượng vũ khí rất lớn. 

Điều này phản ảnh xã hội đã có sự phân hóa giàu nghèo và trong xã hội đã xuất hiện các giai cấp có địa vị khác nhau, đồng thời dẫn đến sự tranh giành sự ảnh hưởng trong cộng đồng, quyền lực thống trị trên một vùng lãnh thổ nhất định… Đây cũng là nguyên nhân cơ bản để cho các loại vũ khí có điều kiện phát triển về mọi mặt và ngày một trở thành nhu cầu thiết yếu của con người trong giai đoạn này. 

Cũng theo quy luật phát triển, trên địa bàn phân bố của cư dân văn hóa Đông Sơn, dần dần hình thành những liên minh bộ lạc và hình thức Nhà nước sơ khai mà đỉnh cao là Nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng đã ra đời. Và ngay từ buổi bình minh của dân tộc Việt, ông cha chúng ta đã phải liên tục chống lại cũng như đánh thắng nhiều kẻ thù nhăm nhe xâm lược và thôn tính. 

Như vậy, sự phong phú, đa dạng của vũ khí văn hóa Đông Sơn đã trở thành minh chứng chủ đạo cho một giai đoạn lịch sử hết sức quan trọng – giai đoạn dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Phạm Vũ Trường Giang

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Viện Khảo cổ học – Khảo cổ học Việt Nam, Tập II/Thời đại kim khi Việt Nam. NXB KHXH., Hà Nội,1999.

2. Hà Văn Tấn – Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. NXB KHXH. / 1994

3. Phạm Minh Huyền – Văn hóa Đông Sơn tính thống nhất và đa dạng. NXB KHXH., 1996.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem