Ngày 26/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, cho biết đã ký quyết định xử phạt ông Phạm Ngọc Lợi (SN 1982, trú tại xóm 1, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) – chủ trang trại lợn xả thải ra khe Rào Trường khiến cá chết hàng loạt với số tiền 155 triệu đồng.
Theo quyết định xử phạt, trong quá trình hoạt động, trang trại chăn nuôi lợn thịt công nghệ cao tại thôn Rào Trường, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh do ông Phạm Ngọc Lợi làm chủ đã xả nước thải ra môi trường vượt quy chuẩn cho phép.
Cụ thể, nước thải từ trại lợn ông Lợi xả ra khe Rào Trường có 3 chỉ tiêu vượt quy chuẩn Việt Nam gồm: Coliform vượt 40,1 lần; BOD5 vượt 2,2 lần; COD vượt 3,7 lần; lưu lượng thải 8,6m3/ngày đêm (24 giờ).
Trong quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải, trang trại lợn của ông Lợi đã không báo cáo kịp thời tới cơ quan cấp giấy phép môi trường, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải trong trường hợp gây ra sự cố môi trường.
Ông Lợi không bị áp dụng tình tiết tăng nặng mà được xem xét các tình tiết giảm nhẹ mức xử phạt vì đã chấm dứt tình trạng xả thải, phối hợp với chính quyền địa phương và người dân để khắc phục hậu quả; đã nâng cấp xong hệ thống xử lý chất thải và thành thật hối lỗi.
Ngoài bị phạt tiền, UBND tỉnh Quảng Trị buộc ông Phạm Ngọc Lợi chi trả kinh phí trưng cầu giám định, phân tích mẫu môi trường số tiền 2,3 triệu đồng.
Trước đó vào ngày 2/4, sau khi tiếp nhận phản ánh của Báo điện tử Dân Việt về việc trang trại lợn của ông Lợi xả thải ra môi trường khiến cá chết hàng loạt tại khe Rào Trường (xã Vĩnh Hà), Sở TNMT tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Phòng TNMT huyện, Công an huyện Vĩnh Linh, UBND xã Vĩnh Hà và ban cán sự thôn Rào Trường kiểm tra thực tế dọc khe Rào Trường và tại trại lợn của ông Lợi.
Thời điểm kiểm tra, tại hồ tự nhiên trong khuôn viên trại lợn (nơi tiếp nhận nước thải sau khi qua hệ thống xử lý của trang trại), cơ quan chức năng phát hiện một rãnh nước được đào xuyên qua đập đất dài khoảng 3m, rộng 1,5m; dưới đáy vẫn còn dòng chảy, nước trong hồ đã tháo gần cạn.
Tại thời điểm trên, ông Phạm Ngọc Lợi thừa nhận hành vi xả nước thải từ hồ chứa nước thải trong khuôn viên trại lợn ra môi trường.
Trong chiều 2/4, UBND tỉnh Quảng Trị lập tức có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý nghiêm đơn vị xả thải trái phép ra khe Rào Trường. Cơ quan chức năng cũng lấy mẫu nước thải để phân tích.
Được biết, sau khi phát hiện trang trại lợn của ông Phạm Ngọc Lợi và một số trang trại khác vi phạm việc bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường.
Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trong những năm gần đây, tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định cả về quy mô đàn và quy mô chuồng trại, hộ gia đình, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các trang trại chăn nuôi lợn tập trung và các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh tương đối tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số trang trại và hộ gia đình cá nhân chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Thời gian qua vẫn còn xảy ra tình trạng trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, bị xử lý vi phạm.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp, đôn đốc các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, xử lý các dự án chăn nuôi lợn thuộc thẩm quyền quản lý, đảm bảo không để xảy ra ô nhiễm môi trường, phát sinh điểm nóng về môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi. Tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Sở NNPTNT tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động chăn nuôi, không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn chưa đầu tư hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường, chưa được cấp giấy phép môi trường.
Đặc biệt, đưa ra khỏi quy hoạch các vị trí chăn nuôi gần đầu nguồn nước, khu dân cư hoặc các vị trí nhạy cảm khác; kiên quyết di dời, dừng hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư không được phép chăn nuôi.