Một loại nhện nguy hiểm khó phát hiện bằng mắt thường đang phá hại lúa, ngành chức năng Quảng Trị cảnh báo

Ngọc Vũ Thứ sáu, ngày 08/03/2024 17:23 PM (GMT+7)
Theo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị, nhện gié là đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa, bằng mắt thường rất khó phát hiện. Chúng tấn công bẹ lá đòng và bông lúa, làm giảm từ 40 – 50% năng suất.
Bình luận 0

Nhện gié gây hại cây lúa

Ngày 8/3, bà Nguyễn Hồng Phương – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa đề nghị các địa phương trên địa bàn tỉnh có biện pháp giúp nông dân phòng, chống nhện gié.

Một loại nhện nguy hiểm khó phát hiện bằng mắt thường đang phá hại lúa, ngành chức năng Quảng Trị cảnh báo- Ảnh 1.

Nhện gié hại lúa ở Quảng Trị khiến năng suất sụt giảm, nông dân thiệt hại. Vì vậy, công tác phòng, trừ nhện gié cần được quan tâm, chú trọng. Ảnh: N.V

Theo Sở NNPTNT Quảng Trị, nhện gié là đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa. Những năm gần đây, nhện gié gây hại ở hầu khắp các vùng trồng lúa trên địa bàn tỉnh với xu hướng ngày càng tăng cao về diện tích nhiễm và mức độ gây hại, nhất là trong vụ Hè Thu (điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn thuận lợi cho nhện gié phát sinh gây hại mạnh).

Đặc biệt, trong vụ Hè Thu năm 2022 và 2023, nhện gié đã gây hại nặng trên các giống như: HN6, Khang Dân, ST25... Cục bộ một số vùng nhện gié gây hại làm giảm năng suất từ 40 - 50% so với đại trà.

Thời điểm nhện gié có mật độ cao nhất thường trùng với giai đoạn lúa đòng - trổ. Chúng tấn công bẹ lá đòng và bông lúa, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Nhện gié hại lúa được cán bộ Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị phát hiện. CLIP: N.T

Mặt khác, với vòng đời ngắn, kích thước cơ thể rất nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường nên rất khó phát hiện nhện gié sớm, đồng thời việc phun trừ cũng rất khó khăn nếu không tuân thủ theo đúng kỹ thuật (phải sử dụng các loại thuốc nội hấp mạnh, lượng nước thuốc nhiều để đảm bảo thuốc tiếp xúc được với nhện).

Vụ Hè Thu 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình trình diễn các biện pháp quản lý tổng hợp phòng trừ nhện gié kết hợp ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới như sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc, làm bẫy để phát hiện nhện gié,… đã mang lại hiệu quả cao.

Từ những kết quả đạt được, Sở NNPTNT Quảng Trị đã xây dựng tài liệu "Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật quản lý tổng hợp nhện gié hại lúa tại Quảng Trị".

Biện pháp phòng trừ nhện gié

Theo Sở NNPTNT Quảng Trị, nhện gié có tốc độ phát triển nhanh, vòng đời ngắn từ 5 - 9 ngày. Chúng có khả năng sinh sản cao, một nhện trưởng thành cái đẻ trung bình 30-50 trứng, cả nhện non và trưởng thành đều gây hại cây lúa.

Một loại nhện nguy hiểm khó phát hiện bằng mắt thường đang phá hại lúa, ngành chức năng Quảng Trị cảnh báo- Ảnh 2.

Nhện gié hại lúa có vòng đời ngắn nhưng khả năng sinh sản và chống chịu thời tiết nắng nóng rất cao. Vì vậy, sinh vật này là đối tượng gây hại nguy hiểm cho cây lúa. Ảnh: N.V

Triệu chứng gây hại điển hình của nhện gié là những vết thâm nâu hình chữ nhật trên bẹ lá, gân lá hoặc các vết thâm nâu giống như vết cạo gió trên bẹ lá. Hạt lúa bị nhện gié thường có hiện tượng bị biến dạng cong queo, vỏ trấu bị biến màu, lép hoàn toàn gây ảnh hưởng nặng đến năng suất.

Chúng gây hại bằng cách đục vào trong bẹ, gân lá và hạt lúa để chích hút dịch làm cho cây lúa sinh trưởng, phát triển kém. Thời kỳ lúa làm đòng bị nhện gié hại nặng làm cho cây lúa thiếu dinh dưỡng và trỗ không thoát, hạt lép. Ngoài tác hại trực tiếp thì nhện gié còn tạo ra các vết thương cơ giới, là điều kiện thuận lợi cho một số loài nấm, vi khuẩn như Sarocladium oryzae, Curvularia sp, Alternaria Alternaria padwickii,… xâm nhập, phát triển và gây hại.

Nhện gié có thể lan truyền nhờ hạt giống, gió, nước, côn trùng, chuột, công cụ sản xuất nông nghiệp, tàn dư thực vật từ vụ trước qua vụ sau... Đặc biệt, nhện gié có khả năng lây lan rất mạnh qua vết thương cơ học.

Một loại nhện nguy hiểm khó phát hiện bằng mắt thường đang phá hại lúa, ngành chức năng Quảng Trị cảnh báo- Ảnh 3.

Nhện gié gây hại bằng cách đục vào trong bẹ, gân lá và hạt lúa để chích hút dịch làm cho cây lúa sinh trưởng, phát triển kém. Ảnh: N.V

Nhện gié là loài ưa nhiệt độ và ẩm độ cao. Vì vậy, vụ Hè Thu nhện gié phát sinh, gây hại nặng hơn so với vụ Đông Xuân. Nhện gié có khả năng sống với mật độ cao trên lúa chét ở vụ Hè Thu. Nhện gây hại nặng trên ruộng thiếu nước, bón nhiều đạm, ruộng gieo dày và trên những giống nhiễm như HN6, Khang dân, Đài thơm 8…

Khi phát hiện nhện gié gây hại lúa, nông dân cần sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Quinalphos, Hexythiazox, Propargite Fenpropathrin và một số loại thuốc trừ nhện gié khác trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để phun trừ theo liều lượng khuyến cáo. Cần luân phiên sử dụng các loại thuốc để tránh quen thuốc, nhờn thuốc. Lượng nước thuốc phun bằng bình bơm đeo vai: 400 lít/ha, phun bằng Drone: 40 lít/ha. Cần sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng lúc, đúng cách) và thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng đúng nơi quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem