Cụ thể, nồng độ mặn đo được vào sáng ngày 22-4 tại một số điểm chính trên địa bàn huyện Long Mỹ, gồm: ngã ba Nước Trong là 13,3‰, UBND xã Lương Nghĩa là 10,6‰, tại cống Hóc Pó là 10,7‰, tại bến phà Ngan Dừa là 10,2‰. Còn trên địa bàn thành phố Vị Thanh, độ mặn tại kênh Lầu là 12,6‰, kênh Năm 9,2‰, kênh Mới 6,6‰…
Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, trước tình hình độ mặn đang tăng cao, ngành chuyên môn đã chỉ đạo các đơn vị tập trung vận hành các công trình thủy lợi đảm bảo không để nước mặn xâm nhập vào nội đồng.
Đến nay, các địa phương có nước mặn xâm nhập đã đóng 59 cống tròn và cống hở để ngăn mặn. Đặc biệt, ngành chức năng đang tăng cường tuyên truyền về tình hình xâm nhập mặn cho người dân được biết, từ đó có giải pháp ứng phó hiệu quả.
Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân, nhất là những vùng đã xuống giống lúa Hè thu và rau màu, thủy sản trên địa bàn huyện Long Mỹ, cũng như thành phố Vị Thanh cần kiểm tra độ mặn trong nguồn nước trước khi sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, nhất là lấy nước vào nội đồng phải theo khuyến cáo của chính quyền địa phương nhằm hạn chế thiệt hại do nước mặn gây ra.
Cống kênh Lầu, thuộc thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) là một trong 59 cống tròn và cống hở được ngành chức năng tỉnh đóng lại để ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng.
Ngoài thực hiện những công việc trên thì trong ngày 22-4, Chi cục Thủy lợi đã phối hợp với Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang và ngành chức năng huyện Long Mỹ đi khảo sát tại một số tuyến kênh và công trình ngăn mặn ngoài tỉnh như cống Cái Lớn - Cái Bé thuộc tỉnh Kiên Giang và cống Âu Thuyền Ninh Quới, cống Giá Rai,… thuộc tỉnh Bạc Liêu.
Qua khảo sát nhằm nắm nguyên nhân tình hình xâm nhập mặn với nồng độ cao bất thường vào địa bàn tỉnh như những ngày qua, từ đó có giải pháp ứng phó hiệu quả.