Dân Việt

Một danh thần triều Nguyễn quê Quảng Ngãi vâng mệnh vua tổ chức tu sửa Đền Hùng ở Phú Thọ

Phạm Khánh Ngân 29/04/2024 08:01 GMT+7
Văn bia "Hùng Vương từ khảo" là một bằng chứng quan trọng khẳng định vai trò của vị danh thần triều Nguyễn quê Quảng Ngãi trong việc tu sửa đền Hùng ở Phú Thọ . Đặc biệt, tại Di tích lịch sử Đền Hùng hiện nay có 11 tấm bia chữ Hán ghi lại việc tu sửa tại di tích...
Văn bia ghi công người Quảng Ngãi tu sửa đền Hùng chính là "Hùng Vương từ khảo" (khảo về đền thờ Hùng Vương). Bia "Hùng Vương từ khảo" được tạo lập ngày mùng 10 tháng 3 năm Bảo đại 15 (1940), do Tham tri lĩnh Phú Thọ Tuần phủ Bùi Ngọc Hoàn phụng chép.
Văn bia "Hùng Vương từ khảo" có 2 mặt. Mặt sau là dòng chữ Pháp “Historique du temple de HUNG VUONG” (tạm dịch: Lịch sử đền Hùng Vương). 

Mặt trước là chữ Hán ghi lại việc dựng đền và thờ các vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, đặc biệt là sự kiện năm Khải Định thứ 2 (1917), quan Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc xin bộ Lễ ấn định lấy ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày “quốc tế nhật tiết” (ngày tế lễ của cả nước).

Tấm bia này bị mất sớm, chỉ còn lại thác bản của Viện Viễn Đông Bác Cổ. Năm 2010, bia "Hùng Vương từ khảo" được UBND tỉnh Phú Thọ, Bộ VH-TT&DL cùng con cháu cụ Bùi Ngọc Hoàn phục dựng theo bia gốc, đặt tại nhà Quan Cư, bên phải đền Thượng.

Mở đầu phần viết về lịch sử trùng tu đền Hùng trong văn bia, Tuần phủ Bùi Ngọc Hoàn ghi rõ: “Hoàng triều Tự Đức nhị thập thất niên dương lịch nhất bát thất tứ Tam Tuyên Tổng đốc Nguyễn Bá Nghi phụng sắc trùng tu Thượng miếu”. 

Nghĩa là: “Năm Tự Đức thứ 27 (dương lịch 1874), Tổng đốc Tam Tuyên Nguyễn Bá Nghi vâng mệnh trùng tu đền Thượng”. Có thể thấy, trong đoạn văn bia này, tác giả cho biết tên họ đầy đủ của Nguyễn Bá Nghi và chức vụ Tổng đốc Tam Tuyên (gồm ba tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang) của ông.

Một danh thần triều Nguyễn quê Quảng Ngãi vâng mệnh vua tổ chức tu sửa Đền Hùng ở Phú Thọ- Ảnh 2.

Trung tâm Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: VŨ THANH


Văn bia "Hùng Vương từ khảo" là một bằng chứng quan trọng khẳng định vai trò của vị danh thần Quảng Ngãi trong việc tu sửa đền Hùng. 

Đặc biệt, tại Di tích lịch sử Đền Hùng hiện nay có 11 tấm bia chữ Hán ghi lại việc tu sửa tại di tích nhưng chỉ có duy nhất "Hùng Vương từ khảo" là văn bia ghi nhận sự kiện Tổng đốc Tam Tuyên Nguyễn Bá Nghi trùng tu đền Thượng.

Nguyễn Bá Nghi (1807-1870) tự là Sư Phần, người làng Lạc Phố, huyện Mộ Hoa (nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức). 

Ông đỗ Cử nhân năm Tân Mão (1831), Phó bảng năm Nhâm Thìn (1832), là người đỗ đại khoa đầu tiên của Quảng Ngãi. Nguyễn Bá Nghi là một đại thần triều Nguyễn, có nhiều gắn bó với miền đất Tổ Phú Thọ. 

Năm Tự Đức thứ nhất (1848), xét thấy Nguyễn Bá Nghi có nhiều công lao, triều đình định bổ ông làm Tuần phủ Hưng Hóa (tỉnh thời Nguyễn, thành lập năm 1831, gồm phần lớn các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La hiện nay), nhưng vì công việc ở Hà Tiên cấp bách hơn nên đổi bổ ông đến đó.

Năm Ất Dậu (1853), vua Tự Đức xét thấy Nguyễn Bá Nghi là người cẩn thận, siêng năng nên cất nhắc lên làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang). 

Ông để lại nhiều dấu ấn tại đất Tổ Phú Thọ nói riêng, ba tỉnh Sơn Hưng Tuyên nói chung. Trong đó, việc vâng mệnh tổ chức trùng tu đền Thượng là một trong những công tích được lưu danh cùng sử sách.