Dân Việt

Thanh toán không dùng tiền mặt ở cây xăng: Người dân ý kiến trái chiều, chuyên gia nhấn mạnh sự minh bạch thuế (Bài 2)

Nguyễn Thịnh 04/05/2024 10:15 GMT+7
Bên cạnh việc thuận tiện giao dịch, quản lý của cơ quan Nhà nước và minh bạch thuế, ở chiều ngược lại vẫn còn có lo ngại trong việc thanh toán không dùng tiền mặt trong mua bán xăng dầu như nghẽn mạng dẫn đến ùn tắc tại cây xăng hay nguy cơ cháy nổ do dùng điện thoại.

Thanh toán không dùng tiền mặt ở cây xăng: Người ủng hộ, người lắc đầu

Hiện này, có rất nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ở cây xăng nói riêng như Thẻ quốc tế (Visa, Master); Thẻ nội địa thuộc; Các ví điện tử xác thực qua QR code, thậm chí cả ví VETC... Từ đó, khách hàng có thể tự lựa chọn hình thức thanh toán thuận tiện.

Với nhiều người, thanh toán không dùng tiền mặt nên áp dụng vì đây là hình thức thanh toán văn minh, đỡ lo rơi, lo bị trả lại thiếu tiền…

Anh Trần Kiều (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Tiện ích lớn nhất là người mua không cần mang theo tiền mặt vẫn có thể mua xăng dầu và thực hiện thanh toán nhanh gọn, chính xác. Việc áp dụng thanh toán thẻ và các công nghệ mới giúp khách hàng tiết kiệm được thời gian, an toàn khi thanh toán".

Thanh toán không dùng tiền mặt ở cây xăng: Người dân ý kiến trái chiều, chuyên gia nhấn mạnh sự minh bạch thuế (Bài 2)- Ảnh 1.

Thanh toán không dùng tiền mặt ở cây xăng: Người ủng hộ, người lắc đầu. Ảnh Nguyễn Thịnh

Đồng quan điểm, chị Thuý Quỳnh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, lâu nay chị đã hình thành thói quen không mang tiền mặt trong ví, nếu có thì rất ít vì thế mua xăng cũng như hàng hoá khác, chị đều sử dụng phương thức chuyển khoản, thao tác nhanh chỉ mất vài chục giây.

Ở một số cây xăng khác, họ chủ động phân luồng khách hàng nhằm tránh ùn tắc: Khách thanh toán tiền mặt đi 1 luồng, khách thanh toán bằng chuyển khoản, quẹt thẻ… đi 1 luồng. 

Tuy nhiên hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ở cây xăng cũng vẫn còn những bất cập. "Nếu ở giờ không phải cao điểm, thanh toán theo cách nào cũng nhanh. Nhưng vào lúc đông khách, chuyển khoản hay cà thẻ rất dễ gây ùn tắc so với trả tiền mặt", anh Nguyễn Hào (Hoàng Mai, Hà Nội) nói.

Anh Hào cũng nhấn mạnh rằng anh đã từng gặp những trường hợp khách hàng gặp trục trặc trong quá trình chuyển khoản như mạng 4G lỗi, tài khoản ngân hàng lỗi khiến quá trình giao dịch mất thời gian.

Mới đây, câu chuyện xảy ra tại một cây xăng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), vào giờ cao điểm buổi sáng. Có hai bạn nữ vào đổ xăng, người 50.000 đồng, người 30.000 đồng và đều muốn thanh toán bằng ví điện tử. Một người trong đó mãi loay hoay xin mật khẩu WiFi vì điện thoại không có 4G.

Có WiFi, mỗi bạn chuyển bằng một ví điện tử khác nhau cho tài khoản cây xăng nhưng đều không nhận được tiền. Nhân viên cây xăng đã mời cả hai ra ngoài xử lý, để mọi người được đổ xăng nhưng được nhận lại là đang vội không chờ được.

Ghi nhận thực tế tại một cây xăng ở đường Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội, PV Dân Việt chứng kiến việc nhiều xe sau khi đổ xăng phải xếp hàng ra một khu riêng để "tìm cách thanh toán". Lý do là số tài khoản của cửa hàng xăng này bị lỗi khi chuyển từ một tài khoản ngân hàng, khách hàng phải lựa chọn tài khoản ngân hàng khác mới có thể thao tác.

Chuyên gia nhấn mạnh sự minh bạch thuế khi thanh toán không dùng tiền mặt ở cây xăng

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, hiện vẫn có không ít cửa hàng xăng dầu không nhận chuyển khoản, chỉ đồng ý nhận tiền mặt. Có thể kể đến như cửa hàng xăng dầu Mỹ Đình, thuộc công ty Cổ phần đầu tư và phát triển thương mại và dịch vụ Trường Thịnh (Số 1 Lê Quang Đạo, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cửa hàng xăng dầu 682 ở Phùng Khoang, Trung Văn, Từ Liêm; hay trạm xăng dầu số 1, tại 259 Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa (thuộc Tổng công ty Xăng dầu quân đội)…

Điều này khiến nhiều người rơi vào tình cảnh khó xử, trong trường hợp không mang theo tiền mặt nhưng đã đổ xăng. Khi được hỏi về nguyên nhân, các nhân viên đều trả lời qua loa "cây xăng đông khách nên không nhận chuyển khoản".

Trả lời PV Dân Việt, chuyên gia kinh tế - PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã đề ra và thực hiện trong nhiều năm nay và mong muốn đến năm 2025, lượng thanh toán không dùng tiền mặt lớn. Không chỉ trong mua bán xăng dầu, thanh toán không dùng tiền mặt trong mọi lĩnh vực còn là mong muốn của nhiều cơ quan, ban ngành.

"Thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay đang có những thành tựu lớn và Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đều mong muốn người dân sẽ thanh toán qua hình thức chuyển khoản quét mã QR. Do đó, mua bán xăng dầu không dùng tiền mặt cũng là một trong những vấn đề hết sức bình thường, đương nhiên ở thời điểm hiện tại và trong tương lai", ông Thịnh nói.

Thanh toán không dùng tiền mặt ở cây xăng: Người dân ý kiến trái chiều, chuyên gia nhấn mạnh sự minh bạch thuế (Bài 2)- Ảnh 3.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: Anh Huy

Nói về lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, vị chuyên gia kinh tế này cho biết sẽ giảm lượng tiền tệ lưu thông trên thị trường, từ đó giảm việc phải in ấn, phát hành, kiểm đếm và bảo vệ tiền mặt trong các giao dịch.

Trong lĩnh vực mua bán xăng dầu, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng giải quyết nhiều bài toán. Trong đó, việc xuất hóa đơn điện tử hiện nay là bắt buộc với các cây xăng cộng thêm thanh toán không dùng tiền mặt sẽ hạn chế được rủi ro trong quản lý thuế.

"Xuất hóa đơn điện tử trong từng giao dịch mua bán xăng dầu tưởng chừng như khó, nhưng Chính phủ đã quyết tâm làm để minh bạch hoạt động này và đây là thắng lợi lớn. Việc này cùng với thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp cũng như minh bạch, tránh khuất tất trong quản lý thuế, rõ ràng đây là một việc tốt cần tiếp tục thực hiện", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

Nói về việc vẫn còn nhiều cây xăng không chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng: "Nhiều cây xăng vẫn chưa quen việc thanh toán không dùng tiền mặt bởi mất thời gian. 100% thanh toán không dùng tiền mặt sẽ phải kết nối hóa đơn điện tử nên nhiều cây xăng vẫn còn ngại ngần bởi nhiều lý do khác nhau".

Bên cạnh việc thuận tiện giao dịch, quản lý của cơ quan Nhà nước và minh bạch thuế, ở chiều ngược lại vẫn còn có lo ngại trong việc thanh toán không dùng tiền mặt trong mua bán xăng dầu như nghẽn mạng dẫn đến ùn tắc tại cây xăng hay cháy nổ (không sử dụng điện thoại trong cây xăng). 

"Tất cả chỉ là lý do. Như việc xuất hóa đơn điện tử, trước đây các doanh nghiệp cũng lấy lý do gây ùn tắc, mọi việc phức tạp ở cây xăng... Tuy nhiên, khi đi vào thực tế, việc xuất hóa đơn vẫn diễn ra bình thường và quét mã QR thanh toán khi mua xăng dầu cũng tương tự. Một khi đã trở thành thói quen thì mọi việc sẽ diễn ra nhanh chóng, thuận tiện", ông Thịnh khẳng định.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Tinh Thông Luật nói với PV Dân Việt: "Xét về mặt lý thuyết, các cơ quan chức năng khuyến khích người dân sử dụng tiền thông qua chuyển khoản để quản lý dòng tiền và tránh thất thoát. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định nào buộc cây xăng phải bán hàng không được nhận tiền mặt hay phải nhận chuyển khoản. Đây là vấn đề tuỳ thuộc vào mỗi doanh nghiệp, chủ cửa hàng".

Ông Bình nhận định, cũng không ngoại trừ khả năng nếu cửa hàng bán lẻ xăng dầu không cho thanh toán bằng chuyển khoản là có dấu hiệu của việc trốn thuế. Bởi nếu thanh toán bằng tiền mặt thì cơ quan thuế khó có thể kiểm soát được các khoản thu của cây xăng vì những khoản thu này không có hoá đơn. Có thể vì lẽ đó một vài cây xăng không nhận thanh toán qua chuyển khoản.

Hành vi trốn thuế là hành vi vi phạm pháp luật, tuỳ vào tính chất mức độ hành vi có thể bị xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính.

Xử lý hành chính

Theo khoản 5, Điều 5; Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn mức phạt tiền với hành vi trốn thuế có thể bằng hoặc gấp 3 lần số tiền trốn thuế. Đối tượng thực hiện hành vi trốn thuế còn phải nộp đủ số tiền trốn thuế, tiền chậm nộp thuế đồng thời điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế với hành vi vi phạm.

Xử lý hình sự

Căn cứ vào Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về Tội trốn thuế. Trường hợp nếu là cá nhân thực hiện hành vi trốn thuế mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội được quy định tại khoản 1 của Điều 200 có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trường hợp nếu là pháp nhân thương mại phạm thực hiện hành vi trốn thuế đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy tùy theo số tiền trốn thuế mà có bị xử lý hình sự ngay hay không, có những trường hợp số tiền trốn thuế chưa đến mức bị xử lý hình sự nhưng thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế như quy định trên thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.