Thanh toán không dùng tiền mặt ở cây xăng: "Nghịch lý" cấm dùng điện thoại nhưng lại cho quét mã QR (Bài 1)
Thanh toán không dùng tiền mặt ở cây xăng: "Nghịch lý" cấm dùng điện thoại nhưng lại cho quét mã QR (Bài 1)
Nguyễn Thịnh
Thứ sáu, ngày 03/05/2024 14:04 PM (GMT+7)
Nhiều người dân đang có chung thắc mắc rằng, tại sao ở các cây xăng đều có biển cấm sử dụng điện thoại di động nhưng lại chấp nhận hình thức thanh toán bằng quét mã QR.
Thanh toán không dùng tiền mặt là một trong các chủ trương lớn mà Chính phủ, Bộ, Ngành, địa phương đã và đang nỗ lực triển khai. Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến và chứng minh được lợi ích cho cả khách hàng và doanh nghiệp.
Với riêng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, thanh toán không dùng tiền mặt cũng được áp dụng rộng rãi. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã đầu tư và đưa vào khai thác từ 19/11/2021 giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại hệ thống cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc.
Đồng thời, xây dựng chương trình chăm sóc khách hàng trên nền tảng công nghệ - ứng dụng di động (mobile app) và các ứng dụng quản trị thông tin thông minh… nhằm nâng cao hơn nữa sự hài lòng của khách hàng đối với các sản phẩm, dịch vụ của Petrolimex. Qua đó, góp phần vào chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số tại tập đoàn.
Băn khoăn cấm dùng điện thoại ở cây xăng nhưng lại cho quét mã QR thanh toán
Tại các cây xăng, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được người dân sử dụng phổ biến là chuyển khoản thông qua ứng dụng các ngân hàng trên điện thoại di động.
Điều đáng nói, tại nhiều cây xăng để biển cấm sử dụng điện thoại di động, nhưng vẫn cho phép khách hàng quét mã QR để chuyển khoản thanh toán. Điều này khiến nhiều khách hàng băn khoăn.
Phóng viên Dân Việt ghi nhận tại một số cửa hàng bán xăng dầu trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì (Hà Nội)... đều thấy có biển cấm sử dụng điện thoại di động nhưng vẫn chấp nhận chuyển khoản.
Anh Lương Nam (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt mà cụ thể là chuyển khoản mua xăng thuận tiện cho khách hàng. Thế nhưng thực tế, anh thấy khó hiểu khi nhiều cây xăng đặt mã QR để chuyển khoản ngay ở trụ bơm xăng, trong khi đó các cây xăng đều có quy định cấm sử dụng điện thoại. Anh Nam đặt dấu hỏi về việc sử dụng điện thoại như vậy có đảm bảo về an toàn cháy nổ.
Chị Thùy Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Tôi cảm thấy có chút lo lắng khi bây giờ đi đổ xăng rất nhiều người rút điện thoại ra thanh toán. Trong khi quy định ở các cây xăng rất rõ là cấm sử dụng điện thoại. Tôi thấy khó hiểu về điều này".
Về khía cạnh cấm sử dụng điện thoại di động ở cây xăng, nhiều người cho rằng vi sóng từ điện thoại có thể gây ra cháy nổ. Tuy nhiên mới đây, tiến sĩ Chandima Gomes chuyên ngành kỹ thuật điện của Đại học Putra Malaysia lại khẳng định "không có bằng chứng khoa học nào cho thấy lượng bức xạ của điện thoại di động đủ để tạo ra một tia lửa" vì "điện thoại di động phát ra năng lượng rất thấp, thường từ 0,1 đến 2 watt, không đủ để đốt cháy hơi xăng".
Trả lời câu hỏi "nguyên nhân nào (dù là nhỏ nhất) khiến xăng dầu cháy khi con người sử dụng điện thoại di động" với báo chí, một đại diện của Tập đoàn Petrolimex trước đây từng nói, khi bật điện thoại lúc có cuộc gọi, sẽ gây ra hiện tượng đoản mạch, tạo ra tia lửa điện. Nếu không may, xung quanh chỗ người sử dụng có nồng độ xăng dầu đủ lớn để phát hỏa thì sẽ kết hợp với tia lửa điện từ điện thoại gây ra cháy.
Vị này phân tích thêm, trên thị trường Việt Nam thiết bị điện thoại lậu, không chính hãng là rất nhiều, do đó nhiều khi không đảm bảo an toàn về mạch và pin. Cùng với đó, một số tính năng mở rộng của điện thoại liên quan đến đèn flash cũng gây ra cháy khi tiếp xúc với khu vực có nồng độ xăng, dầu lớn.
Vì vậy, việc đưa quy định xử phạt hành vi sử dụng điện thoại ở cây xăng vào một Nghị định của Chính phủ là nhằm tăng cường đảm bảo an toàn tối đa những nguy cơ cháy có thể xảy ra.
Đáng chú ý, tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng điện thoại tại các cây xăng nêu rõ, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính từ 100.000-300.000 đồng.
Chuyên gia PCCC nói gì về việc dùng điện thoại di động thanh toán mua xăng?
Trao đổi với PV Dân Việt sáng 3/5, đại diện Cục Cảnh sát PCCC-CNCH (phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ) cho biết, QCVN 01:2020-BCT về phòng chống cháy nổ trong khu vực cây xăng đã quy định rõ hai khu vực nguy hiểm chính gồm: Các cột bơm và khu vực bể chứa xăng dầu. Đây là khu vực tích trữ nhiều nhiên liệu, có mật độ ion tích điện cao do hiện tượng bốc hơi của nhiên liệu. Khi những ion tích điện này gặp sóng điện thoại có thể gây cháy nổ với hậu quả rất nghiêm trọng. Vì thế, điện thoại di động bị cấm ở các khu vực này.
"Các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh buôn bán xăng dầu thực hiện thanh toán bằng hình thức điện tử như chuyển khoản, quét mã QR thì cần tránh các khu vực nguy hiểm trên. Khi khách hàng thực hiện thanh toán điện tử cần có khu vực riêng, đảm bảo khoảng cách an toàn với khu vực nguy hiểm", đại diện Cục Cảnh sát PCCC-CNCH nhấn mạnh.
Thực tế trên thế giới và Việt Nam đã xảy ra những vụ cháy nổ ở cây xăng liên quan đến điện thoại di động.
Tại Brazil, ngày 23/2/2008, một nhân viên cửa hàng xăng dầu đã không tuân thủ quy trình nhập hàng khi dùng chiếc điện thoại của mình như một chiếc đèn chiếu sáng để kiểm tra hàng hóa trong khoang. Khoang chứa xăng dầu đã phát nổ và người nhân viên này đã chết sau đó 2 ngày…
Cuối tháng 11/2011, anh Vũ Trọng Khanh ở Gia Lâm, Hà Nội đã bị bỏng khá nặng vì lửa cháy do nhận một cuộc gọi đến điện thoại di động của anh trong khi đi vệ sinh tại một cây xăng ở cầu Phù Đổng, quận Long Biên. Nạn nhân cho biết lúc trước khi nghe điện thoại cũng đã ngửi thấy mùi xăng nồng lên và khi nhận cuộc gọi thì lửa lùa vào, bốc quanh người…
Tiến sỹ Robert Renkes, cựu phó chủ tịch điều hành Viện Thiết bị dầu khí, lý giải rằng có vài trường hợp cháy nổ khi bơm xăng có sự xuất hiện của điện thoại di động nhưng nó không phải nguyên nhân trực tiếp. Nguyên nhân phổ biến do tĩnh điện từ cơ thể người.
Tĩnh điện là hiện tượng tích tụ các khối điện tích do sự cọ xát giữa các chất điện môi khác nhau. Giả thiết đặt ra: Một người đang đổ xăng rồi quay vào trong xe để gọi điện. Khi vào trong, cơ thể cọ xát vào ghế, tạo ra tĩnh điện và tích điện vào cơ thể. Đến lúc quay trở ra, tĩnh điện chưa hết và họ đã chạm vào vòi bơm gây bắt lửa. Khối điện tích này sẽ nhỏ, không đáng kể hoặc chúng có thể xuất hiện rồi tự tiêu đi (gọi là trung hòa âm/dương) nếu như xăng đúng tiêu chuẩn.
Nhưng với một loại xăng nào đó cho phép tích điện lớn, giữ lâu (do điện trở suất của nó cao chẳng hạn) thì khả năng phóng điện khi hai khối điện tích khác dấu tạo nên dòng đủ lớn, gây tia lửa. Nếu trong bình có không khí hở thì sẽ cháy và lan ra ngoài. Nếu bình kín mà lại có một khối không khí thích hợp thì cháy sẽ kèm theo nổ.
Ở góc độ khác, nói với PV Dân Việt, chuyên gia công nghệ Dương Ngô Anh khuyến cáo, các thiết bị điện tử, trong đó có điện thoại luôn tiềm ẩn những rủi ro về cháy nổ. Những chiếc điện thoại quá cũ, pin chai phồng kém chất lượng khi sử dụng trong môi trường nắng nóng sẽ rất nguy hiểm với người dùng. Vừa sạc pin vừa dùng điện thoại cũng gây nguy cơ cháy nổ.
Ở những nơi như cây xăng, đảm bảo PCCC càng phải an toàn tuyệt đối, vì vậy người dùng khi thanh toán qua chuyển khoản cần phải chú ý đảm bảo khoảng cách khi thực hiện thao tác trên thiết bị di động.
Trao đổi với PV Dân Việt về việc cấm sử dụng điện thoại di động ở cây xăng, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Tinh Thông Luật cho biết:
"Tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư 15/2020/TT-BCT Quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế của cửa hàng xăng dầu đã quy định tại cây xăng phải niêm yết nội quy phòng cháy, chữa cháy và phải có biển cấm lửa, cấm sử dụng điện thoại di động ở các vị trí dễ thấy, dễ đọc.
Do đó, hành vi sử dụng điện thoại tại cây xăng đã đặt biển cấm là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Điều 35 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Nếu mang điện thoại di động vào nơi có biển cấm ở cây xăng, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 300.000 đồng và nếu nghe, gọi thiết bị điện tử ở nơi có biển cấm của cây xăng thì mức phạt cao nhất có thể lên đến 05 triệu đồng cho hành vi vi phạm này.
Nếu có thiệt hại xảy ra khi sử dụng điện thoại ở cây xăng có biển báo cấm điện thoại thì người vi phạm có thể vừa bị phạt tiền vừa phải bồi thường thiệt hại theo Điều 589 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó người gây thiệt hại có thể phải bồi thường các khoản như: giá trị tài sản hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng khai thác tài sản bị mất, hư hỏng, hủy hoại, các chi phí để ngăn chặn hạn chế và khắc phục thiệt hại,…"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.