Dân Việt

Nhiều Thư ký, Trợ lý "dính chàm" cho thấy lỗ hổng của hệ thống

Xuân Huy 15/05/2024 09:09 GMT+7
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa cho rằng, các vụ án thời gian gần đây cho thấy, vị trí Trợ lý, Thư ký luôn phải đối mặt với nhiều cám dỗ, nếu không có bản lĩnh vững vàng và không trau dồi rèn luyện, sẽ dễ dẫn tới tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Nhiều Thư ký, Trợ lý "dính chàm" cho thấy lỗ hổng của hệ thống - Ảnh 1.

LTS: Sau khi Báo NTNN/Dân Việt đăng tải loạt bài Trợ lý, Thư ký - Đừng để tình trạng "cua cậy càng, cá cậy vây", toà soạn nhận được thêm một số ý kiến của các vị nguyên là Đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm cá nhân về vấn đề này.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải những ý kiến này để bạn đọc cùng theo dõi và trao đổi. Ngoài ra, tất cả ý kiến đóng góp của bạn đọc về chủ đề này có thể gửi về toà soạn Báo NTNN/Dân Việt qua địa chỉ email bandocdanviet2010@gmail.com, chúng tôi sẽ xem xét, tổng hợp và đăng tải trong những bài tiếp theo.

Nhiều Thư ký, Trợ lý "dính chàm" cho thấy lỗ hổng của hệ thống - Ảnh 2.

Nhiều Thư ký, Trợ lý "dính chàm" cho thấy lỗ hổng của hệ thống - Ảnh 3.

Trao đổi với PV Dân Việt, nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khẳng định Trợ lý, Thư ký cho những người có vai trò rất quan trọng. Họ thường xuyên tham mưu, giúp việc, là người "sát sườn" thủ trưởng.

Từ trước đến nay, có rất nhiều Thư ký, Trợ lý đã là một "cánh tay" đắc lực cho những nhà lãnh đạo. Để chọn nhân sự cho vị trí này, những vị lãnh đạo vừa phải chọn những người tin cậy, đồng thời vừa có kinh nghiệm tham mưu, am hiểu toàn diện, để giúp công tác điều hành, chỉ đạo của thủ trưởng được thông suốt.

Tuy nhiên, ông Cuông cho rằng gần đây trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cho thấy có những vụ án, vị trí Trợ lý, Thư ký có nhiều cám dỗ, dẫn tới hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.


Nhiều Thư ký, Trợ lý "dính chàm" cho thấy lỗ hổng của hệ thống - Ảnh 4.

"Tại Quốc hội khóa XII, tôi từng phát biểu cảnh báo về tình trạng những tập đoàn kinh tế gây lũng đoạn Nhà nước, hay còn gọi là tham nhũng chính sách. Điển hình như Vinashin đã móc nối với các cơ quan Nhà nước để trục lợi. Họ muốn tham nhũng, trục lợi từ chính sách thì họ phải thông qua những người có chức, có quyền, có khả năng tác động đến lợi ích nhóm. Mà để tác động tới lãnh đạo thì phải thông qua những người thân cận nhất của lãnh đạo đó là những người Thư ký, Trợ lý", nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông nói.

Ông Cuông cũng nhận định, những vị Thư ký, Trợ lý cho lãnh đạo là những người làm việc trong môi trường nhạy cảm, có nhiều điều kiện thuận lợi, nếu không bản lĩnh sẽ dễ thoái hóa, biến chất.

Vẫn theo ông Cuông, những người làm ở vị trí Trợ lý, Thư ký cho lãnh đạo mà thoái hóa, biến chất thì rất nguy hiểm. Họ có thể làm lũng đoạn bộ máy thông qua lãnh đạo. Nếu lãnh đạo không quản lý tốt đội ngũ này thì cũng rất dễ bị lợi dụng để trục lợi và làm thay đổi các vấn đề theo lợi ích cá nhân.

Tuy nhiên, ông Cuông cũng nhìn nhận đã có những lãnh đạo thoái hóa, biến chất, có tư tưởng trục lợi, nênn họ đã chỉ đạo, đồng lõa, thông qua đội ngũ Thư ký hay Trợ lý để "ném đá giấu tay".

"Có thể do đội ngũ Trợ lý, Thư ký 'chi phối' vai trò của lãnh đạo. Nhưng đồng thời cũng có thể có những trường hợp lãnh đạo thông qua đội ngũ này để thực hiện ý đồ cá nhân của mình", ông Cuông nói.

Nhìn nhận sự việc vừa qua có hàng loạt cán bộ là Thư ký, Trợ lý của các lãnh đạo bị khởi tố, bắt giam, ông Cuông cho rằng đây là vấn đề rất cần quan tâm và cần có những thiết chế, sử dụng và quản lý để tránh tạo ra một "mối quan hệ khép kín" rồi thực hiện những hành vi vi phạm.

"Vừa rồi qua các vụ án thấy có những Trợ lý, Thư ký sai phạm, qua đây cần tăng cường kiểm tra, thanh tra tất cả Thư ký, Trợ lý của lãnh đạo trên toàn quốc. Tránh trường hợp người ở vị trí công tác này, cậy có mối quan hệ để o ép, gây áp lực đến các đơn vị khác, dù vị trí Thư ký hay Trợ lý không phải cán bộ cấp cao, nhưng họ có 'sức mạnh mềm'", ông Cuông bày tỏ.

Ông cho rằng để xảy ra việc hàng loạt vụ Trợ lý, Thư ký 'dính chàm' không phải là trường hợp cá biệt, cần nhìn lại vấn đề một cách nghiêm túc. Cần phải có có cách thức để bổ nhiệm, bố trí, quản lý và giám sát những người Trợ lý, Thư ký này để bản thân họ thật trong sạch, tránh những mối quan hệ mang tính "thầy - trò", làm việc với nhau quá lâu.

Nhiều Thư ký, Trợ lý "dính chàm" cho thấy lỗ hổng của hệ thống - Ảnh 5.

Nhìn nhận sự việc trên, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, những vụ Thư ký, Trợ lý bị bắt thời gian gần đây đều liên quan đến vấn đề giám sát quyền lực và công khai minh bạch. 

Ông cho rằng nếu có quy định rõ ràng hơn về việc giám sát quyền lực của họ và công khai minh bạch tài chính, có kiểm toán hàng năm, những vấn đề này sẽ được giải quyết.

"Với tình hình như hiện na, nếu chúng ta chỉ kiểm điểm lẫn nhau, những người quen biết đóng góp ý kiến, những người cùng chi bộ, cùng bộ phận đóng góp ý kiến, theo tôi không còn phù hợp", ông Doanh nói.

Nhiều Thư ký, Trợ lý "dính chàm" cho thấy lỗ hổng của hệ thống - Ảnh 6.

TS. Lê Đăng Doanh đề xuất cần phải đặt sự kiểm soát quyền lực nói chung ở tất cả các cấp, các ngành. Những người giữ chức vụ Trợ lý, Thư ký cũng đều phải được giám sát chặt chẽ. Do đó, cần kịp thời bổ sung những quy định để cho không có ai có quyền lực mà không được giám sát một cách nghiêm túc.

"Tôi từng là Thư ký cho 2 đời Tổng Bí thư, cũng trong tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải. Thời đó, chúng tôi có quy chế rất rõ ràng với những chữ "Không": Không có tiền, không lợi ích, không vị trí và không can thiệp vào bất kỳ công việc nào khác ngoài công việc thủ trưởng hỏi", ông Doanh nói và cho rằng cần kiểm soát quyền lực nói chung, trong đó là kiểm soát cả hoạt động của Thư ký, Trợ lý.

Nhiều Thư ký, Trợ lý "dính chàm" cho thấy lỗ hổng của hệ thống - Ảnh 7.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường nhìn nhận, từ những sự việc vừa qua có thể thấy người Thư ký, Trợ lý không phải người quyết định vì họ chỉ là những người có chức năng tham mưu, giúp việc, còn người quyết định là thủ trưởng. 

"Để những người đó nhận những khoản tiền lớn như thế, phải đặt dấu hỏi tại sao họ lại được nhận. Doanh nghiệp đưa một khoản tiền luôn mong đạt được mục đích nào đó, mà người quyết định phải là cấp lãnh đạo", ông Trường đánh giá.

Theo ông Trường, tình trạng mượn danh lãnh đạo để "cua cậy càng, cá cậy vậy" cũng có, nhưng không thể diễn ra mãi. Điều đáng nói là mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người thủ trưởng, còn Thư ký, Trợ lý chỉ là cầu nối.

Nhiều Thư ký, Trợ lý "dính chàm" cho thấy lỗ hổng của hệ thống - Ảnh 8.

Ông cũng chia sẻ việc những cơ quan phòng chống tham nhũng đã có đánh giá, hoạt động tham nhũng hiện nay diễn ra ngày càng tinh vi, rất khó xác định được phương thức. Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi, nếu tất cả dòng tiền được kiểm soát chặt chẽ và minh bạch, những vụ việc như vừa qua sẽ được kiểm soát.

"Từ câu chuyện xách túi tiền hàng triệu USD đến nhà lãnh đạo để biếu, tặng như các vụ án vừa qua, tôi thấy cần xem lại phương thức quản lý, phải từ gốc thì mới hạn chế những vấn đề này", ông Lê Việt Trường nhận định và cho rằng, người lãnh đạo trước hết phải là người nêu gương, trong sạch, trong sáng và phải "chí công vô tư".

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chia sẻ, đã có quy định rạch ròi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thư ký, Trợ lý. 

Trong mọi công việc của lãnh đạo đều phải có sự sắp xếp, tham mưu và đề xuất từ những vị Trợ lý, Thư ký. Do đó, để tránh việc những Thư ký, Trợ lý lạm quyền, nhất thiết phải chọn lựa những người có đạo đức, phẩm chất năng lực là hết sức cần thiết.

"Quan trọng nhất là chọn người. Tuy nhiên phải nói, có những vị Trợ lý, Thư ký họ hoàn toàn trong sạch, khách quan, vô tư nên khi nhìn các sự việc xảy ra thời gian qua là điều hết sức đáng tiếc", ông Hòa nói.