Thư ký, Trợ lý - Phải luôn biết mình là ai và được làm những gì (Bài 4)

Nhóm PV thực hiện Thứ năm, ngày 09/05/2024 08:00 AM (GMT+7)
"Thời tôi còn làm việc, tôi thấy chức danh của những người giúp việc cho cán bộ cấp cao (Trợ lý, Thư ký - NV) được quy định rất rõ ràng. Trách nhiệm đến đâu, quyền hạn đến đâu và được làm, quan hệ với các nơi khác thế nào hết sức minh bạch", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ.
Bình luận 0
Thư ký, Trợ lý - Phải luôn biết mình là ai và được làm những gì (Bài 4) - Ảnh 1.

Thư ký, Trợ lý - Phải luôn biết mình là ai và được làm những gì (Bài 4) - Ảnh 2.

LTS: Tiếp theo loạt bài "Trợ lý, Thư ký - Đừng để tình trạng cua cậy càng, cá cậy vây", Dân Việt thực hiện một cuộc thảo luận "bàn tròn" với những người đã từng trực tiếp hoặc gián tiếp trải qua kinh nghiệm thực tiễn trong vai trò Thư ký, Trợ lý... hoặc tương đương, như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan; chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nguyên là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho các Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải; PGS.TSKH Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới; TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế độc lập, nguyên là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) cùng một số vị chuyên gia dày dặn kinh nghiệm để nghe họ chia sẻ về công việc Trợ lý, Thư ký trong bộ máy hành chính Nhà nước, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu.

Thư ký, Trợ lý - Phải luôn biết mình là ai và được làm những gì (Bài 4) - Ảnh 3.

Thưa chuyên gia Phạm Chi Lan, hiện tượng một số Thư ký, Trợ lý thời gian qua bị khởi tố cho thấy tình trạng "vay mượn quyền lực" để trục lợi phản ánh đúng vấn đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nêu là "cua cậy càng, cá cậy vây". Từng có thời gian dài tham gia vào Ban Nghiên cứu, giúp việc cho nhiều đời Thủ tướng, bà đánh giá sao về hiện tượng này?

- Cần phải khẳng định hiện tượng này chỉ là cá biệt, thiểu số, là những "con sâu làm rầu nồi canh", còn đa phần tôi thấy những người được giao trọng trách này đều rất tận tâm và trách nhiệm với công việc của mình. 

Thời tôi còn làm việc, tôi thấy chức danh của những người giúp việc cho cán bộ cấp cao (Trợ lý, Thư ký - NV) được quy định rất rõ ràng. Trách nhiệm đến đâu, quyền hạn đến đâu và được làm, quan hệ với các nơi khác thế nào hết sức minh bạch. Thành ra họ không nghĩ đến chuyện lạm dụng chức quyền, hoặc lợi dụng mối quan hệ của thủ trưởng mình để mưu lợi riêng. 

Những người làm Trợ lý, Thư ký khi đó mà tôi biết đều làm hết sức mình để hoàn thành công việc được giao. Mối quan hệ giữa các cơ quan chuyên môn rất sòng phẳng, minh bạch, chức trách rõ ràng, không có chuyện lạm dụng nhau.

Thư ký, Trợ lý - Phải luôn biết mình là ai và được làm những gì (Bài 4) - Ảnh 4.

Tôi nhớ một việc liên quan đến chuyện này. Chẳng là, khi xây dựng Luật Cạnh tranh, thời ấy ông Trương Đình Tuyển là Bộ trưởng Bộ Thương mại, tôi là thành viên tham gia góp ý vào dự thảo Luật do Bộ Thương mại soạn thảo. Vấn đề doanh nghiệp Nhà nước có được đưa vào làm đối tượng áp dụng của Luật Canh tranh hay không vẫn còn gây ra nhiều tranh luận, bàn bạc...

Tôi góp ý với anh Nguyễn Minh Trí, khi ấy là Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Thương Mại (bạn học của tôi) nhưng không được. Sau này, tôi nói với ông Trần Việt Phương, khi ấy là Thư ký của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tôi cùng ông Phương đến gặp trực tiếp ông Tuyển, bàn bạc hàng giờ, tranh luận nhiều vấn đề rất rõ ràng, công khai,

Cuối cùng vấn đề được tháo gỡ, cơ quan soạn thảo tiếp thu và doanh nghiệp Nhà nước được đưa vào Luật Cạnh tranh như đối tượng chịu áp dụng của các quy định trong Luật.

Đến khi tham gia vào Tổ Thi hành Luật Doanh nghiệp những năm đầu khi Luật được áp dụng, chúng tôi đề xuất bãi bỏ nhiều đặc quyền của các bộ, ngành. Có những nơi họ nói nửa đùa, nửa thật "thế này thì đánh vào nồi cơm của chúng tôi à?", nhưng chúng tôi nói ngay: "Đây là nồi cơm chung của cả nước, các anh phải áp dụng. Không ai có quyền tạo ra nồi cơm riêng cho mình".

Tôi nghĩ cách làm của những người Thư ký, Trợ lý hoặc tham vấn cho lãnh đạo, nguyên thủ cao cấp thời xưa là như vậy. Tháo gỡ khó khăn, thực hiện đúng luật và không được đòi gì thêm những điều mà Luật đã cho.

Như vậy, dù là Thư ký, Trợ lý hay bất kỳ vị trí nào trong bộ máy hành chính Nhà nước cũng cần phải lấy công làm trọng và phải biết quyền và trách nhiệm của mình đến đâu?

- Theo tôi, trước hết những người Thư ký, Trợ lý hoặc người giúp việc cho lãnh đạo phải làm việc công tâm, không được vì lợi ích riêng. Tư lợi chính là mầm mống sinh thói hư, tật xấu.

Thư ký, Trợ lý - Phải luôn biết mình là ai và được làm những gì (Bài 4) - Ảnh 5.

Khi chúng tôi làm tư vấn cho các vị lãnh đạo Chính phủ, sự kiểm soát của xã hội là rất lớn. Báo chí và doanh nghiệp lên tiếng mạnh mẽ với các chính sách không phù hợp, tạo ra rào cản. Những cuộc tranh luận, thậm chí ở mức căng thẳng xảy ra khá thường xuyên… 

Thậm chí mỗi dịp Thủ tướng có các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp, tại đó những ý kiến "đối chọi" của doanh nghiệp với các bộ ngành đều được giải quyết. Thủ tướng theo Luật và theo công bằng mà xử lý.

Nếu lấy việc công làm trọng, sẽ không có chỗ và không có cửa cho những vị Thư ký, Trợ lý có ý nghĩ tư lợi.

Bác Hồ từng căn dặn: Cán bộ phải lấy "dĩ công vi thượng" làm đầu, song việc lạm dụng quyền lực của một số Thư ký, Trợ lý đã để lại tiếng xấu khiến nhiều cán bộ, lãnh đạo phải rời cương vị công tác. Các vụ án lớn đã xảy ra như Việt Á, chuyến bay giải cứu... cho thấy tác hại ghê gớm của sự "lộng quyền" của những người Thư ký, Trợ lý? 

- Theo tôi, hiện nay có hiện tượng hình thành các nhóm lợi ích cục bộ trong ngành, lĩnh vực và địa phương. Mặc dù, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, quy định để khắc chế nhóm lợi ích… Tuy nhiên, cuối cùng cơ chế hay quy trình cũng do con người mà ra.

Tôi đơn cử, nếu đặt ra một cơ chế không hợp lý, một quy trình có vẻ như khoa học nhưng quy trình và cơ chế ấy vẫn nằm trong tay một số cá nhân nào đó, họ sẽ lạm dụng quy trình để trục lợi và sống trên pháp luật. 

Đây là hệ quả mà một số vị Thư ký của các lãnh đạo không những không giúp được thủ trưởng của mình thực hiện tốt chức trách công việc mà còn gây ra tác hại cho xã hội, ảnh hưởng uy tín công việc người lãnh đạo.

Chúng ta cần có những thiết chế để Trợ lý, Thư ký phải hiểu họ đang đứng ở đâu, là ai, được quyền làm gì?

Tôi nhớ, khi chọn người giúp việc cho mình, các đời Thủ tướng mà chúng tôi làm tư vấn như ông Võ Văn Kiệt, ông Phan Văn Khải đều chọn người có tư tưởng cởi mở và phải "đổi mớ, tận tâm với đất nước". Nếu chọn người tư vấn, giúp việc mà đầu óc cũ kỹ, nặng cơ chế xin cho, ban phát thì không thể làm việc được.

Người tham gia vào Tổ tư vấn của Thủ tướng cũng phải như vậy, luôn luôn có quan điểm "đổi mới", "xé rào" mới có thể ngồi cùng và làm việc cùng nhau. Khi chọn Thư ký, Trợ lý thì cán bộ lãnh đạo cũng phải xem đây là tiêu chí đầu tiên, quan trọng nhất. Khi được tuyển chọn theo một tiêu chí chuẩn từ đầu, họ ắt sẽ hiểu nhau, phối hợp với nhau để cùng làm việc, cùng giải quyết vấn đề chung dễ dàng.

Thời chúng tôi làm việc, Trợ lý Phó Thủ tướng sẽ phối hợp với Thư ký hoặc Trợ lý của Thủ tướng hoặc thành viên Tổ tư vấn, Ban Nghiên cứu. Các bên có sự giám sát lẫn nhau để làm đúng yêu cầu.

Đặc biệt, khi cần Thủ tướng có thể lập các Tổ Công tác đi giải quyết các vấn đề tại cơ sở, kiểm tra chéo. Phải sâu sát như vậy mới hạn chế chuyện tư túi riêng hoặc đi "đêm" với nhau.

Thư ký, Trợ lý - Phải luôn biết mình là ai và được làm những gì (Bài 4) - Ảnh 6.

Thư ký, Trợ lý - Phải luôn biết mình là ai và được làm những gì (Bài 4) - Ảnh 7.

Theo bà Lan: "Nếu cơ chế minh bạch, cơ chế tốt, cán bộ tốt, nghiêm chỉnh…. thì việc gì người ta phải đi hối hộ và không thể hối lộ được" - Ảnh: Bộ Công an

Tha hóa, nhũng nhiễu gắn liền với quyền lực và dung dưỡng cho quyền lực đó. Người có chức vụ thường có quyền và có quyền thường sẽ đi liền với có tiền. Không ít người leo cao bằng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích, thậm chí gây hại cho chính mình và cho người khác. Cuộc chiến chống tham nhũng của chúng ta đã chạm vào được gốc rễ của vấn nạn tham nhũng, thưa bà?

- Chống tham nhũng là cần thiết, phải kiên quyết và thực hiện xuyên suốt. Nhưng, điều quan trọng chúng ta phải nhìn ra là cần xem lại quy định, quy chế, tuyển chọn đánh giá cán bộ như thế nào để tránh những con sâu, con mọt... trong bộ máy Nhà nước.

Chúng ta cần đánh giá công khai, minh bạch tối đa cả tuyển chọn, thậm chí cả tài sản của các cá nhân lãnh đạo cũng cần công khai để dân biết, dân giám sát.

Những cán bộ trong  bộ máy Nhà nước, kể cả quan chức cấp cao phải hiểu là tài sản là của dân, của nước chứ không phải của riêng ai. Quyền quyết định phải là việc đưa ra trên lợi ích chung… Nếu hiểu được điều đó thấy việc lãnh đạo quyết định ký tá, cấp dự án cho ai sẽ vi phạm luật pháp, nguyên tắc tập trung dân chủ… Đây đã là hành vi lạm quyền.

Người Trợ lý, Thư ký nếu có "lobby" doanh nghiệp nọ, chính sách kia, người lãnh đạo nếu không xem xét thấu đáo mà đồng ý ngay là chưa làm hết chức trách. Phải biết chất vấn lại Trợ lý, Thư ký của mình. Hơn ai hết, người lãnh đạo cao nhất phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng chứ không phải Thư ký, Trợ lý.

- Xin trân trọng cảm ơn bà! 

Thư ký, Trợ lý - Phải luôn biết mình là ai và được làm những gì (Bài 4) - Ảnh 8.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện CIEM. Ảnh: Nguyễn Tuyền

Trao đổi cùng chủ đề với PV Dân Việt, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: "Người Thư ký giúp việc liên quan trực tiếp đến người lãnh đạo. Người lãnh đạo muốn người như thế nào thì sẽ có người như thế. Nếu người lãnh đạo không muốn cấp giúp việc của mình thẳng thắn, đưa ra ý kiến "trung quân, ái quốc" thì sẽ chọn những người dễ bảo".

Ông kể: "Trước đây, khi chúng tôi còn tham gia vào Ban Nghiên cứu của Thủ tướng dưới thời các ông Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, trước khi ký bất kỳ vấn đề gì quan trọng, chúng tôi cũng được tham vấn ý kiến".

TS Doanh cho biết: "Nhiều khi 17 giờ ngày hôm nay, chúng tôi nhận được yêu cầu tham gia góp ý của Thủ tướng, mà 6 rưỡi sáng ngày hôm sau phải gửi ý kiến đóng góp để kịp lúc Thủ tướng ngồi ăn sáng có bản góp ý để ông đọc. Thời gian chúng tôi kiêm thêm vai trò này toàn phải làm đêm".

Theo ông Doanh, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng được gọi là "Ban 4 không": Không tiền lương, không chức vụ, không đòi hỏi và không đăc quyền. Chỉ có điều mình được đóng góp ý kiến tâm huyết của mình với các vị lãnh đạo Chính phủ và ai cũng vui vẻ. 

"Tôi nhớ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông còn trọng dụng cả những người từng ở bên kia chiến tuyến để tư vấn cho mình về chính sách phát triển đất nước sau khi đất nước thống nhất, hoà bình sau năm 1975, trong đó có ông Nguyễn Xuân Oánh (chuyên gia kinh tế được đào tạo ở Harvard năm 1954), từng làm việc cho Ngân hàng Thế giới (WB) và từng làm Phó Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà", ông Doanh nhớ lại.

Thư ký, Trợ lý - Phải luôn biết mình là ai và được làm những gì (Bài 4) - Ảnh 9.

PGS.TSKH Võ Đại Lược. Ảnh: PV

Trong khi đó, cùng thảo luận vấn đề này, PGS.TSKH Võ Đại Lược chỉ ra nguyên nhân: "Theo tôi, đất nước ta chuyển sang cơ chế thị trường nhiều năm, nền kinh tế và những vận động của nó đã thay đổi nhiều, mặt tốt có, mặt xấu có. Nhưng tư duy quản lý cũ vẫn còn, nhất là cơ chế xin cho, ban phát của trung ương, địa phương sẽ vẫn còn nạn tham nhũng, hối lộ, vẫn sinh ra những Trợ lý, Thư ký bị thoái hóa, biến chất, có thể trục lợi, nhận hối lộ cả hàng chục, hàng trăm tỷ đồng".

Theo ông Võ Đại Lược, muốn giảm bớt thói hư, tật xấu của cán bộ phải kiểm soát cho được quyền lực để những người có quyền lực không thể hoặc không được phép lợi dụng quyền lực để tham nhũng. 

Công cuộc chống tham nhũng Đảng ta đã và đang làm rất mạnh, nhưng có vẻ những vụ tham nhũng phát hiện ngày càng nghiêm trọng, tinh vi hơn và đối tượng tham nhũng ngày càng giữ trọng trách cao hơn ở địa phương, Trung ương.

"Tôi nghiệm lại thì việc tham nhũng, ăn hối lộ thời gian qua bị phát hiện chủ yếu xoay quanh các vụ việc đất đai và doanh nghiệp Nhà nước. Đây là hai chỗ đấy dễ xảy ra tham nhũng, hối lộ nhất. Chúng ta cần rà soát để bịt ngay kẽ hở, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng", ông Lược nói.

Theo ông Lược, đối với vai trò Trợ lý, Thư ký, bản thân quyền hạn và chức năng của họ chỉ là người giúp việc nhưng trên thực tế, thời gian qua một số người vì được dung dưỡng nên nảy sinh thói cửa quyền, vòi vĩnh, kiếm chác.

"Tôi quan niệm, Trợ lý hay Thư ký đều do lãnh đạo cất nhắc. Nếu lãnh đạo nghiêm sẽ không có Trợ lý, Thư ký dám làm những việc trái ý kiến mình. Vì vậy, cái gốc vẫn ở cán bộ và năng lực quản trị cán bộ. Thư ký, Trợ lý thân cận còn không quản lý, không biết họ như thế nào thì sao nói và lãnh đạo được người ở đơn vị ngoài?", ông Lược phân tích.

PGS Lược kể: "Thời tôi làm Trợ lý giúp việc cho cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, không chỉ có riêng mình tôi mà còn có vài người cùng tham gia vai trò này. Nhưng tôi không thấy xảy ra chuyện tiêu cực nào. Bản thân các Trợ lý cũng đều được quán triệt và chịu kiểm soát chặt chẽ của lãnh đạo".

Thư ký, Trợ lý - Phải luôn biết mình là ai và được làm những gì (Bài 4) - Ảnh 10.

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế độc lập. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Dân Việt, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế độc lập, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, tại Quy định 30-QĐ/TW ngày 19/8/2021 về tiêu chuẩn, điều kiện nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, chính sách chế độ đối với chức danh Trợ lý, Thư ký, Điều 11 nêu rõ: "Trợ lý, Thư ký của Uỷ viên Bộ Chính trị có chính sách và chế độ tương đương cấp Thứ trưởng (gọi là hàm Thứ trưởng). Thư ký cho các Bộ trưởng, cơ quan ngang bộ, có chính sách, chế độ tương đương cấp Vụ trưởng, Vụ Phó (hàm Vụ trưởng, Vụ phó) của Bộ.

"Đây không thuần tuý là vị trí hỗ trợ, giúp việc cho lãnh đạo mà là một chức vị khá to. Thậm chí, người ta xem việc lên Thư ký, Trợ lý để được thăng quan, tiến chức. Không ít người đi từ vị trí Thư ký, Trợ lý cho lãnh đạo để trở thành lãnh đạo tương lai các cấp", ông Ánh cho hay.

TS Ánh cho rằng, việc cho rằng, nên hạn chế bớt quyền lực của người giúp việc, để họ thực sự đúng nghĩa là người giúp việc cho thủ trưởng các đơn vị, có như vậy họ sẽ làm tốt hơn chức trách của mình.

"Thời gian qua, chúng ta có xu hướng bổ nhiệm một số vị trí Thư ký, Trợ lý làm lãnh đạo, nên vị trí của người Trợ lý, Thư ký giống như một thủ trưởng tương lai. Nếu chọn được người tốt sẽ có ích, nhưng nếu chọn nhầm sẽ gây hệ luỵ. Theo tôi, nên để họ đúng với vị trí, đúng vai trò, chức năng, không ôm đồm và lạm quyền để dễ bị cám dỗ và gây ra những hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng tới cả người lãnh đạo của mình", TS Vũ Đình Ánh đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem