Ngày 12/5, tại TP Hạ Long, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề: “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao".
Hội thảo bàn những vấn đề thời sự, quan trọng nhằm cụ thể hóa và triển khai các chủ trương lớn của Đảng về phát triển văn hóa, thể thao, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, góp phần xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV.
Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, đến nay nước ta đã xây dựng và phát triển được một hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tương đối toàn diện và đồng bộ, bao phủ rộng khắp từ Trung ương tới cơ sở, từ các đô thị cho đến những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới hải đảo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhiều vướng mắc, khó khăn kéo dài chưa được khắc phục.
Do đó, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu dự hội thảo tập trung thảo luận về: hoàn thiện hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách; tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao trong quy hoạch tổng thể; tăng cường quản lý, sử dụng, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao; tăng cường huy động các nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa, thể thao; tổ chức bộ máy, nhân sự và công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Bước vào phiên thảo luận, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày các tham luận, trao đổi thảo luận bàn tròn về 6 nhóm vấn đề chính gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao; đánh giá quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; đánh giá hiện trạng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao; đầu tư kinh phí, huy động nguồn lực xã hội phát triển thiết chế văn hóa, thể thao; tổ chức bộ máy và nhân sự.
Các chuyên gia, đại biểu, nhà khoa học đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong quản lý, sử dụng khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở hiện nay; huy động các nguồn lực để xây dựng, kiện toàn hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ về công tác xã hội hóa trong xây dựng, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa ở địa phương.
Trên cơ sở nhận diện thực trạng quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp gỡ vướng cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao.
Trong đó, có đề xuất phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới để có một hành lang pháp lý tối ưu nhất, đảm bảo được tính đồng bộ, khả thi, hiệu quả trong phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay; ban hành quy định về các cơ chế, chính sách nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Đồng thời, có cơ chế, chính sách rõ ràng hơn, hấp dẫn hơn để khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội, các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao.
Mặt khác, các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, vận hành thiết chế văn hóa, thể thao; có cơ chế khuyến khích cộng đồng giám sát, tham gia quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và rút kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát huy hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.
Ngoài ra, các chuyên gia, đại biểu cũng thảo luận nhiều giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách hợp tác công – tư (PPP) trong quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao tại các đơn vị sự nghiệp thể thao; giải pháp tích hợp quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Kết luận hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, hội thảo đã cung cấp thêm các căn cứ chính trị, lý luận, khoa học và thực tiễn, làm cơ sở để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đối với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sắp tới.
Sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ xây dựng báo cáo tổng kết đầy đủ về nội dung Hội thảo và các kiến nghị gửi tới Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan.