Ngày mai, 17/12/2022, Hội thảo Văn hóa 2022 “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” sẽ được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và đại diện Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo.
Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Bộ VHTTDL và tỉnh Bắc Ninh tổ chức. Hội thảo diễn ra ngày 17/12, tại tỉnh Bắc Ninh với sự tham dự của 800 đại biểu và các đại biểu tham dự tại một số điểm cầu trên cả nước và được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội.
Hội thảo được tổ chức với mục đích tiếp tục quán triệt và triển khia các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm, chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và quan điểm chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Đây cũng là sự kiện để tạo diễn đàn cho các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước báo cáo, trao đổi, thảo luận làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn, làm cơ sở kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Hội thảo sẽ diễn ra 2 phiên. Phiên thứ nhất là Phiên chuyên đề, Hội thảo sẽ nghe phát biểu khai mạc, phát biểu đề dẫn, báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, ý kiến tham luận và thảo luận của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật, các chuyên gia về quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, về thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và những vấn đề đặt ra.
Tại Phiên toàn thể thứ hai, Hội thảo sẽ lắng nghe phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các báo cáo đánh giá về chính sách, pháp luật và nguồn lực cho phát triển văn hóa; kinh nghiệm quốc tế của một số nước và ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế, doanh nghiệp.
Các tham luận của Hội thảo sẽ tập trung xem xét, đánh giá, phân tích theo 3 nhóm vấn đề lớn gồm: chính sách, thể chế, nguồn lực (bao gồm cả nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính) để bảo đảm cho phát triển văn hóa. Cùng với đó, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về các nhiệm vụ của văn hóa để thấy rõ được tầm quan trọng của văn hóa, phát triển văn hóa là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Nội dung chính của Hội thảo nhằm rà soát, phân tích hệ thông chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa (ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí huy động từ xã hội hóa; cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực; chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sỹ, nghệ nhân; liên kết, hợp tác trong nước và ngoài nước trong phát triển văn hóa…) và các vấn đề đặt ra.
Trước đó, chia sẻ tại buổi họp báo sự kiện diễn ra vào ngày 12/12, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh – Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo khẳng định, Hội thảo sẽ là dịp để thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan đến văn hóa. Từ đó, đưa ra quyết sách đúng, giải pháp sát với thực tiễn để triển khai tốt hơn, đi vào cuộc sống càng nhanh càng tốt.
"Qua hội thảo, Ban tổ chức sẽ có các kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền để xem xét sửa đổi, bổ sung hoàn thiện về thể chế, chính sách và cố gắng bảo đảm cho được nguồn nhân lực cũng như các thủ tục tài chính để phát triển văn hóa theo đúng mục tiêu của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021", ông Vinh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.