Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (12/5), rãnh áp thấp ở phía Bắc đang bị nén và đẩy dịch xuống phía Nam bởi một bộ phận áp cao lục địa. Từ ngày 12/5 đến sáng ngày 13/5, ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 90mm.
Từ chiều tối ngày 12/5 đến tối 13/5, ở khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 100mm. Ngoài ra, trong chiều và tối ngày 12/5 ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông cục bộ.
Mưa dông ở miền Bắc còn phức tạp do không khí lạnh tăng cường yếu kết hợp với hội tụ gió trên cao. Tình trạng nắng nóng đan xen với mưa dông dễ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Các trận mưa trong giai đoạn này luôn tiềm ẩn nguy cơ đi kèm dông lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, có thể làm bật gốc cây xanh, ảnh hưởng công trình nhà ở, hạ tầng (Ảnh: Mạnh Quân/ Dân Trí)
Do không khí lạnh xuất hiện trong giai đoạn này có cường độ yếu, chủ yếu gây mưa nên nền nhiệt giảm không nhiều. Mức nhiệt cao nhất ở miền Bắc trong hai ngày tới vẫn dao động 28-31 độ C, trời mát.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, không khí lạnh là hiện tượng thời tiết khi khối không khí rất lạnh từ lục địa Châu Á di chuyển xuống khu vực nước ta, nơi đang có khối không khí ấm, gây ra gió Đông Bắc mạnh, trời trở rét và thời tiết xấu. Không khí lạnh thường tràn về vào mùa Đông và có hướng chủ yếu là Đông Bắc nên còn gọi là "gió mùa đông bắc". Khối không khí lạnh này có nguồn gốc cực đới, tràn qua lục địa Châu Á dưới dạng front lạnh, xuống đến nước ta trong nhiều trường hợp không còn thể hiện rõ tính chất điển hình của một front lạnh nên được gọi chung là "không khí lạnh".
Gió mùa Đông Bắc là hiện tượng thời tiết đặc biệt nguy hiểm, vì khi nó tràn về, ngoài khơi vịnh Bắc Bộ gió có thể mạnh cấp 6 - 7 (đôi lúc có thể mạnh hơn) có thể đánh đắm tàu thuyền, trên đất liền gió cấp 4 - 5, có thể làm hư hại nhà cửa, cây cối, các công trình đang thi công trên cao...
Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác. (Ảnh: Huy Khánh/Vietnam+)
Ở nước ta không khí lạnh thường bắt đầu từ trung tuần tháng 9 năm trước đến trung tuần tháng 6 năm sau, nhưng mạnh nhất vào các tháng chính đông, chịu ảnh hưởng trực tiếp là khu vực phía Bắc, từ đèo Ngang trở ra, ít khi đến Nam Trung Bộ.
Như vậy có thể thấy, việc xuất hiện các đợt không khí lạnh vào thời điểm giữa tháng 5 không có gì là bất thường. Tính chất của đợt không khí lạnh này cũng khác so với không khí lạnh vào mùa đông nên chỉ làm nền nhiệt giảm nhẹ.
Ngày 12/5, ở khu vực Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ như: Biên Hòa (Đồng Nai) 37.0 độ, Long Khánh (Đồng Nai) 36.2 độ, Thủ Dầu Một (Bình Dương) 36.8 độ…; độ ẩm tương đối lúc 13h phổ biến 45-55%.
Ngày 13-14/5, khu vực Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%.
Khu vực từ Quảng Nam đến Ninh Thuận và Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất có nơi trên 35 độ.
Dự báo chi tiết:
Thời điểm dự báo | Khu vực ảnh hưởng | Nhiệt độ cao nhất (oC) | Độ ẩm tương đối thấp nhất (%) | Thời gian nóng (giờ)
|
Ngày 13-14/5/2024 | Nam Bộ | 35-37, có nơi trên 37 | 50-55 | 12-16 |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, nắng nóng ở Nam Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 15/5. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Lưu ý: nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai có công văn gửi đơn vị chức năng các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Các đơn vị được yêu cầu thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả (nếu có).
Đồng thời, các đơn vị cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.