Ông Hoàng Văn Lượm, 70 tuổi, người trông coi cây vải tổ (cây vải thiều được cho là cây tổ) ở thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương.
Đối với cây vải tổ 154 tuổi, qua quan sát thấy tán cây xanh mướt lá, phải để ý kỹ mới thấy bên phía trái tán cây có lưa thưa vải quả.
Ba cây vải khác (ông Lượm người trông coi khu lưu niệm cây vải tổ gọi là cây vải con, cây vải cháu) cũng trong hoàn cảnh tương tự với "cụ" tổ.
Thậm chí có cây vải con, cây vải cháu năm nay ngước lên nhìn mỏi cả cổ còn không thấy bóng quả. Duy có 1 cây vải bên trái nhà lưu niệm ra sai hơn cả nhưng không ra đều, có một góc tán cây không có quả.
Buồn vì lần đầu tiên "cụ" vải vắng quả
Gặp người trông giữ, chăm sóc cây vải tổ và khu lưu niệm cây vải tổ là ông Hoàng Văn Lượm, 70 tuổi, điều phóng viên Dân Việt nhận thấy, đó là trông ông có vẻ ốm yếu hơn năm ngoái.
Gương mặt ông đượm buồn, miệng méo, giọng nói méo, ngọng, khó nghe hơn trước.
Mùa vải năm 2024, cây vải tổ ở thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương chỉ ra lưa thưa một vài chùm quả nhỏ. Vì ra ít quả quá mà ông Đượm (người trông coi khu lưu niệm cây vải tổ) coi như không ra quả chăng? Ảnh: Nguyễn Việt.
Khi trò chuyện, trao đổi với phóng viên Dân Việt về cây vải tổ không có quả, gương mặt, giọng nói của ông đượm buồn.
Ông Lượm cho biết: "Năm nay, cây vải tổ, vải con, vải cháu không ra quả là do thời tiết ấm, rét ít. Nói chung năm nay toàn dân mất mùa chung cháu ạ. Tất cả do thiên nhiên thời tiết".
Ông Hoàng Văn Lượm, người trông coi khu lưu niệm cây vải tổ đứng bên dưới gốc vải tổ 154 năm tuổi ở thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Nguyễn Việt.
Thực tế, khi đi xung quanh cây vải, phóng viên Dân Việt đã phát hiện phía tán bên trái của cây vải tổ có lưa thưa vài chùm quả nhỏ. Vì ít quá nên ông Lượm không coi cây vải tổ có quả chăng?
Khi được hỏi có năm nào cây vải tổ không ra hoa, ra quả không? Ông Lượm cho hay "Mỗi năm này là không ra hoa, còn như mọi năm, năm nào cũng có, năm nào cũng sai đấy".
Ông Lượm lý giải thêm về nguyên nhân khiến "cụ" vải tổ không ra quả: "Trong chu kỳ ra hoa, thời tiết phải rét, nếu trong giai đoạn đó mà thời tiết ấm thì không ra được hoa".
Tìm hiểu được biết, ông Hoàng Văn Lượm là cháu 5 đời của cụ Hoàng Văn Cơm (sinh năm 1848), người ươm, trồng cây vải tổ có tuổi đời 154 năm.
Nhìn từ xa không ai thấy cây vải tổ ra quả nên mọi người cứ nghĩ năm nay cây vải tổ không ra quả. Ảnh: Nguyễn Việt.
Chỉ đến khi lại gần, ngước đầu nhìn lên để ý kỹ tán mạn bên trái cây vải tổ mới phát hiện một vài chùm quả nhỏ. Ảnh: Nguyễn Việt.
Theo ông Lượm, năm 1870 cũng Hoàng Văn Cơm, dự một tiệc cưới của một gia đình người Hoa ở Hải Phòng. Tại bữa tiệc, cụ nhà tôi đã được ăn quả vải, thấy ngon cụ liền đem 3 hạt về ươm.
Sau này, cây vải phát triển ra quả. Khi cây vải ra quả, cụ Cơm hái đem cho hàng xóm, ai ăn cũng tấm tắc khen ngon.
Sau đó, cụ chiết cành, rồi đem tặng cho hàng xóm để trồng. Từ đó, cây vải phát triển trên vùng đất Thanh Hà.
Sau này, nhiều nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh cũng về Thanh Hà mua giống vải thiều về trồng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất Thanh Hà nên vải thiều Thanh Hà được đánh giá là ngon nhất so với vải thiều trồng trên các vùng đất khác.
Năm 1992, Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam đã xác định đây là cây vải tổ của Việt Nam; năm 2016 được xác lập là kỷ lục Việt Nam, với kỷ lục "Cây vải thiều lâu năm nhất Việt Nam".
Buồn vì phụ cấp không đủ sống
Ngoài nỗi buồn về "cụ" vải không ra quả, gương mặt ông Hoàng Văn Lượm cũng đượm một nỗi buồn khác.
Đó là, hiện nay ông Lượm đang hưởng phụ cấp 1 triệu đồng/tháng cho công việc trông coi khu lưu niệm cây vải tổ.
Clip: Nỗi lòng người trông coi cây vải tổ ở Thanh Hà, Hải Dương, buồn vì cây vắng quả, buồn vì phụ cấp không đủ sống. T/h: Nguyễn Việt.
Cũng theo ông Lượm, mức phụ cấp cho người trông coi, giữ gìn cây vải tổ như thế là thấp quá, không đủ chi tiêu, bảo đảm cuộc sống.
Trong khi ông Lượm tuổi đã cao, sức yếu, thường xuyên ốm đau bệnh tật liên miên. Vì vậy, mức phụ cấp hỗ trợ người trông coi, giữ gìn cây vải thiều tổ, khiến ông gặp nhiều khó khăn trong đời sống.
Qua Báo Dân Việt, ông Lượm đề nghị các ngành, các cấp có thẩm quyền quan tâm, tăng phụ cấp cho ông, để ông bảo đảm cuộc sống, đồng thời yên tâm với công việc giữ gìn, trông coi khu lưu niệm cây vải tổ.
Không chỉ cây vải tổ mất mùa mà toàn bộ diện tích trồng vải gần 3.300 ha của huyện Thanh Hà cũng trong tình trạng mất mùa. Có mặt tại một số vườn vải trên địa bàn huyện Thanh Hà, phóng viên Dân Việt thấy có khá nhiều cây vải không có quả, những cây có quả thì quả cũng thưa thớt.
Mặc dù vậy, vừa qua huyện Thanh Hà cũng đã phối hợp với Sở Công thương Hải Dương tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều để giúp người dân tiêu thụ vải được thuận lợi. Trao đổi với cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thanh Hà bên lề hội nghị, được biết, vụ vải năm 2024, huyện Thanh Hà ước tính sản lượng vải chỉ đạt khoảng trên dưới 20.000 tấn, giảm 50% so với vụ vải năm 2023.